Chơi gì ở Campuchia khi xem SEA Games 32?

Vân Anh |

Cung điện Hoàng Gia, Chùa Wat Phnom, Tượng đài Độc lập hay chợ trung tâm là những điểm đến du khách dễ dàng ghé thăm ở Phnom Penh khi theo dõi SEA Games 32 tại Campuchia.

Cung điện Hoàng Gia Campuchia và Chùa Bạc

Cung điện Hoàng Gia Campuchia được xây dựng vào năm 1866 với tổ hợp nhiều công trình lộng lẫy tọa lạc ngay tại trung tâm thủ đô Phnom Penh. Hiện ngoại trừ Cung điện Khemarin là nơi Vương thất sinh sống, các nơi khác trong Hoàng Cung và Chùa Bạc đều mở cửa cho du khách tham quan.

Sự cầu kì và tinh tế của phòng Khánh tiết khiến các du khách không khỏi thán phục và thích thú. Ảnh: Gody.
Sự cầu kì và tinh tế của phòng Khánh tiết khiến các du khách không khỏi thán phục và thích thú. Ảnh: Gody

Toàn bộ công trình được ngăn cách với con đường phía ngoài bằng một bức tường thành với nhiều tác phẩm điêu khắc độc đáo. Hoàng cung có rất nhiều công trình được thiết kế nguy nga, hoành tráng, với họa tiết, hoa văn trang trí tinh xảo, đậm đà văn hóa của đất nước Campuchia.

Phòng khánh tiết là nơi vua và nội các thiết triều nay trở thành địa điểm cử hành các lễ nghi quan trọng như đăng quang, hôn lễ, tiếp khách. Sân khấu Chanchhaya cũng là một trong điểm đến ấn tượng Hoàng cung, bởi đây là nơi biểu diễn các điệu múa cung đình, các bữa tiệc lớn, đôi khi là nơi nhà vua diễn thuyết trước người dân.

Chùa Bạc cũng là một trong những điểm đến thu hút du khách tham quan, khi lưu giữ nhiều báu vật quý giá của Campuchia, đặc biệt trong chùa còn lưu giữ tượng Phật ngọc quý. Ảnh: Air Tour.
Chùa Bạc cũng là một trong những điểm đến thu hút du khách tham quan, lưu giữ nhiều báu vật quý giá của Campuchia, đặc biệt là tượng Phật ngọc quý. Ảnh: Air Tour

Đền cổ Wat Ounalom

Ngôi đền này là nơi U22 Việt Nam ghé thăm trước trận ra quân tại SEA Games 32. Wat Ounalom, còn có tên là King Ponhea Yat, nghĩa là "Đền lông mày", là cổ tự nổi bật và lâu đời nhất trong 5 ngôi đền nổi tiếng ở Campuchia. Công trình ban đầu được xây dựng vào năm 1443 để thờ ounalom (lông mày) của Đức Phật.

Tuy nhiên, ngôi đền bị phá hoại nghiêm trọng dưới thời Khmer Đỏ (1975 –1979). Wat Ounalom có kiến trúc gây ấn tượng đẹp, trang nhã với dấu ấn truyền thống của người Khmer, hòa quyện trong phong cách tinh tế của kiến trúc Angkor, với điểm nhấn ở đường bao mái cong sơn vàng, đỏ đặc trưng.

Wat Ounalom không chỉ là điểm đến về tín ngưỡng Phật giáo mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử quý của đất nước Campuchia. Ảnh: Mekong Princess.
Wat Ounalom không chỉ là điểm đến về tín ngưỡng Phật giáo mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử quí của xứ sở chùa tháp Campuchia. Ảnh: Mekong Princess

Là trung tâm của Phật giáo Campuchia, chùa Wat Ounalom là nơi tu tập của hơn 500 vị tăng sĩ, và có một Thư viện của Học viện Phật giáo Campuchia lưu giữ khoảng 30.000 quyển kinh, một Bảo tháp tôn trí ngọc xá lợi lông mày của đức Phật và Tam tạng kinh Pali, cùng nhiều cổ vật quý của Phật giáo được lưu giữ và trưng bày tại đây.

Tượng đài Độc lập

Tượng đài Độc lập được xây dựng vào năm 1958 để kỉ niệm nền độc lập của Campuchia. Tượng đài ở quảng trường lớn, giao giữa đường Sihanouk và Norodom của thủ đô Phnom Penh.

Kiến trúc sư người Campuchia – Vann Molyvann thiết kế tượng đài mang nhiều nét truyền thống của văn hóa Khmer cổ đại, gợi nên dáng hình hoa sen đang nở rộ – loài hoa biểu tượng cho sự thanh tịnh và thức tỉnh.

Tượng đài nằm ngay tại giao lộ cắt đường Sihanouk và Norodom của thủ đô Phnom Penh sử dụng màu tím là mùa chủ đạo. Ảnh: @delimakmur.
Tượng đài nằm ngay tại giao lộ cắt đường Sihanouk và Norodom của thủ đô Phnom Penh sử dụng màu tím là mùa chủ đạo. Ảnh: @delimakmur

Tượng đài Độc lập là địa điểm tổ chức các ngày lễ quan trọng như Quốc khánh, ngày Hiến pháp... Đến thăm Phnom Penh vào các dịp lễ lớn bạn sẽ có cơ hội hòa vào dòng người, cảm nhận vẻ đẹp trầm lắng của tượng đài.

Chợ trung tâm Phnom Penh (Phsar Thmey)

Chợ trung tâm Phnom Penh, còn gọi là Phsar Thmey, có nghĩa là "Chợ mới". Đây là một trong những địa danh chính tại thủ đô Phnom Penh. Được xây dựng năm 1937 trong thời kỳ Pháp, chợ do kiến trúc sư Desbois thiết kế theo phong cách Art Deco, sơn màu nâu đất tươi sáng. Chợ trung tâm là một công trình kì diệu cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật, phản ánh kiến trúc Á Đông truyền thống một cách đặc sắc và tiêu biểu nhất.

Đến thăm chợ, du khách sẽ thấy mái vòm trung tâm màu vàng, tỏa xung quanh là bốn cánh hành lang khổng lồ, với hai bên là những gian hàng mua sắm đa dạng. Tương tự như các ngôi chợ khác ở Campuchia, Phsar Thmey nổi tiếng với đồ trang sức bằng bạc, vàng tinh xảo.

 
Chợ trung tâm là công trình lớn nhất của loại hình kiến trúc này tại Châu Á. Ảnh: Hotels
Mua sắm ở chợ trung tâm Phnom Penh là một trải nghiệm tuyệt vời của khách du lịch, khi có thể lựa chọn rất nhiều loại quà lưu niệm. Đừng quên thưởng thức nhiều món ăn gần gũi với ẩm thực Việt, bạn còn có thể gặp rất nhiều người gốc Việt buôn bán trong khu chợ sầm uất này.
Vân Anh
TIN LIÊN QUAN

Đền cổ 500 tuổi U22 Việt Nam ghé thăm ở Campuchia có gì đặc biệt?

Vân Anh |

Trước thềm trận đấu với U22 Lào tại SEA Games 32, U22 Việt Nam tham quan Wat Ounalom, thưởng lãm cảnh đẹp của ngôi đền nổi tiếng tại Campuchia này.

Bên trong khách sạn sang trọng U22 Việt Nam đóng quân tại SEA Games 32

Chi Trần (Ảnh: Phnom Penh Hotel) |

Tuyển U22 Việt Nam sẽ đóng quân tại khách sạn Phnom Penh trong quá trình thi đấu ở SEA Games 32, nơi này không nhận thêm khách cho đến 18.5.

Kết luận của khách Tây phượt xuyên Thái Lan - Việt Nam - Campuchia

Thúy Ngọc (Theo Irish Mirror) |

Claire Scott cho rằng Thái Lan - Việt Nam - Campuchia là cung phượt nổi tiếng nhất thế giới, bởi giá rẻ, nền văn hóa, ẩm thực và con người tuyệt vời.

7 món đặc sản bạn nhất định phải thử khi tới Campuchia

Chí Long |

Xứ sở chùa tháp có nền ẩm thực vô cùng độc đáo với nhiều món ăn thơm ngon, lạ miệng.

Những điểm du lịch hấp dẫn nhất ở Campuchia

Chí Long |

Khi ghé thăm Campuchia, ngoài Quần thể di tích đền Angkor, thủ đô Phnom Penh, du khách cũng có thể thư giãn ở những bãi biển trắng mịn tuyệt đẹp.