Đó chỉ là một trong số hằng trăm công việc âm thầm của các thành viên trên tàu KN 491 để đưa các đoàn công tác trong và ngoài nước đến gần hơn với Trường Sa – mảnh đất máu thịt của tổ quốc, qua đó giúp mọi người hiểu và chung tay bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo dân tộc.
Những người thầm lặng
Nhận nhiệm vụ đưa đoàn công tác từ cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, anh Nguyễn Thanh Hải – thuyền trưởng tàu KN 491 thuộc Chi đội Kiểm ngư số 4 – Cục Kiểm ngư, Tổng Cục Thủy sản, cùng các thuyền viên trên tàu mất nhiều ngày họp bàn, nghiên cứu địa hình, thời tiết khu vực sắp thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo một chuyến hải trình an toàn.
Một khối lượng công việc cực lớn được thuyền trưởng lên kế hoạch tỉ mỉ rồi phân công từng thuyền viên thực hiện như chuẩn bị chỗ ăn ở cho gần 200 con người đến việc kiểm tra áo phao, xuồng máy để đoàn di chuyển từ tàu lên các đảo an toàn.
Sáng trên cảng Cam Ranh, tàu KN 491 kéo thốc 3 hồi tàu chào đất liền, bắt đầu chuyến hành trình kết nối đất liền với Trường Sa. Ngay trong ngày đầu tiên trong chuyến hải trình, sóng cấp 5 vỗ đều vào mạn làm con thuyền chao nghiêng.
Vài người chưa quen đi biển chếnh choáng, xây xẩm mặt mày. Những người tỉnh táo thì tìm lên boong tàu để ngắm chim én chao lượn giữa nền trời xanh ngắt. Tàu rẽ sóng độ 10 hải lý bỏ lại đất liền phía sau. Điều còn lại trong mắt chúng tôi là hình ảnh đảo Bình Ba ẩn hiện như viên ngọc nổi giữa biển cả bao la.
Hơn một ngày trên biển, đoàn đến điểm đảo Đá Lớn A (Đảo Đá Lớn có 3 điểm chốt A, B, C với những ngôi nhà kiên cố, cách nhau vài hải lý). Từ xa, hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc nhà của đảo hết sức thân quen và vô cùng tự hào vì nơi chúng tôi đứng đã là vùng Biển Đông – vùng phênh dậu của tổ quốc.
Không riêng đảo Đá Lớn, nhiều đảo ở Trường Sa vốn là các bãi đá ngầm của nền san hô ngập nước. Việc di chuyển lên đảo vì thế phụ thuộc vào con triều lên xuống. Hiểu được điều đó nên qua loa phát thanh, thuyền trưởng tàu KN 491 thông báo đoàn chỉ có thời gian chưa đầy 2 tiếng đồng hồ để giao lưu, thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Lớn A.
“Thả xuồng!” – lời một thuyền viên trên tàu KN 491 át cả tiếng sóng. Mất một phút chòng chành sóng nước, xuồng neo đậu mạn thuyền để đưa từng thành viên trong đoàn công tác lên đảo.
“Mọi người di chuyển chậm, bước dứt khoát tránh gây nguy hiểm cho bản thân” – Đình Bảo người lái xuồng, nhắc nhở… Xuồng rời tàu, rẽ sâu qua bãi cọc nhọn hoắt để cập đảo. Lần lượt gần 200 người trong đoàn công tác được Bảo và các thuyền viên trên tàu KN 491 dùng xuồng đưa vào đảo trật tự và an toàn.
Gần 2 tiếng đồng hồ làm việc, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Lớn A là quãng thời gian ngắn ngủi nhưng vô cùng ý nghĩa với các thành viên trong đoàn công tác.
Giữa muôn trùng sóng gió, lời ca khúc Nơi đảo xa được lính đảo cất vang: “Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa quần đảo đứng hiên ngang thiên hùng ca ngời sáng.” Phút lắng đọng, thiêng liêng ấy nhanh chóng tắt bởi tiếng loa phát từ cầu cảng: “Hết thời gian trên đảo, mọi người sắp xếp về tàu trước khi nước rút!”
Chia tay lính đảo vì chặng hành trình chỉ mới bắt đầu nhưng vài người không giấu được cảm xúc đã rưng rưng nước mắt. Họ đã khóc nhưng là những giọt nước mắt quá đỗi tự hào vì có những người lính đảo trong gian khổ luôn vượt qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo
Sau này, trong một buổi nghỉ ngơi trên boong tàu, Đình Bảo mới thú thật, các anh luôn hiểu cảm xúc bịn rịn lúc chia tay của các đoàn công tác khi ra Trường Sa. Tuy vậy, ở vị trí thuyền viên trên tàu KN 491, mọi người luôn tuân thủ tuyệt đối lịch trình công tác do thuyền trưởng đưa ra.
Nói thế nhưng cũng có khi đoàn công tác giao lưu với chiến sĩ Trường Sa lâu hơn dự kiến. Đó cũng là lúc con triều xuống thấp lộ rõ rạn san hô gai góc, nhọn hoắc.
“Lúc nước rút sâu lộ ra các rạn san hô lởm chởm làm xuồng mắc cạn. Lúc này, anh em chúng tôi buộc phải ì ạch đẩy xuồng để đưa mọi người về tàu. Có khi xong việc, nhiều anh chân tay xây xướt, tóe máu” – Đình Bảo kể lại.
Qua câu chuyện của Bảo, chúng tôi mới hiểu tất cả các thuyền viên trên tàu KN 491 trước đó đều có nhiệm vụ đưa đón, chuẩn bị mọi phương án để đảm bảo an toàn cho các đoàn công tác ra thăm các đảo.
Trong thực tế lúc trên biển, các phương án dù được các anh tính toán tỉ mỉ đến đâu cũng không thể tuyệt đối. Đã không ít lần thuyền viên tàu KN 491 ngụp lặn dưới biển để gỡ rong rêu quấn siết vào cánh quạt xuống máy; hay không ít người khi đặt chân lên đảo, chỉ vì bất cẩn mà trượt chân ngã xuống biển... Rất may là không ai bị thương hoặc hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Theo lời thuyền trưởng tàu KN 491 Nguyễn Thanh Hải, ngoài nhiệm vụ tuần tra, thực thi pháp luật trên biển, một số tàu Kiểm ngư Việt Nam được cấp trên giao nhiệm vụ làm cầu nối, đưa các đoàn công tác trong và ngoài nước ra thăm quần đảo Trường Sa.
Những công việc thầm lặng của anh giúp tàu KN 491 vận hành trơn tru qua đó, giúp chúng tôi có một một chuyến công tác trên biển an toàn và đầy ý nghĩa.
Trong những ngày trên tàu, các thuyền viên trên tàu KN 491 còn kể rằng, với sóng to gió lớn, các anh có đủ nghiệp vụ và kinh nghiệm để chèo lái, đảm bảo an toàn cho mọi người trên thuyền. Nhưng riêng với “nhân tai” trên biển thì chỉ có sự chỉ huy tài tình của người thuyền trưởng để xử lý các tình huống phức tạp có thể xảy ra.
Chuyện là không ít chuyến đưa đoàn ra Trường Sa, tàu gặp phải sự cản trở của các tàu nước ngoài. Trước những hành động cản trở, khiêu khích của tàu lạ, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hải cùng thủy thủ đoàn luôn bình tĩnh đối phó.
“Biển đảo của nước ta nên chúng tôi không lo lắng điều gì. Mọi tình huống xảy ra, chúng tôi xử lý theo đúng quy định của luật pháp quốc tế” – thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hải tâm sự.
Với mỗi đoàn công tác ra thăm Trường Sa, Nhà giàn DK1 là một kỷ niệm đáng nhớ với anh em trên tàu KN 491 nhưng riêng anh Đặng Thành Sự - Thuyền phó, hình ảnh về những người kiều bào xa xứ lần đầu đến Trường Sa khiến anh xúc động nhất.
“Ai trong chúng ta cũng có tình yêu với biển đảo nhưng với người Việt xa xứ, tôi cảm nhận những cảm xúc thiêng liêng, trân quý từng giây phút họ được trò chuyện, giao lưu với lính đảo” – anh Sự chia sẻ.
Nơi tình yêu bắt đầu
Ít ai biết, trong một lần đưa đoàn công tác ra thăm Trường Sa vào năm 2017, có hai thành viên trong đoàn cùng đi trên Tàu KN 491 đã trúng “tiếng sét ái tình”. Một thời gian sau khi về đất liền họ tìm hiểu và tiến tới hôn nhân. Sau này cặp đôi này quay trở thăm các thuyền viên trên tàu KN 491 trao những tấm thiệp hồng và cảm ơn thủy thủ đoàn. Cũng có không người kết thúc chuyến công tác đã dành tặng những lời thơ, hình ảnh đẹp về tàu KN 491 thay lời tri ân đối với anh em thuyền viên.