Sông Hương bao giờ đến biển: Soi bóng 700 năm Thuận Hóa...

Vĩnh Quyền |

Tôi ước chi có pho tượng kiến trúc sư Bosa được dựng trước nhà máy nước Vạn Niên, soi bóng trên mặt nước sông Hương. Ngót 100 năm rồi mà ông vẫn là bậc thầy và tác phẩm của ông luôn nhắc nhở cho những ai được giao trọng trách quy hoạch kiến trúc ở một thành phố cổ kính như thành phố Huế này.

Đoàn khảo sát lâm nghiệp tiếp tục vào sâu vùng biên giới, còn tôi xuống chân núi Kim Phụng, men bờ sông tìm thuyền về xuôi với nỗi buồn vây quanh.

Rừng nguyên sinh kỳ vĩ nơi phát tích sông Hương nay chỉ tồn tại trong những trang sách cổ. Bom-pháo-chất độc màu da cam một thời chiến tranh ác liệt cùng với sức tàn phá của đội quân khai thác lâm sản trong vòng 30 năm qua đã biến phần lớn rừng thiêng thành đồi trống núi trọc, phủ xanh một màu xanh rờn rợn của loài cỏ tranh thấp nhỏ mà có sức giành giật đất sống đến đáng sợ.

sông Hương phía thượng nguồn
sông Hương phía thượng nguồn

Những khoảnh rừng nguyên sinh còn sót khiến tôi liên tưởng những ốc đảo lẻ loi trên sa mạc.  Từ đỉnh Hòn Gày nhìn về phía tây có thể trông thấy vết thương của những cánh rừng già thuộc tiểu khu 162 xã Dương Hòa bị đốn hạ hàng trăm hecta để các doanh nghiệp tư nhân lập trang trại và trồng rừng... cao su!

Chiếc thuyền nan chở củi cho tôi về nhờ Ngã ba Tuần, điểm hợp lưu của hai nguồn tả, hữu. Đây cũng là nơi đóng quân bảo vệ phía tây kinh thành Huế nên có tên “tuần”, nghĩa là đi canh gác. Son vừa chèo vừa kể chuyện cuộc sống “rưng rưng nước mắt” vì phải “ăn của rừng”.

Chao ơi, những người “ăn mót” như cô với mấy bó củi khô thì khổ chứ “ăn bẳm” như đám “trại chủ” kia thì chỉ có rừng mới phải khóc ròng! Kêu khổ váng mặt sông thế nhưng lại lắc đầu quầy quậy như bị sỉ nhục khi khách quá giang đòi gửi chút tiền công. Son đẩy tôi lên bờ: “Làm chi dị òm rứa trời!”.

Bến Tuần tấp nập, tôi tiếp cận một du thuyền đưa khách lên thăm lăng Minh Mạng để cùng về xuôi sau một cuộc mặc cả giá cả. Từ Ngã ba Tuần trở xuống Ngã ba Sình, thành cổ Hóa Châu, sông Hương là trục chính của mọi ý tưởng kiến tạo, quy hoạch suốt 700 năm Thuận Hóa-Phú Xuân- Huế.

Sông Hương đoạn qua chùa Thiên Mụ
Sông Hương đoạn qua chùa Thiên Mụ

Mở đầu là một vùng rừng núi trùng điệp mà nổi bật là những cánh rừng thông hai lá, được gọi hẳn là “thông Huế” để phân biệt với thông ba lá Đà Lạt. Rừng thông là rừng trồng. Trồng nhiều thông đến thế, từ đời này sang đời khác, và trồng ở những vị trí tôn kính, quan trọng như đàn Nam Giao, đền miếu, lăng tẩm, quốc tự Từ Hiếu, đại chủng viện Thiên An... hẳn người Huế đã thể hiện hoài bão được kiên cường bản lĩnh, được thanh cao cốt cách như thông?

Bên bờ phải sông Hương, dưới những tán thông xanh quanh năm vi vu gọi gió là lăng tẩm của các vua triều Nguyễn cùng hàng nghìn khu nghĩa địa gia tộc. Gọi vùng thượng lưu sông Hương là “âm phần”, cõi của người chết, để đối lập với “dương cơ”, là đất của người sống ở vùng hạ lưu thật chính xác.

Sông Hương chảy qua trung tâm thành phố Huế
Sông Hương chảy qua trung tâm thành phố Huế

Nhưng tất cả không còn như xưa. Đứng ở cầu Tuần tôi có thể nhìn thấy lăng Khải Định trên một ngọn đồi xa xa. Lúc ấy trông nó khiêm tốn như mô hình trên sa bàn, mất đi vẻ hoành tráng như khi tôi bất chợt bắt gặp kiến trúc này vụt hiện sau quảng đường quanh co và phải ngước nhìn lên hàng trăm bậc cấp rêu phong gần như dựng đứng để thử thách du khách.

Tôi cũng không khỏi mủi lòng cho nghìn triệu linh hồn vốn đã an giấc nghìn thu nơi cõi “âm phần” tĩnh lặng bỗng nay bị “dựng dậy” bởi những đoàn xe tải ra bắc vào nam rầm rập suốt ngày đêm.

Du khách trên thuyền thật “ô hợp”. Ta có, tây có, bắc có, nam có. Nhưng họ giống khi đòi hỏi hướng dẫn viên thăm đồi Vọng Cảnh. Ôi, có lẽ trong 700 năm hình thành vùng đất linh kiệt này chưa bao giờ ngọn đồi nhỏ nhắn đứng chân bên bờ sông Hương kia được biết đến nhiều như vậy. Ấy là nhờ cuộc tranh cãi ầm ĩ, gay gắt diễn ra suốt năm trên các phương tiện thông tin đại chúng: Nên hay không nên cấp phép xây dựng khu khách sạn Hà Lan ở đồi Vọng Cảnh!

Chúng tôi sẽ dành hẳn một phần quan trọng trong trường thiên bút ký này để cùng bạn đọc nhìn lại một cách toàn diện về cuộc tranh cãi kỳ thú này. Còn bây giờ, hãy theo chân du khách thăm nhà máy nước Vạn Niên, cách đồi Vọng Cảnh hơn 300 mét và cách lăng Tự Đức chỉ hơn mười phút tản bộ.

Nhà máy nước Vạn Niên thời mới xây dựng
Nhà máy nước Vạn Niên thời mới xây dựng

Hiện nhà máy vẫn cung cấp cho thành phố Huế 75.000m3 nước sinh hoạt mỗi ngày. Có lẽ trên thế giới chỉ duy nhất mỗi nhà máy Vạn Niên có kiến trúc độc đáo như vậy. Năm 1909, khi được giao thiết kế nhà máy ở vị trí mà chung quanh gần đấy là lăng tẩm các vua, kiến trúc sư người Pháp Bosa đã chọn thái độ tôn trọng văn hóa bản địa.

Thuyền cặp bến, du khách thích thú chụp ảnh lia lịa cái nhà máy có kiến trúc như cung điện: cũng trụ biểu, nghinh môn, cũng mái ngói âm dương cong vút, cũng lưỡng long chầu nguyệt khảm thủy tinh màu...

Tôi ước chi có pho tượng kiến trúc sư Bosa được dựng trước nhà máy nước Vạn Niên, soi bóng trên mặt nước sông Hương. Ngót 100 năm rồi mà ông vẫn là bậc thầy và tác phẩm của ông luôn nhắc nhở cho những ai được giao trọng trách quy hoạch kiến trúc ở một thành phố cổ kính như thành phố Huế này.

Vĩnh Quyền
TIN LIÊN QUAN

Phát triển du lịch Huế qua "Tour Du lịch giáo dục"

Ngọc Ly |

Sau một thời gian đi vào thực nghiệm, "Tour du lịch giáo dục" (DLGD) của Khoa Du Lịch - Đại học Huế đã đạt được những thành công đáng mong đợi. Huế đã chính thức đưa tour vào phục vụ du khách trong và ngoài nước nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa, lịch sử, con người của vùng đất Cố đô.

Sông Hương, bao giờ đến biển: Bốn cách lý giải tên gọi sông Hương

Vĩnh Quyền |

Đến nay ít nhất có bốn cách lý giải nguồn gốc tên gọi của sông Hương. Và theo một chuyện dã sử, người đặt tên cho sông Hương là vua Quang Trung.

Sông Hương, bao giờ tới biển: Ngược dòng sông, ngược dòng lịch sử

Vĩnh Quyền |

Sông Hương ngàn triệu năm lặng lẽ với hành trình từ nguồn ra biển. Nhưng sông Hương mãi mãi là thời sự, khi văng vẳng êm xuôi khi ồn ã thịnh nộ, tùy theo nguồn cơn tác động vào số phận dòng sông, cũng là số phận của cố đô Huế.

Tiền có mua được nụ cười?

Thanh Hải |

Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Quốc Hưng vừa đề xuất khoản thu "phí chia tay" khi xuất cảnh để bổ sung thêm cho việc phát triển hạ tầng du lịch, xúc tiến du lịch. Đề xuất này lập tức bị cộng đồng phản ứng...

Phát triển du lịch Huế qua "Tour Du lịch giáo dục"

Ngọc Ly |

Sau một thời gian đi vào thực nghiệm, "Tour du lịch giáo dục" (DLGD) của Khoa Du Lịch - Đại học Huế đã đạt được những thành công đáng mong đợi. Huế đã chính thức đưa tour vào phục vụ du khách trong và ngoài nước nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa, lịch sử, con người của vùng đất Cố đô.

Sông Hương, bao giờ đến biển: Bốn cách lý giải tên gọi sông Hương

Vĩnh Quyền |

Đến nay ít nhất có bốn cách lý giải nguồn gốc tên gọi của sông Hương. Và theo một chuyện dã sử, người đặt tên cho sông Hương là vua Quang Trung.

Sông Hương, bao giờ tới biển: Ngược dòng sông, ngược dòng lịch sử

Vĩnh Quyền |

Sông Hương ngàn triệu năm lặng lẽ với hành trình từ nguồn ra biển. Nhưng sông Hương mãi mãi là thời sự, khi văng vẳng êm xuôi khi ồn ã thịnh nộ, tùy theo nguồn cơn tác động vào số phận dòng sông, cũng là số phận của cố đô Huế.

Tiền có mua được nụ cười?

Thanh Hải |

Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Quốc Hưng vừa đề xuất khoản thu "phí chia tay" khi xuất cảnh để bổ sung thêm cho việc phát triển hạ tầng du lịch, xúc tiến du lịch. Đề xuất này lập tức bị cộng đồng phản ứng...