Hoàng Thành Thăng Long
Hoàng thành Thăng Long Hà Nội là quần thể di tích lịch sử tọa lạc giữa trung tâm Thủ đô, số 19C đường Hoàng Diệu, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Trước thăng trầm của lịch sử, biến động của thời gian, Kinh đô Thăng Long xưa đã nhiều lần trải qua thay đổi về kiến trúc. Ngày nay, các công trình từ thời Lý, Trần, Lê, Mạc đến thời Nguyễn không còn nguyên vẹn, chẳng thấy những tòa thành đồ sộ hay lầu son gác tía, nhưng những dấu vết còn sót lại vẫn chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa to lớn.
Năm 2010, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, trở thành di sản thế giới thứ 10 của Việt Nam và thứ 900 của thế giới.
Một số công trình kiến trúc độc đáo ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long có thể kể đến như Điện Kính Thiên, Đoan Môn, cột cờ Hà Nội... Tới đây, du khách sẽ được mục sở thị nhiều di vật xưa cũ, tham gia các buổi triển lãm lịch sử, khảo cổ... Di tích này cũng là địa điểm được nhiều người ghé tới để chụp những bộ ảnh với áo dài hay cổ phục.

Ngoài ra, còn có tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" kéo dài 90 phút, thu hút đông đảo du khách. Thời gian khởi hành tour từ 18h, 18h30 và 19h00 vào tối thứ 7, Chủ Nhật hàng tuần.
Di tích Hoàng thành mở cửa từ 8h - 17h hàng ngày, vé vào cửa 70.000 đồng/người lớn, trẻ em dưới 16 tuổi miễn phí.
Thành cổ Sơn Tây
Thành cổ Sơn Tây tọa lạc tại thị xã Sơn Tây, cách thủ đô Hà Nội 45km, là một trong những khu căn cứ quân sự quan trọng, lũy thép bảo vệ Kinh thành Thăng Long xưa, Thủ đô Hà Nội ngày nay. Mảnh đất Sơn Tây xưa vốn xứ Đoài - một trong "tứ trấn", nằm phía Tây Kinh thành Thăng Long.

Tòa thành được xây dựng năm 1822, dưới thời vua Minh Mạng, là địa điểm giàu giá trị văn hóa, lịch sử, với nét kiến trúc độc đáo, thu hút khách tham quan trong và ngoài nước.
Thành cổ Sơn Tây xây dựng hoàn toàn bằng đá ong bền chắc, được làm trực tiếp tại xứ Đoài. Các phiến đá nặng khéo léo xếp chồng lên nhau, kiến trúc xây dựng theo kiểu Vô-băng (Vauban) - một kiến trúc quân sự đặc trưng được đặt tên theo kỹ sư Vauban người Pháp. Bên trong có nhiều công trình lớn nhỏ, bao gồm cột cờ, vọng cung, Đoan môn, hành dinh Kính Thiên, Võ miếu…


Năm 1924, thành cổ đá ong này được Toàn quyền Đông Dương xếp hạng di tích. Năm 1994, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận tòa thành là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Thành cổ Sơn Tây miễn phí vé tham quan khi vào cửa. Nếu du khách di chuyển bằng phương tiện cá nhân tới đây sẽ mất vé gửi xe, giá vé 3.000 đồng/xe đạp, 5.000 đồng/xe máy và 10.000 đồng/ô tô.
Thành Cổ Loa
Thành Cổ Loa có nhiều tên gọi khác là Loa thành (thành Ốc), thành Côn Lôn, thành Tư Long, Cửu thành, Thành Việt Vương, thành Khả Lũ. Khu di tích này trải rộng trên địa phận 3 xã Cổ Loa, Việt Hùng, Dục Tú thuộc huyện Đông Anh, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 24km.
Lịch sử thành Cổ Loa gắn liền với những truyền thuyết An Dương Vương định đô, xây thành, nỏ thần Kim Quy một tên bắn ra hạ hàng trăm quân dịch, chuyện tình bi thương của Mị Châu – Trọng Thủy… Ảnh: Vũ Đức Hùng
Tòa thành được xây dựng vào thế kỷ thứ III TCN, có quy mô, cấu trúc lớn và độc đáo nhất nước ta. Thành Cổ Loa có tổng cộng 9 vòng xoáy trôn ốc, nhưng dấu tích còn sót lại ngày nay chỉ có 3 vòng.
Trong quá khứ, các bức thành được xây dựng kiên cố, vững chắc, có hào, ụ và lũy sâu rộng bao quanh, để bảo vệ an toàn cho nhà vua, triều đình và kinh đô. Kiến trúc Cổ Loa thành đại diện cho sự sáng tạo kỹ thuật và văn hóa của người Việt cổ.

Ngày nay, tòa thành cổ này đã trở thành điểm tham quan, du lịch độc đáo của Thủ đô. Một số điểm tham quan đặc sắc tại khu di tích thành Cổ Loa như đền Cổ Loa (đền thờ vua An Dương Vương), am Mỵ Châu, đình Cổ Loa (đình Ngự Triều Di Quy), giếng Ngọc gắn với mối tình của Mị Châu - Trọng Thủy... Hệ thống di sản văn hóa phi vật thể cũng là điểm nhấn thú vị cho du khách khám phá, chiêm ngưỡng.

Năm 2012, thành Cổ Loa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, trở thành một trong 21 khu du lịch Quốc gia Việt Nam.
Hàng năm, lễ hội Cổ Loa diễn ra trong 2 ngày mùng 5, mùng 6 tháng Giêng (Âm lịch), để tưởng nhớ và tôn vinh công đức của vua An Dương Vương.
Vé tham quan thành Cổ Loa 10.000 đồng/người lớn, 5.000 đồng/học sinh và người già, trẻ em miễn phí. Thời gian mở cửa từ 8h sáng đến 5h chiều hàng ngày.