Đình 500 năm tuổi dựng trên đất quân doanh của Ngô Quyền ở Hải Phòng

Hoàng Khôi |

Đình Lạc Viên (Hải Phòng) xây dựng năm 1523, mang dấu ấn trong lịch sử chống giặc ngoại xâm với các chiến thắng trên sông Bạch Đằng.

Đình Lạc Viên là một trong 2 di tích cấp quốc gia trên địa bàn quận Ngô Quyền - quận trung tâm TP.Hải Phòng.
Đình Lạc Viên là một trong 2 di tích cấp quốc gia trên địa bàn quận Ngô Quyền, trung tâm TP Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Khôi

Đình Lạc Viên được xây dựng từ hơn 500 năm trước trên một gò đất quân doanh, một trong những yếu địa của Đức Ngô Vương Quyền để diệt quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng.

Đình thờ Đức Vương Ngô Quyền, Đông Hải Đại Vương (Đoàn Thượng) - Công thần triều Lý; Nam Hải Đại Vương (Phạm Tử Nghi) – Công thần triều Mạc; Quý Minh Đại Vương; Hồng Ninh Trung Tông Hoàng Đế Mạc Mậu Hợp; Nam Dương Đệ nhất Quý Minh Vương Minh Diệu.

Đình Lạc Viên khang trang sau khi được trùng tu, tôn tạo năm 2022. Ảnh: Hoàng Khôi

Kết cấu ngôi đình theo kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai. Phần ngoài của tay ngai là hai cột đồng trụ đế trụ tạo dáng quả bóng, thân trụ đắp chỉ tạo khung câu đối. Đầu trụ tạo dáng đèn lồng, đỉnh trụ đắp hình long cuộn tạo hình như nụ hoa vươn lên để nở trên trời xanh.

Trên bờ nóc đình trang trí tổ hợp tượng tròn theo thức lưỡng long chầu nguyệt. Các đầu đao cong vút, trên có trang trí con kềm, con sô. Các linh vật trang trí trên mái đình đều được gắn những mảnh gốm cổ.

Linh vật trang trí trên mái đình được gắn mảnh gốm cổ, tăng thêm nét kiến trúc huyền ảo, linh thiêng.
Linh vật trang trí trên mái đình được gắn mảnh gốm cổ, tăng thêm nét huyền ảo, linh thiêng.

Đình Lạc Viên kết cấu theo kiểu chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, trong đó có một gian cung cấm. Toà tiền tế cấu tạo từ khung gỗ gồm 6 bộ vì kèo, kiểu vì bốn hàng chân cột.

Tòa hậu cung kết cấu bằng hai bộ vì kèo kiểu bố hàng chân cột với bộ vì kèo gian cung ngoài được các nghệ nhân điêu khắc vô cùng ấn tượng. Các vì kèo được kết cấu theo kiểu chồng rường, với nghệ thuật chạm khắc chủ yếu là chạm nổi hình rồng phượng, hoa lá cách điệu, mây trời.

Đình thờ Đức Vương Ngô Quyền, các vị Thành Hoàng làng và các anh hùng chống giặc ngoại xâm.

Giữa các bộ vì kèo của toà tiền tế và tòa hậu cung là hệ thống xà thượng, xà hạ bào nhẵn tạo dáng vỏ măng. Hệ thống hoành đỡ mái là các cây gỗ tròn được giải theo lối thượng tam, hạ tứ...

Năm 2009, đình Lạc Viên được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Năm 2022, trước thực trạng xuống cấp của di tích, chính quyền phường Lạc Viên vận động xã hội hoá để tiến hành trùng tu, tôn tạo di tích Đình Lạc Viên.

Quá trình trùng tu, tôn tạo vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính nguyên gốc năm xưa, do được tận dụng tối đa các yếu tố gốc của di tích. Phía ngoài tái sử dụng tối đa vật liệu ngói, con giống trên mái, gạch đá, và những nguyên vật liệu cũ.

Từ năm 1523 đến 1934, đình Lạc Viên có 56 sắc phong của các triều vua cho 6 thành hoàng làng Lạc Viên.

Các cấu kiện có trang trí chạm khắc trong tòa đại đình và hậu cung được bảo tồn nguyên vẹn. Các cột gỗ lim bị mối mọt tiêu tâm được phục chế nối chân, thay dõi, giữ nguyên gốc bề ngoài, thay thế hoặc gia cố các hệ thống bằng cấu kiện gỗ bị mối mọt, nứt gãy.

Ngoài ra, đình được gia cố móng, tôn nền, lát toàn bộ nền bằng gạch đỏ. Bên cạnh đó là tu bổ hệ thống tường bao, cổng phụ, hệ thống điện, phòng cháy chữa cháy.

Nét chạm khắc rồng, phượng hàng trăm năm vẫn được lưu giữ trong quá trình tôn tạo. Ảnh: Hoàng Khôi
Nét chạm khắc rồng, phượng hàng trăm năm vẫn được lưu giữ trong quá trình tôn tạo. Ảnh: Hoàng Khôi

Ông Mạc Văn Huấn – Chủ tịch UBND phường Lạc Viên, Trưởng Ban Quản lý di tích Đình Lạc Viên - cho biết: "Qua trùng tu, tôn tạo, đến nay, Đình Lạc Viên có diện mạo khang trang hơn, thu hút hàng nghìn lượt người đến tham quan, chiêm bái".

Sắp tới, địa phương tiến hành tôn tạo di tích giai đoạn 2, mở rộng khuôn viên Đình Lạc Viên về phía đường Đà Nẵng nhằm đáp ứng nhu cầu văn hoá tín ngưỡng không chỉ của người dân địa phương mà của du khách thập phương khi đến với TP Hải Phòng.

Bức phù điêu về trận chiến lịch sử đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng được chạm khắc năm 2018, nhân dịp kỉ niệm ngày giỗ lần thứ 1074 của Đức Vương Ngô Quyền.
Bức phù điêu về trận chiến lịch sử đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng được chạm khắc năm 2018, nhân dịp kỉ niệm ngày giỗ lần thứ 1074 của Đức Vương Ngô Quyền.
Hoàng Khôi
TIN LIÊN QUAN

5 quán bánh đa cua ngon nức tiếng Hải Phòng

Mai Anh |

Bánh đa cua là một trong những món ăn nổi tiếng nhất Hải Phòng, du khách có thể tìm thấy nhiều địa chỉ bán đặc sản này tại thành phố hoa phượng đỏ.

Mê mẩn sắc vàng muồng hoàng yến trên đường phố Hải Phòng

Mai Dung |

Những ngày này, nhiều tuyến phố, công viên ở Hải Phòng rợp trong màu vàng của hoa muồng hoàng yến - loài hoa biểu trưng của may mắn, niềm tin và hi vọng.

Người dân Hải Phòng thích thú check in cây gạo cổ thụ đỏ rực

Bài và ảnh: Lương Hà |

Vào những ngày tháng 3 này, trước sân đình làng Văn Cú (xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng) cây gạo cổ thụ lại nở rực hoa, nhuộm đỏ cả một góc trời, khiến cho không gian nơi đây trở nên thơ mộng.

5 quán bánh đa cua ngon nức tiếng Hải Phòng

Mai Anh |

Bánh đa cua là một trong những món ăn nổi tiếng nhất Hải Phòng, du khách có thể tìm thấy nhiều địa chỉ bán đặc sản này tại thành phố hoa phượng đỏ.

Mê mẩn sắc vàng muồng hoàng yến trên đường phố Hải Phòng

Mai Dung |

Những ngày này, nhiều tuyến phố, công viên ở Hải Phòng rợp trong màu vàng của hoa muồng hoàng yến - loài hoa biểu trưng của may mắn, niềm tin và hi vọng.

Người dân Hải Phòng thích thú check in cây gạo cổ thụ đỏ rực

Bài và ảnh: Lương Hà |

Vào những ngày tháng 3 này, trước sân đình làng Văn Cú (xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng) cây gạo cổ thụ lại nở rực hoa, nhuộm đỏ cả một góc trời, khiến cho không gian nơi đây trở nên thơ mộng.