Đại diện truyền thông đơn vị này cho biết, Ban Sóc là lễ phát lịch định kỳ vào cuối năm âm lịch, tổ chức bởi triều Nguyễn kể từ đời vua Minh Mệnh.
Theo đó, hàng năm, sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình sẽ tổ chức lễ Ban Sóc để Hoàng gia tiện dùng, đồng thời phát cho các quan lại ở Kinh Thành, các địa phương cũng như phân phát lại cho dân chúng sử dụng.
Việc này được xem là hệ trọng bởi với một đất nước trọng nông nghiệp, lịch biểu có ý nghĩa rất quan trọng, giúp theo dõi thời gian, thời tiết để kịp sản xuất nông vụ, ứng phó phòng tránh thiên tai.
Dưới triều Minh Mệnh, lễ này được tổ chức và ban đầu, nghi thức thực hiện long trọng tại điện Thái Hòa. Đến năm 1841, nhằm ban lịch đến đông đảo người dân, nhà vua quyết định dời lễ ra cổng Ngọ Môn, tiến hành thay đổi nghi thức triều đình hướng đến người dân nhiều hơn.
“Ghi nhớ thay đổi quan trọng ấy, năm nay Tân Sửu 2021, tròn 180 năm và cũng là năm Tân Sửu theo âm lịch, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quyết định tái hiện nghi lễ này, qua hình thức sân khấu hóa với những trình thức, nghi tiết thuở xưa, nhằm tái hiện tinh thần nhân văn của người xưa và cũng là dịp để du khách cùng người dân Huế trải nghiệm di sản Cố đô ngay ngày đầu năm mới” - đại diện đơn vị chia sẻ.
Cũng cùng thời điểm này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức khai trương, đưa vào hoạt động trở lại không gian di tích Cổng Ngọ môn, sau một thời gian gián đoạn bởi triển khai dự án tu bổ tổng thể di tích giai đoạn 2.
Trung tâm cho biết Cổng Ngọ Môn hiện đã tu bổ hoàn thiện với kinh phí khoảng 44 tỷ đồng, thực hiện sơn thếp lại toàn bộ lầu Ngũ Phụng trên cổng, quy hoạch tái thiết lại hạ tầng xung quanh khu vực Ngọ Môn, lắp đặt các hệ thống chống cháy, chiếu sáng nội thất… và cây xanh cảnh quan.