Đi du lịch phải cần có Hộ chiếu vaccine ?

Tâm An |

Sáng 4.4, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai cấp “Hộ chiếu vaccine” và quán triệt việc bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng Covid-19. Bộ Y tế đề nghị các cơ sở tiêm chủng trên cả nước chuẩn bị các điều kiện cần thiết, triển khai ký số chứng nhận tiêm chủng Covid-19 từ ngày 15.4 tới đây. Vậy hộ chiếu vaccine (HCVC) dùng để làm gì?

Ông Đỗ Trường Duy, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, cho biết, người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và đã được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống tiêm chủng, sẽ được cấp HCVC mà không phải thực hiện thủ tục gì thêm.

HCVC được hiểu là giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hoặc/và giấy xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19. Nó được sử dụng để chứng minh lịch sử tiêm chủng, khỏi bệnh của cá nhân, và không thay thế cho các giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh khác như hộ chiếu, thị thực, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy thông hành, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực…

Hộ chiếu vaccine sẽ cần, khi các nước yêu cầu khách du lịch chứng minh đã tiêm đủ liều vaccine khi đến (ảnh VTYT)
Hộ chiếu vaccine sẽ cần, khi các nước yêu cầu khách du lịch chứng minh đã tiêm đủ liều vaccine khi đến (ảnh VTYT)

HCVC của các nước được VN công nhân vào Việt Nam và của Việt Nam đến các nước này được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vaccine ở sở tại.

Người mang HCVC của các nước này vào Việt Nam và của Việt Nam đến các nước này được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vaccine ở sở tại. Việc công nhận này bao gồm việc miễn thủ tục chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hoá lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận. 

Theo đó, quy trình cấp HCVC sẽ gồm 3 bước. Chứng nhận HCVC sẽ được cấp sử dụng định dạng mã QR, hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày mã QR này được khởi tạo.

HCVC sẽ hiển thị 11 trường thông tin, gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới, số mũi tiêm đã nhận, ngày tiêm, liều số, vaccine, sản phẩm vaccine, nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine, mã số của chứng nhận.

Các thông tin bao gồm họ tên và ngày sinh sẽ kết hợp với giấy tờ định danh khác như chứng minh nhân dân, căn cước công dân hay hộ chiếu để giúp định danh người sở hữu.

Các thông tin sẽ được ký số, mã hoá và được đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D. Mã QR sẽ hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày khởi tạo.

Các thông tin về bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới, vaccine, loại vaccine và nhà cung cấp hoặc sản xuất sẽ được hiển thị tương ứng với tài liệu "COVID-19 vaccine tracker and landscape" của WHO được cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của WHO và "Value Sets for EU Digital COVID Certificates" do Liên minh châu Âu (EU) ban hành.

Việc cấp HCVC cũng gây nhiều tranh cãi. Người đứng đầu liên minh hàng không lớn nhất thế giới, ông Jeffrey Goh nói rằng: " Nỗ lực tạo ra HCVC sẽ giúp việc đi lại dễ dàng hơn. Tuy nhiên, quá trình này cũng dẫn đến một số thách thức. Các hãng hàng không và chính phủ các nước có thể sử dụng nhiều nền tảng công nghệ khác nhau và khó quy ước ra một tiêu chuẩn chung".

Hiện nay Chính phủ các nước trên thế giới đang làm việc để tạo ra một chính sách thống nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại đối với những người đã tiêm chủng đầy đủ. Các hãng hàng không cũng đã hỗ trợ một số giải pháp công nghệ để xác minh tình trạng tiêm chủng hoặc kết quả xét nghiệm của hành khách, chẳng hạn như ứng dụng IATA Travel Pass của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế.

Tâm An