Bảo tồn di tích Chăm- nhiều nỗi băn khoăn

Tâm Thảo |

Cách đây vài năm, trong chuyến du hành đến Mỹ, tôi đến thăm Bảo tàng Metropolitan (New York). Là một sự tình cờ may mắn, khi những ngày này Bảo tàng đang có cuộc trưng bày chuyên đề quy mô về những nền văn hóa cổ đại, mà tên của vùng đất không còn trên bản đồ thế giới hiện đại.

Đứng giữa hàng trăm hiện vật vô giá, tôi sững sờ và xúc động trước nhóm tượng Chămpa từ Miền Trung, Việt Nam, vượt ngàn dặm xa, trang trọng đặt bên cạnh di sản của nhiều nền văn minh cổ đại lừng danh khác.

Đó là 5 hiện vật nguyên bản, được mượn từ Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng gồm: Phù điêu nam thần, phù điêu bán thân nữ thần, tượng thần Ganesa, phù điêu Đản sanh Brahma và thần Siva. Hướng dẫn viên Bảo tàng bảo rằng, đây là triển lãm chuyên đề về những nền văn hóa đã mất trên thế giới.

Xi-măng, gạch mộc trên thân tháp Dương Long (Bình Định). Ảnh: NTH
Xi-măng, gạch mộc trên thân tháp Dương Long (Bình Định). Ảnh: NTH
Tôi nghĩ anh hướng dẫn viên nhầm, hoặc thiếu thông tin về nền văn hóa vật thể của Chăm và những gì đang diễn ra để bảo tồn nó ở Việt Nam. Dù có những mất mát to lớn, nhưng đến nay sau 10 thế kỷ, hệ thống đèn tháp và nghệ thuật điêu khắc Chăm vẫn còn đó bởi những dấu ấn, những di tích được chú ý bảo tồn ở các tỉnh Miền Trung-Việt Nam.

Cho đến nay, trong giới nghiên cứu văn hóa thì đó được coi là di sản vô giá và nhiều hiện vật điêu khắc Chăm được công nhận là báu vật quốc gia (Việt Nam). Và di tích Mỹ Sơn đã được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhân là Di sản Văn hóa thế giới. Bản thân sự vô giá của di sản Chăm đang đặt các nhà bảo tồn di tích nhiều vấn đề hóc búa về cách thức bảo tồn, trong đó kiến trúc tháp cho đến nay, sau cả trăm năm “phát hiện”, vẫn chưa dứt tranh cãi về phương pháp bảo tồn.

Hai địa phương Miền Trung hiện tập trung nhiều hiện vật, di tích Chămpa đó là Bình Định và Quảng Nam. Sau khi UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới (năm 1999) cho di tích Mỹ Sơn-Quảng Nam, thì Bình Định cũng rục rịch lập hồ sơ, dự kiến trình UNESCO xin công nhận di sản thế giới cho các cụm tháp cổ trải dài từ vùng Tây Sơn về đến thành phố Quy Nhơn, lúc này đang và đã “trùng tu” tươm tất. Trong số này có cụm tháp Dương Long có giá trị cao, với hàng trăm hiện vật điêu khắc đá điêu luyện, có giá trị lịch sử và mỹ thuật…

Hóc búa bài toán trùng tu

Ở các di tích kiến trúc Chăm nên coi trọng trước hết những giá trị lịch sử. Theo Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, thì trong những nỗ lực trùng tu, nên “ ưu tiên trước hết giữ lại cho được những giá trị này (nguyên bản). Lý do: các di tích này là dấu vết hầu như cuối cùng của hơn một ngàn năm lịch sử và văn minh, của từng giai đoạn lịch sử, của nền văn hóa và nghệ thuật phát triển đến đỉnh điểm…

Chúng là di sản – mồ côi, bởi hậu duệ của dân tộc Chăm ít còn duy trì những mối liên hệ với dĩ vãng xa vời của tổ tiên họ”. Nghiên cứu lịch sử và nền văn minh Chăm, hầu như chỉ có thể dựa vào nguồn vật chất còn sót lại này. Chính vì thế, phải đặt ưu tiên cho việc duy trì nguyên vẹn di tích như những đối tượng tàng trữ thông tin, tránh xóa nhòa dĩ vãng, tránh để di tích trở nên cạn kiệt sau trùng tu.

Tháp E7 Mỹ Sơn trước khi được trùng tu. Ảnh: NTH
Tháp E7 Mỹ Sơn trước khi được trùng tu. Ảnh: NTH
Theo KTS Hoàng Đạo Kính, ở Việt Nam có lẽ ít di sản văn hóa vật chất nào mà bị tàn tạ, tàn phá đến mức này. Ví dụ Phật viện Đồng Dương ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Các di tích tại đây bị đổ nát, trở thành phế tích; đóó là khu thánh địa Mỹ Sơn ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; nhóm tháp Chiên Đàn cũng ở tỉnh này; nhóm tháp Po Đam ở tỉnh Bình Thuận…

Các di tích bị hư hại từng phần. Đó là nhóm tháp Bàng An và Khương Mỹ ở tỉnh Quảng Nam; các nhóm tháp Bánh Ít, Tháp Đôi và Dương Long ở tỉnh Bình Định; nhóm tháp Po Kloong Garai ở tỉnh Ninh Thuận…

Các ngôi tháp trong tình trạng đổ nát (nhóm b) và các ngôi tháp trong tình trạng khá nguyên vẹn (nhóm c) cũng đều trong trình trạng nguy kịch. Nếu không được can thiệp cứu chữa sẽ bị hủy hoại nhanh chóng. Từ tình trạng chung như trên, việc cứu vãn ở quy mô cấp thiết và rộng lớn cần phải được đặt ra lúc này và, thậm chí, cho cả quãng thời gian dài phía trước.

Tranh luận trường phái trùng tu

Di sản văn hóa vật chất, cụ thể là các di tích kiến trúc Chăm, tuy đã được nghiên cứu hơn một trăm năm nay, song để đáp ứng các yêu cầu của trùng tu nói chung và trùng tu từng di tích, thì quả là chưa đạt mức độ thỏa đáng. Ngay từ đầu thế kỷ XIX, các học giả Pháp đã đầu tư nhiều công sức và có bài bản khoa học cho việc kiểm kê, ghi chép, vẽ ghi và chụp ảnh ghi nhận hiện trạng của nhiều di tích Chăm.

Kho tư liệu ảnh (phototek) gồm hàng ngàn tấm film âm bản, lưu giữ tại Thư viện Khoa học xã hội hiện nay, đã bị hư hại nhiều. Những bức vẽ kiến trúc các di tích, đặc biệt ở Mỹ Sơn, theo nghiên cứu so sánh thực địa của nhà khảo cổ học kiến trúc Nguyễn Hồng Kiên, thì có độ chính xác không cao, có thể chúng đã được thực hiện từ những bức ảnh.

Trong hệ thống di tích kiến trúc của tiền nhân để lại trên giải đất Miền Trung, thì kiến trúc đề tháp Chăm vẫn là vấn đề hóc búa sau hơn 100 năm phát hiện, bảo tồn. Cho đến nay, nhiều vấn đề liên quan đến kỹ thuật xây dựng đền tháp của người Chăm vẫn chưa được làm sáng tỏ. Đã khá nhiều cá nhân, tổ chức (thậm chí cả nước ngoài) dành hết tâm huyết khảo sát, để nghiên cứu kỹ thuật nung gạch và chất kết dính. Trong số này có ông Lê Văn Chỉnh- một cán bộ Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, gần như giành cả đời mình cho công trình này, và cuối cùng cũng buông tay.

Vì lẽ này, trong nhiều hội nghị trùng tu, bảo tồn di tích Chăm, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đều lên tiếng cảnh báo: “ Để tiến hành phục hồi, dù từng phần, những thành phần đã mất, lại cần có những căn cứ rất chính xác, tốt hơn cả là tại chỗ.

Để đảm bảo việc phục hồi thật sự khoa học, cần có thời gian nghiên cứu cẩn trọng, chi tiết, tránh mọi biểu hiện đại khái hoặc phỏng đoán. Giữa ham muốn khôi phục những gì đã mất – những vấn đề kỹ thuật xây dựng và phục chế - di tích là sản phẩm của lịch sử - không lặp lại - quan niệm hàn lâm về bảo tồn di sản là sự cân nhắc, đắn đo để nhà bảo tồn, nhà trùng tu phải tự kiềm chế. Hễ hấp tấp, di tích không còn là nó nữa”.

Trong một hội nghị với giới chuyên môn Ấn Độ, chuẩn bị cho công cuộc trùng tu cụm tháp A, Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, KTS Hoàng Đạo Kính tiếp tục cảnh báo: “Với những giá trị kiệt xuất về niên đại, về kiến trúc và mĩ thuật nói riêng, về văn hóa và lịch sử nói chung, với tình trạng bảo tồn và tình trạng kỹ thuật ở dạng di tích kiến trúc – khảo cổ học, với những điều kiện thực tế về tài chính và kĩ thuật, đồng thời dựa vào những quan điểm của bộ môn trùng tu hiện đại trên thế giới, chúng ta chỉ có thể chọn định hướng trùng tu bảo tồn, định hướng duy trì hiện trạng là chính”.

Tháp E7-Mỹ Sơn sau khi trùng tu. Ảnh: NTH
Tháp E7-Mỹ Sơn sau khi trùng tu. Ảnh: NTH
Nói thêm, trước các chuyên gia Ấn Độ, lần lượt Mỹ Sơn đã được trùng tu lớn bởi ba trường phái – Ba Lan, năm 1981 do KTS Kazimiers Kwiatkowski (Kazic); Quỹ Lerici Ý, năm 2003; Viện Bảo tồn Di tích Việt Nam năm 2015 và nhóm thứ 4 là các chuyên gia khảo cổ, trùng tu Ấn Độ từ 2015 đến 2020. Như vậy trước và sau khi được tổ chức UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, di tích Mỹ Sơn đã trải qua 4 cuộc đại trùng tu của nhiều trường phái. Mỗi trường phái đều có sở đoản, sở trường và quan điểm trùng tu riêng biệt. Do vậy tuy cách thể hiện của mỗi nhóm đều khác biệt, nhưng nhìn chung góp phần thay đổi diện mạo di tích đền tháp Mỹ Sơn rất nhiều so với những năm thập kỷ 80 thế kỷ trước.

Mạnh ai nấy làm

Khác với các di tích Chăm ở Quảng Nam, nhiều trường phái tham gia trùng tu- vội vả có, thận trọng có… thì đến thời điểm này, gần như các di tích Chăm Bình Định, Phú Yên đã trùng tu tương đối “hoàn chỉnh” và do các nhóm thợ nội địa thực hiện. Thậm chí cụm Tháp Dương Long- còn do một công ty TNHH địa phương tổ chức trùng tu với sự chỉ đạo của ngành văn hóa địa phương. Các nhà chuyên môn Bình Định còn mạnh dạn “tái cấu trúc” các di tích Chăm của địa phương bằng gạch mới, xi măng bê tông và phục chế những phần hư hỏng bằng phương pháp “đối xứng”.

Trong hệ thống các di tích tháp Chăm Miền Trung- Tây Nguyên, Bình Định có 8 cụm di tích với 14 tháp gồm: Bánh Ít, Dương Long, Hưng Thạnh, Cánh Tiên, Phú Lộc, Phú Thiện, Bình Lâm và Hòn Chuông. Vì tháp Hòn Chuông chỉ còn chân đế, nên giới văn nghệ ví von đó là chòm Bắc Đẩu đại hùng tinh của Miền Trung. So với Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, thì quần thể tháp Chăm ở Bình Định gần như còn nguyên vẹn, đa dạng và có cụm tháp Dương Long đạt "kỷ lục" Đông Nam Á với chiều cao tháp chính đến 39 m…

Việc tổ chức trùng tu các nhóm tháp Chăm ở Bình Định, giới chuyên môn đi từ bàng hoàng đến xót xa. Hai cụm tháp Bánh Ít ở huyện An Nhơn, tháp Đôi ở TP Quy Nhơn trông ngoài hình thức như được xây mới. Toàn bộ thân tháp từ đỉnh đến chân đều được gắn gạch vuông chằn chặn.

Bi đát nhất thể hiện trong thân và lòng tháp, khi các đơn vị trùng tu sau khi gắn gạch xong đã dùng xi măng tô láng, trong không khác kiểu tô tường của công nghệ xây dựng nhà dân dụng hiện nay là bao. Thậm chí Tháp Dương Long và Cánh Tiên còn “quá khích” hơn trong đợt trùng tu 2006, với biện pháp đục bỏ phần xi măng, gạch mộc “lỡ” gắn vào thân tháp trước đó, rồi thay bằng gạch sản xuất tại Điện Bàn (Quảng Nam) với phương pháp "mài chập, kết dính" bằng keo bời lời, ô dước...

Nhận xét cho về công tác trùng tu các di tích Chăm ở Miền Trung, một chuyên gia trùng tu buông lời xót xa: “Ngay khi mọi ẩn số xung quanh kĩ thuật xây cất của người Chăm cổ đã được khám phá, thì vẫn không nên và không thể đặt vấn đề phục nguyên các di tích văn hóa Chăm. Mọi nỗ lực phục nguyên sẽ dẫn đến sự đánh mất hẳn những di sản Chăm cổ xưa”.

Tâm Thảo
TIN LIÊN QUAN

Bồng bềnh trong sắc hồng mai anh đào Đà Lạt

ĐỨC THIỆM |

Cuối Đông, mai anh đào ở Đà Lạt (Lâm Đồng) rực nở, nhuộm hồng những con phố, bồng bềnh trong sương sớm vùng ngoại ô.

Nói không với thịt chó, mèo, Hội An "ghi thêm điểm" cho du lịch

Thanh Hải |

Hội An là thành phố đầu tiên ở Việt Nam có thỏa thuận chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo khi ký cam kết với tổ chức FOUR PAWS (tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu). Tuy nhiên, đây không phải là sự lựa chon ngẫu nhiên của FOUR PAWS, bởi từ lâu chính quyền Hội An đã định hướng xây dựng và phát triển thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch, hướng tới thân thiện với môi trường...

Đón khách du lịch quốc tế, phần lớn chỉ là Việt kiều thăm thân, hồi hương

Thanh Hải |

Liên tiếp các địa phương Hội An, Quảng Nam, Khánh Hòa đón các chuyến bay quốc tế, đưa khách du lịch đến Việt Nam theo chương trình "hộ chiếu vaccine". Đây là một dấu hiệu vui trong tiến trình thích ứng tình hình dịch bệnh, khôi phục kinh tế. Tuy nhiên, bước đầu phần lớn chỉ có Việt kiều thăm thân, hồi hương...

Quản lý tài chính ngân sách – cơ chế đặc thù bền vững cho Huế

Hoàng Văn Minh thực hiện |

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trả lời phỏng vấn Báo Lao Động chung quanh chuyện tận dụng 6 cơ chế và chính sách đặc thù mà Chính phủ và Quốc hội đã thông qua để phát triển địa phương.

Bồng bềnh trong sắc hồng mai anh đào Đà Lạt

ĐỨC THIỆM |

Cuối Đông, mai anh đào ở Đà Lạt (Lâm Đồng) rực nở, nhuộm hồng những con phố, bồng bềnh trong sương sớm vùng ngoại ô.

Nói không với thịt chó, mèo, Hội An "ghi thêm điểm" cho du lịch

Thanh Hải |

Hội An là thành phố đầu tiên ở Việt Nam có thỏa thuận chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo khi ký cam kết với tổ chức FOUR PAWS (tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu). Tuy nhiên, đây không phải là sự lựa chon ngẫu nhiên của FOUR PAWS, bởi từ lâu chính quyền Hội An đã định hướng xây dựng và phát triển thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch, hướng tới thân thiện với môi trường...

Đón khách du lịch quốc tế, phần lớn chỉ là Việt kiều thăm thân, hồi hương

Thanh Hải |

Liên tiếp các địa phương Hội An, Quảng Nam, Khánh Hòa đón các chuyến bay quốc tế, đưa khách du lịch đến Việt Nam theo chương trình "hộ chiếu vaccine". Đây là một dấu hiệu vui trong tiến trình thích ứng tình hình dịch bệnh, khôi phục kinh tế. Tuy nhiên, bước đầu phần lớn chỉ có Việt kiều thăm thân, hồi hương...

Quản lý tài chính ngân sách – cơ chế đặc thù bền vững cho Huế

Hoàng Văn Minh thực hiện |

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trả lời phỏng vấn Báo Lao Động chung quanh chuyện tận dụng 6 cơ chế và chính sách đặc thù mà Chính phủ và Quốc hội đã thông qua để phát triển địa phương.