Quản lý tài chính ngân sách – cơ chế đặc thù bền vững cho Huế

Hoàng Văn Minh thực hiện |

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trả lời phỏng vấn Báo Lao Động chung quanh chuyện tận dụng 6 cơ chế và chính sách đặc thù mà Chính phủ và Quốc hội đã thông qua để phát triển địa phương.

Thưa ông, cơ chế và chính sách đặc thù mà Chính phủ và Quốc hội thông qua cho Thừa Thiên Huế lần này gồm những gói nào?

Các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế tại kỳ họp này gồm 6 cơ chế, chính sách và được phân theo 3 nhóm:

Nhóm thứ nhất: Về cơ chế để bảo tồn và trùng tu, phát huy các giá trị di tích, di sản gồm 2 cơ chế nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích, di sản của quốc gia và thế giới.

Thừa Thiên Huế đứng trước vận hội mới khi Chính phủ và Quốc hội thông qua 6 chính sách và cơ chế đặc biệt. Ảnh: PTH
Thừa Thiên Huế đứng trước vận hội mới khi Chính phủ và Quốc hội thông qua 6 cơ chế và chính sách đặc thù. Ảnh: PTH

Cụ thể, Thừa Thiên Huế được để lại 100% số thu từ nguồn thu phí tham quan để thực hiện công tác bảo tồn, trùng tu di tích cố đô Huế nhưng không dùng để xác định tỷ lệ điều tiết, số bổ sung cân đối cho ngân sách địa phương.

Đặc biệt, Trung ương thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế, ủy quyền cho Tỉnh quản lý và hoạt động theo quy định của Nghị định Chính phủ nhằm huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, ngân sách của các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đóng góp để đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.

Nhóm thứ 2: Nhóm quản lý tài chính ngân sách gồm 3 cơ chế. Đây là nhóm cơ chế, chính sách đặc thù có tính chất lâu dài, bền vững nhằm phát triển ổn định, cân đối, hài hoà dựa trên nguyên tắc vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản; vừa tạo động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thừa Thiên Huế sẽ được tăng mức dư nợ vay không vượt quá 40%. Và được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết.

Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thừa Thiên Huế không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Nhóm thứ 3: Về sắp xếp xử lý cơ sở nhà đất, gồm 1 cơ chế.

Ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% nguồn thu từ sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý nhằm hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế sắp xếp lại, quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản và quỹ đất trên địa bàn; đồng thời, tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho tỉnh trong kêu gọi, thu hút đầu tư.

Trong các gói và chính sách đặc thù được thông qua lần này, Thừa Thiên Huế sẽ tận dụng và ưu tiên phát triển những gói nào trước, thưa ông?

Trong bối cảnh khó khăn với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, trong 6 cơ chế chính sách đặc thù được thông qua lần này, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tận dụng và ưu tiên phát triển 2 cơ chế thuộc Nhóm quản lý tài chính ngân sách.

Thừa Thiên Huế sẽ tận dụng và ưu tiên phát triển 2 cơ chế thuộc Nhóm quản lý tài chính ngân sách để đầu tư phát triển trong thời gian tới. Ảnh: PTH
Thừa Thiên Huế sẽ tận dụng và ưu tiên phát triển 2 cơ chế thuộc Nhóm quản lý tài chính ngân sách để đầu tư phát triển trong thời gian tới. Ảnh: PTH

Thứ nhất là mức dư nợ vay của ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.

Hiện nay, mức dư nợ vay của ngân sách địa phương đang thực hiện không vượt quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp (trần vay tối đa 1.293 tỷ đồng/năm tính theo ngân sách tỉnh hưởng theo phân cấp năm 2019).

Tính đến ngày 31.12.2020 hạn mức dư nợ vay cho phép còn lại là 99,3 tỷ đồng, tương ứng 1,5%.  Khi áp dụng cơ chế này mức dư nợ vay tối đa là 40% (tức là trần vay khoảng 2.587 tỷ đồng, tăng thêm gần 1.300) sẽ giúp địa phương đảm bảo trần vay nợ để thực hiện huy động các nguồn lực ODA, nguồn vay hợp pháp để triển khai các dự án đã và đang thực hiện; chủ động cân đối nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công.

Thứ hai là Thừa Thiên Huế được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết.

Áp dụng chính sách trên, dự kiến số kinh phí tăng thêm của tỉnh Thừa Thiên Huế khoảng 400 tỷ đồng/năm.

Phần kinh phí tăng thêm sẽ tạo điều kiện để tỉnh tăng định mức chi các sự nghiệp: Giáo dục đào tạo; Y tế; Văn hóa và thông tin; khoa học và công nghệ; sự nghiệp bảo vệ môi trường và sự nghiệp kinh tế khác nhằm đảm bảo nguồn lực cho địa phương xây dựng Tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Thưa ông, với việc Thừa Thiên Huế được để lại 100% số thu từ nguồn thu phí tham quan để thực hiện công tác bảo tồn, trùng tu di tích cố đô Huế, số tiền được giữ lại này tỉnh sẽ triển khai các phần việc gì?

Thừa Thiên Huế từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn... nên Huế đang lưu giữ hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng về vật thể và phi vật thể.

Thừa Thiên Huế sẽ có thêm khoảng 260 tỷ đồng/ năm tư phí tham quan di tích để tái đầu tư cho di sản. Ảnh: PTH
Thừa Thiên Huế sẽ có thêm khoảng 260 tỷ đồng/ năm tư phí tham quan di tích để tái đầu tư cho di sản. Ảnh: PTH

Trong đó, có gần 1.000 di tích được kiểm kê, lập hồ sơ với nhiều loại hình khác nhau: Di tích kiến trúc nghệ thuật như: Kiến trúc cung đình, nhà rường, phủ đệ, đình, chùa; di tích lịch sử như: Lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, danh nhân lịch sử văn hóa; lịch sử cách mạng; di tích khảo cổ...

Cùng với đó, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo như: Di sản Hán Nôm, nghệ thuật ca Huế, kịch Huế, tuồng Huế, nếp sống văn hóa Huế, ngành nghề thủ công truyền thống, các lễ hội dân gian, lễ hội cung đình, lễ hội tín ngưỡng tôn giáo...

Đến nay, tỉnh đã có 7 di sản văn hóa gắn liền với vùng đất Huế và triều Nguyễn đã được UNESCO vinh danh: Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hóa thế giới; Nhã nhạc cung đình Huế được công nhận là Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại; Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại; Châu bản triều Nguyễn, Mộc bản Triều Nguyễn; Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Do tác động của biến động lịch sử xã hội và ảnh hưởng điều kiện khí hậu khắc nghiệt, sự xuống cấp cùng thời gian, sự xâm hại của con người, các yếu tố ngoại lai và nhất là do ảnh hưởng của chiến tranh nên các hạng mục đã bị xuống cấp nghiêm trọng; nhiều kết cấu bị mất ổn định, mất một số chi tiết liên kết; các chi tiết nghệ thuật kiến trúc cũng mất theo thời gian; do đó, có nhiều di tích, di sản văn hoá bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng cần phải trùng tu và bảo tồn khẩn cấp.

Trên cơ sở rà soát, đánh giá hiện trạng các di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, các di tích đã được xếp hạng ngoài quần thể di tích Cố đô Huế; nhu cầu của giai đoạn 2021 - 2025 là 9.240 tỷ đồng nhưng kế hoạch đầu tư công đã được Quốc hội thông qua chỉ 2.146 tỷ đồng (chiếm 23,22%), chưa đáp ứng được nhu cầu trùng tu, tôn tạo các di tích, di sản trên địa bàn.

Vì vậy, khi Nghị quyết có hiệu lực, tỉnh sẽ dự kiến huy động được thêm khoảng 260 tỷ đồng/năm (theo số thu năm 2019 thời điểm chưa có dịch COVID-19) từ Chính sách phí tham quan di tích và khoảng từ 80-90 tỷ đồng/năm từ Quỹ Bảo tồn di sản Huế để cùng với nguồn vốn đầu tư công, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn xã hội hóa hợp pháp khác đầu tư đẩy nhanh công tác trùng tu, bảo tồn di tích, giảm thiểu mức độ xuống cấp.

Thừa Thiên Huế sẽ sử dụng phần kinh phí tăng thêm để tăng định mức chi các sự nghiệp: Giáo dục đào tạo; Y tế; Văn hóa và thông tin; khoa học và công nghệ... Ảnh: PTH
Thừa Thiên Huế sẽ sử dụng phần kinh phí tăng thêm để tăng định mức chi các sự nghiệp: Giáo dục đào tạo; Y tế; Văn hóa và thông tin; khoa học và công nghệ... Ảnh: PTH

Trong đó ưu tiên đầu tư cho công tác trùng tu, bảo tồn di sản, di tích lịch sử; đặc biệt là các di tích đang xuống cấp nghiêm trọng. Trước mắt, tập trung hoàn thành di dời dân cư giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế.

Ngoài ra, còn có hệ thống di tích của 9 đời Chúa Nguyễn và hệ thống các nhà rường, đình làng, miếu… được công nhận di tích cấp Quốc gia đang xuống cấp nghiêm trọng cần huy động nguồn lực toàn xã hội để hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo.

Thưa ông, thực tế văn hoá Huế không chỉ có di sản. Và di sản không chỉ có di sản văn hoá cung đình, vì Huế có cả kho tàng phong phú! Vì vậy cơ chế đặc thù không chỉ cho mảng di tích cung đình mà cần nhìn rộng, toàn diện để bảo tồn, khai thác phát huy một cách toàn diện các di sản Huế có. Xin ông cho biết tới đây, các cơ chế đặc thù, ngoài các di tích cung đình còn có “phân bổ” cho các mảng khác không? Đặc biệt là mảng xây dựng các thiết chế văn hoá trên địa bàn tỉnh vốn đang rất yếu?

Các cơ chế, chính sách hướng đến bảo tồn di sản văn hóa sẽ không chỉ hướng đến các di tích cung đình mà còn đến các di sản văn hóa khác, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư cho công tác trùng tu, bảo tồn di sản, di tích lịch sử; đặc biệt là các di tích đang xuống cấp nghiêm trọng, không những các di tích thuộc quần thể di tích Cố Đô Huế, mà còn có hệ thống các nhà rường, đình làng, miếu… được công nhận di tích cấp Quốc gia.

Tới đây, các cơ chế, chính sách hướng đến bảo tồn di sản văn hóa ở Thừa Thiên Huế sẽ không chỉ hướng đến các di tích cung đình. Ảnh: PTH
Tới đây, các cơ chế, chính sách hướng đến bảo tồn di sản văn hóa ở Thừa Thiên Huế sẽ không chỉ hướng đến các di tích cung đình. Ảnh: PTH

Các hoạt động khác nhằm hoàn thiện các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh; mua tranh ảnh, di sản cổ vật; Hỗ trợ, tài trợ cho các dự án nghiên cứu, đào tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo liên quan đến công tác bảo tồn, trung tu và phát triển văn hóa Huế…

Trong 3 cơ chế, chính sách liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa, việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế -  Quỹ quốc gia được Chính phủ cho phép thành lập và giao cho tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý có ý nghĩa hết sức quan trọng trong với tỉnh trong việc huy động nguồn lực, đẩy mạnh công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn.

Với Quỹ này, tỉnh sẽ thực hiện tu bổ, tôn tạo và phục hồi các dự án di sản văn hóa Huế do nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh một cách chủ động, kịp thời, không theo niên độ tài chính do xuống cấp nghiêm trọng.

Hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân có công trình tu bổ, tôn tạo và phục hồi di sản văn hóa ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện tu bổ, tôn tạo và phục hồi các dự án di sản văn hoá Huế cụ thể theo yêu cầu của bên tài trợ, viện trợ các công trình trung tu, tôn tạo hệ thống di sản văn hoá cụ thể theo yêu cầu của bên uỷ thác.

Các nhiệm vụ chi khác như mua tranh ảnh, di sản cổ vật; Hỗ trợ, tài trợ cho các dự án nghiên cứu, đào tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo liên quan đến công tác bảo tồn, trung tu và phát triển văn hóa Huế…

Cơ chế đặc thù để bảo tồn, tôn tạo di tích, di sản thì đã có. Nhưng tới đây, Thừa Thiên Huế có chính sách đặc thù cho người làm văn hoá di sản hay không, thưa ông?

Như đã nói, tới đây, Thừa Thiên Huế được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước, trong đó sẽ tạo điều kiện tăng định mức chi cho sự nghiệp văn hóa.

Nguồn này sẽ dùng để hoàn thiện các thiết chế văn hóa và các nhiệm vụ phục vụ phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có các chính sách, chế độ đãi ngộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng, chính sách lương thưởng cho cán bộ, chuyên gia làm trong lĩnh vực di sản, văn hóa.

Chúng tôi hy vọng, khi có các chế độ phù hợp sẽ đào tạo được những chuyên gia giỏi chuyên về lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản phục vụ cho công tác này tại địa phương cũng như thu hút được những chuyên gia giỏi từ các nước trên thế giới.

Qua đó, các chuyên gia sẽ có các cách làm, biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản tốt giúp giữ được tính chân xác của di tích và quảng bá di tích phù hợp, mang lại nguồn thu và phát triển kinh tế địa phương.

Xin cám ơn ông!


Hoàng Văn Minh thực hiện
TIN LIÊN QUAN

Dẫu nỗ lực thì cũng phải đến quý I năm 2022 du lịch mới có thể trở lại

Thanh Hải |

Diễn biến COVID-19  ở các tỉnh thành đều có xu hướng giảm, hầu hết các địa phương đã kiểm soát được dịch, từng bước nới lỏng, phục hồi sản xuất. Du lịch là ngành có nhiều nỗ lực nhất, nhưng xem ra khó có thể hoạt động hiệu quả ngay trong năm nay...

Còn chốt chặn, kiểm soát giấy đi đường thì khó có du lịch

Thanh Hải |

Ngoài thành phố đảo Phú Quốc, các địa phương miền Trung như Nha Trang, Khánh Hòa, Hội An, Quảng Nam và tỉnh Quảng Ninh đều từng có đề xuất Chính phủ sớm xem xét cho phép nối lại hoạt động du lịch "hộ chiếu vaccine", tuy nhiên đã nhiều tháng trôi qua, đến nay chưa địa phương nào hiện thực được.

Xếp hạng Di sản Thế giới của UNESCO ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch

Hải Minh (Lược dịch) |

Những ngày qua, dư luận đổ dồn vào những thông tin liên quan đến việc UNESCO trao xếp hạng "Di sản Thế giới" cho một số địa điểm lịch sử đẹp và quan trọng nhất thế giới.

Dẫu nỗ lực thì cũng phải đến quý I năm 2022 du lịch mới có thể trở lại

Thanh Hải |

Diễn biến COVID-19  ở các tỉnh thành đều có xu hướng giảm, hầu hết các địa phương đã kiểm soát được dịch, từng bước nới lỏng, phục hồi sản xuất. Du lịch là ngành có nhiều nỗ lực nhất, nhưng xem ra khó có thể hoạt động hiệu quả ngay trong năm nay...

Còn chốt chặn, kiểm soát giấy đi đường thì khó có du lịch

Thanh Hải |

Ngoài thành phố đảo Phú Quốc, các địa phương miền Trung như Nha Trang, Khánh Hòa, Hội An, Quảng Nam và tỉnh Quảng Ninh đều từng có đề xuất Chính phủ sớm xem xét cho phép nối lại hoạt động du lịch "hộ chiếu vaccine", tuy nhiên đã nhiều tháng trôi qua, đến nay chưa địa phương nào hiện thực được.

Xếp hạng Di sản Thế giới của UNESCO ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch

Hải Minh (Lược dịch) |

Những ngày qua, dư luận đổ dồn vào những thông tin liên quan đến việc UNESCO trao xếp hạng "Di sản Thế giới" cho một số địa điểm lịch sử đẹp và quan trọng nhất thế giới.