Ký sự 10 ngày ở Myanmar

Kỳ 2: Từ Yangoon đến cánh đồng tháp Bagan

Trung Hiếu |

Myanmar, có sách nói rằng, tên gọi của nó bắt nguồn từ Brahmadesh, trong tiếng Phạn có nghĩa là " Mảnh đất của Brahma”- một vị thần sáng tạo trong Ấn Độ giáo (Hindu). Theo thống kê dân số, Myanmar hiện có khoảng hơn 50 triệu người, trên diện tích gần 700 ngàn km², giáp với Thái Lan, Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc.

Có một chi tiết thú vị tương đồng với Việt Nam, trong lịch sử, Myanmar cũng có 3 lần chặn đứng vó ngựa xâm lược của quân Nguyên Mông, bảo toàn nền độc lập của đất nước. Hơn thế, đất nước này xa xưa là sự thống nhất từ nhiều tiêu quốc, do vậy, nền văn hóa của nó đa dạng, cảnh sắc phong phú, với dày đặc đền chùa, miếu mạo… hơn bất kỳ nơi nào khác.

Sáng sớm nhưng du khách đã tề tựu đông đảo để đón ánh bình minh trên cánh đồng tháp Bagan
Sáng sớm nhưng du khách đã tề tựu đông đảo để đón ánh bình minh trên cánh đồng tháp Bagan (ảnh Trà My)

So với nhiều quốc gia khác trong khu vực, hoạt động du lịch của Myanmar còn hạn chế, hơn thế đất nước này vừa mới thoát khỏi sự “bế môn tỏa cảng” của chính quyền quân sự, nên thông tin đi lại, ăn ở nghỉ ngơi cho một chuyến “du lịch bụi” cũng khá mơ hồ.

Từ Đà Nẵng không có chuyến bay thẳng đến các tỉnh thành của Myanmar, nên chúng tôi phải đi từ TP Hồ Chí Minh qua hãng Jetstar, đến Yangoon, với hơn 80 phút bay. Tổng số tiền cả hai chặng bay (khứ hồi) hơn 4 triệu đồng, là một khoản chi phí khá dễ chịu.

Sương khó lãng đãng trên cánh đồng tháp Bagan cho du khách nhiều cảm khái của một không gian tâm linh (ảnh Trà My)
Sương khói lãng đãng trên cánh đồng tháp Bagan cho du khách nhiều cảm khái của một không gian tâm linh (ảnh Trà My)

Mặc dù thủ đô của Myanmar là Naypyidaw, nhưng hầu hết dân “phượt” và các tour du lịch trên thế giới chỉ biết đến Yangoon, vì nó là thành phố nhộn nhịp, sầm uất và rộng lớn nhất  đất nước này. Trung tâm thành phố Yangoon từ lâu chỉ cho phép ô tô và các phương tiện hai bánh không có động cơ lưu thông. Thế nhưng ở đây vẫn không tránh khỏi nạn kẹt xe kinh khủng vào giờ tan tầm. Vì vậy thay vì lượn một vòng vào thành phố, chúng tôi đón xe taxi đi thẳng ra Aung Mingalar Bus station, cách sân bay 20-30 phút, để đón chuyến xe đi Bagan của hãng JJ Express.

JJ E. là một trong hai hãng xe lớn nhất Myanmar. Và thú vị hơn bằng trang Facebook, mạng xã hội,    với chiếc ipad, từ Đà Nẵng, tôi có thể đặt xe toàn chuyến đi cho cả nhóm qua messenger https://www.facebook.com/jjexpressmm/. Cách làm việc của hãng xe khá khoa học; vừa nhận được yêu cầu của tôi qua dòng chat, hãng gửi ngay toàn bộ lịch xe khởi hành từ các điểm, kèm theo cả thời gian để tôi lựa chọn. Tiếp theo đó, hãng gửi vị trí ngồi trên xe của từng người, số xe và cả hai số điện thoại của tài xế, liên lạc khi đến Myanmar.

Thong dong với chiếc xe đạp trong khu Old Bagan (ảnh Trà My)
Thong dong, vô nhiễm với chiếc xe đạp trong khu Old Bagan (ảnh Trà My)

Tại bến xe, chúng tôi nhận vé, trả tiền cho cả chuyến đi. Động tác này hợp với khá nhiều dân “phượt, vốn dè dặt trong chuyện tiền nong khi đến với vùng đất mới. Còn trống đến gần 5 tiếng để lên xe thẳng tiến Bagan, chúng tôi thả bộ vào ngôi làng gần đấy. Một cô thôn nữ tình cờ làm tình nguyện viên đưa chúng tôi vào thăm những ngôi chùa nhỏ.

Sự yên bình cho chúng tôi cảm giác gần gũi, thân thiết như ở quê hương. Cô bé còn về nhà lấy cả thanh Thanaka- một loại thực vật dưỡng da (sẽ nói kỹ về thanaka ở phần sau) quẹt vào mặt từng người và bảo: “Ngày mai các anh chị sẽ có làn da đẹp, khi đến Bagan”.

Bên hiên Chùa Vàng (ảnh Trà My)
Bên hiên Chùa Vàng (ảnh Trà My)

19 giờ, xe rời bến ở Yangoon, và sau 9 tiếng trên đường, chúng tôi đã có mặt tại Bagan lúc mặt trời chưa ló dạng. Ngạc nhiên thay khi người chủ khách sạn tôi đặt chỗ qua Agoda đã chu đáo chuẩn bị cho chúng tôi 6 chiêc xe đạp và hối thúc chúng tôi đi nhanh vào Old Bagan để ngắm bình minh trên cánh đồng tháp. Nhận lời cảm ơn, ông cười rất hiền: “Bình minh ở Bagan là cảnh hiếm có, nên đến vào giờ này, các anh cần phải tận hưởng nó…”.

Từ sự chu đáo của hãng xe; thái độ thân thiện của cô thôn nữ, đến sự tận tụy của ông chủ khách sạn… để lại trong chúng tôi cảm giác yên lòng khôn tả và quả vậy, suốt cả hành trình trên đất Myanmar là một trải nghiệm văn hóa ứng xử hiếm có, trên các vùng đất tôi đã đi qua.

Bài 3: Cánh đồng vô nhiễm

Trung Hiếu
TIN LIÊN QUAN

Kỳ 1: Chạm ngõ vùng đất Phật vàng

Trung Hiếu |

Đoàn chúng tôi gồm 6 người, “phượt” Myanmar từ Đà Nẵng. Đây là đất nước xinh đẹp, người dân hiền hòa hiếm có. Dù phát triển du lịch muộn, nhưng Myanmar đang có những bước đi vững chắc, bằng các dịch vụ du lịch tiện ích hơn hẳn so với nhiều nước trong khu vực.

Hãy theo chân nhóm chúng tôi "phượt" một vòng quanh đất nước từ Yangon đi hồ Inle đến cánh đồng tháp Bagan, thẳng tiến Madalay và trở về Golden Rock…

Kỳ 1: Chạm ngõ vùng đất Phật vàng

Trung Hiếu |

Đoàn chúng tôi gồm 6 người, “phượt” Myanmar từ Đà Nẵng. Đây là đất nước xinh đẹp, người dân hiền hòa hiếm có. Dù phát triển du lịch muộn, nhưng Myanmar đang có những bước đi vững chắc, bằng các dịch vụ du lịch tiện ích hơn hẳn so với nhiều nước trong khu vực.

Hãy theo chân nhóm chúng tôi "phượt" một vòng quanh đất nước từ Yangon đi hồ Inle đến cánh đồng tháp Bagan, thẳng tiến Madalay và trở về Golden Rock…