Cũng dễ hiểu về tâm lý trên , bởi lẽ chỉ cần gõ Google với vài từ khóa chẳng hạn “Ấn Độ, an ninh, phụ nữ”, lập tức có hàng trăm ngàn kết quả kiểu như Ấn Độ là quốc gia nguy hiểm đối với phụ nữ, với tình trạng bạo lực giới tính, nạn buôn bán người, lao động ép buộc, cưỡng hôn và nô lệ tình dục; cùng nhiều vụ tấn công bằng axít nhằm vào phụ nữ….
Tóm lại, trước mắt nhiều người là một bức tranh khá tối về câu chuyện vị thế người phụ nữ ở xứ này. Nhưng tôi đã đến với “Tây Thiên” rộng lớn, mênh mông biển người với một tâm thế khác và tin rằng – những gì đang trình bày trên Google không phải là tất cả Ấn Độ.
Hơn 10 ngày lang thang trên tiểu lục địa rộng lớn này, một tiểu lục địa với nhiều sự đa dạng và khác biệt - bắt đầu từ chính cái tên Ấn Độ. Rồi khác biệt về địa lý, mỗi khu vực có một nét đặc trưng văn hoá riêng, ngôn ngữ, ẩm thực riêng, chủng tộc, tôn giáo riêng, chúng tôi như trôi qua những miền bất tận của ký ức tưởng chừng chỉ có trên sử sách.
Từ pháo đài Amber Fort, lâu đài nước JalMahal đến kỳ quan Taj Mahal, về thánh địa linh thiêng Varanasi với Mẹ sông Hằng nhiều ngàn năm tuổi. Varanasi là nơi linh thiêng nhất trong các thánh địa trên khắp Ấn Độ được dân chúng - các tín đồ Hindu giáo truyền tụng, còn có tên là Benares và Kashi, đây là thành phố của thần Shiva (Đấng Toàn Năng) tọa lạc bên bờ sông Hằng ở bang Uttar Pradesh, đã có trên 3 ngàn năm tuổi.
Hindu là tôn giáo lớn nhất ở Ấn, xuất hiện gần 1.500 năm trước CN, hiện nay tín đồ chiếm hơn 80% dân số. Trong đó sông Hằng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của người Ấn Độ, đặc biệt đối với họ. Khi nhắc đến thánh địa Varanasi, chính là gắn với Mẹ sông Hằng với gần 100 Ghat (những bậc thang dẫn xuống bờ sông) lớn nhỏ dọc hai bên bờ sông, nơi người dân địa phương sinh hoạt và hỏa táng người đã khuất.
Thần thoại của người Hindu kể rằng sông Hằng có nguồn gốc từ nữ thần Ganga chảy từ thiên đàng xuống thẳng hạ giới theo 3 nhánh từ mái tóc của thần Shiva, ngôi nhà thực sự của sông Hằng là tại Thiên đàng. Vì vậy, người Hindu tin rằng những ai chết trong khu vực sông Hằng, rải tro xuống dòng trôi đều sẽ được lên thiên đàng bởi sông Hằng sẽ gột rửa, giải phóng họ khỏi tất cả mọi tội lỗi của trần thế, nhanh chóng thoát khỏi kiếp luân hồi.
Với đức tin này, người ta đến Varanasi để đợi cái chết, hoặc mang xác chết từ nơi khác về đây để được tắm trên sông Hằng và hỏa táng. Ở đây không khó nhìn thấy những đám đông ồn ả reo hò của những đàn ông khiêng người chết hoặc đang hấp hối, đi qua những con ngõ nhỏ hẹp, ướt át và đông đúc, chật chội để đến bờ sông.
Trong ồn ào của những lời cầu nguyện nào đó; giữa người chết và người sống thật gần, gần như thể không có một ranh giới nào trong nhiều ngàn năm qua người ta vẫn sống, vẫn tắm gội, hỏa táng và tạ ơn thần linh cùng nhau trên khúc sông linh thiêng này.
Trở lại câu chuyện của những người phụ nữ. Trong những ngày lang thang đi bộ hay phóng vù vù trong hoảng sợ trên những chiếc xe Rickshaw bởi những bác tài đen cháy nắng, như nghệ sĩ vừa lái, vừa hát, vừa nhún nhảy theo điệu nhạc từ bộ loa công suất lớn gắn trên xe, tôi cũng cố quan sát, dõi tìm nhưng hầu như hình ảnh của họ là vắng bóng.
Câu hỏi vẫn là một dấu hỏi lớn, thỉnh thoảng lắm mới nhìn thấy trên đường vài bóng dáng phụ nữ, hầu hết những hàng quán, cửa hiệu dịch vụ, chợ búa, bến tàu, nhà ga những nơi chúng tôi qua và đến đều chỉ thấy nam giới. Họ buôn bán, nấu nướng, pha chế và phục vụ. Không tìm thấy câu trả lời, đành chấp nhập đó là vì đây là… Ấn Độ.
Thế lý do điên rồ nào “ông Google” lại sẵn sàng cho ra kết quả cực nhanh về số phận của hàng trăm ngàn phụ nữ ở trên kia phải gánh chịu hàng giờ, hàng phút những nỗi đau không tưởng?
Cũng trên dòng sông Hằng linh thiêng, ở một đoạn Ghat bình yên đón bình minh lên, tôi đã tìm thấy những dấu hỏi của mình. Họ lặng chìm trong thiền nguyện, tắm táp, gội rửa dưới dòng thiêng. Vẫn những tấm sari rực rỡ sắc màu, đầu đội mâm lễ…
Rời khúc sông thiêng, trước một quán café có lịch sử ra đời hơn 30 năm, trong lúc đợi được cầm ly café vị Ấn ấm nóng, tôi lại bắt gặp dấu hỏi của mình. Không hiểu sao cặp đôi ấy lại có thể dừng xe ở giữa đường, vừa trò chuyện vừa âu yếm vào lúc sớm thế này, ánh mắt ngời lên niềm hạnh phúc. Họ vẫn đứng đấy, rất lâu và như không hề biết đến xung quanh. Càng không tìm thấy câu trả lời, thôi đành chấp nhập đó là vì đây là… Ấn Độ.
Và cũng trong thời gian lưu lại bang Uttar Pradesh, đoàn chúng tôi dừng chân ở quán cà phê đặc biệt tên Sheroes's Hangout (có nghĩa là nơi gặp gỡ của các nữ anh hùng) nằm tại thành phố Agra. Quán được tài trợ bởi một nhóm tình nguyện muốn chấm dứt nạn tấn công axit nhằm vào nữ giới tại Ấn Độ.
Điểm chung của những nữ chủ quán này là gương mặt, cơ thể bị biến dạng méo mó do sự tấn công của axit bởi những kẻ thủ ác là người thân, quen của mình. Mỗi người họ là một cảnh đời. Cuộc đời họ và hàng trăm ngàn mảnh đời như họ đã trải qua những tháng ngày vỡ vụn, buồn tủi trong đớn đau, hoảng loạn. Khi chúng tôi đến, họ đã tươi cười, bình yên sống một trang đời khác.
Chúng tôi được thưởng thức cà phê ngon, những món ăn thuần Ấn cùng sự phục vụ chu đáo của các cô. Chúng tôi còn tha hồ lựa chọn cho mình những món đồ lưu niệm dễ thương để ủng hộ họ. Số tiền ấy sẽ được chuyển về quỹ dành cho các nạn nhân bị tạt axit khác. Song quan trọng hơn, cuộc đời của những dấu hỏi này đã được tái sinh, truyền cảm hứng cho những mảnh đời bất hạnh khác.
Vì không muốn phải chạm vào những góc tối tăm đã cũ nên cuộc trò chuyện giữa chúng tôi cũng chừng mực xoay quanh những món ăn, những món quà đang hiện diện tại quán. Nhưng có khi tôi nhầm, biết đâu không riêng chỉ những dấu hỏi của tôi mà cả miền đất đầy bí ẩn, linh thiêng này lại biết cách sống hạnh phúc hơn khi đã vượt qua mọi giới hạn!
Thêm lần nữa tôi thấm thía chuyện cuộc sống thật đôi khi khác rất xa với những gì đã có trên Google. Và chợt nghĩ với những vùng đất như “Tây thiên” này, dù có đi mãi, đi đến hết đời vẫn không hết sàng khôn…