Độc lạ 5 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia ở An Giang

Lâm Điền |

Không chỉ là tài sản quý, 5 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia ở An Giang còn lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học về con người và vùng đất, tạo ra sự khác biệt để ngành du lịch tỉnh An Giang phát triển.

Lễ hội đua bò Bảy Núi

Ngày 19.1.2016, Bộ VHTTDL đưa Hội đua bò Bảy Núi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội đua bò Bảy Núi được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đầu tiên tỉnh An Giang. Ảnh: Lâm Điền
Lễ hội đua bò Bảy Núi được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đầu tiên tỉnh An Giang. Ảnh: Lâm Điền

Đây là hoạt động văn hoá diễn ra vào dịp Lễ Sen Dolta (lễ cúng ông bà) của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi (khoảng cuối tháng 8 âm lịch) hàng năm.

Dịp này đồng bào trong các phum sóc mang những đôi bò đến cày ruộng giúp nhà chùa. Những chủ bò tranh tài, điều khiển đôi bò cày ruộng nhanh nhất để sớm hoàn tất công việc. Các đôi bò được chủ đứng trên giàn bừa khéo léo điều khiển chạy trên mặt ruộng xâm xấp nước, tạo ra những chùm hoa nước lộng lẫy dưới ánh mặt trời trong tiếng hò reo, cổ vũ của đông đảo người dân.

Lễ hội đua bò Bảy Núi. Ảnh: Lâm Điền
Lễ hội đua bò Bảy Núi. Ảnh: Lâm Điền

Cuối buổi, các sãi cả chọn các đôi bò tài khéo, nhanh nhẹn và sự ăn ý với chủ bò trong suốt buổi cày để trao thưởng. Vì tính hấp dẫn độc đáo này mà khi được tỉnh quan tâm, tổ chức thành sân chơi lớn, đã tạo thành sự kiện thu hút khách gần xa và dần trở thành điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch An Giang.

Kinh lá buông

Ngày 23.1.2017, tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer vùng Bảy Núi được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Kinh lá buông được bảo quản tại chùa Nam tông vùng Bảy Núi. Ảnh: Lâm Điền
Kinh lá buông được gìn giữ tại chùa Nam tông vùng Bảy Núi. Ảnh: Lâm Điền

Đây là loại thư tịch cổ, được ghi chép về triết lý sống, nhân sinh quan theo tinh thần Phật giáo, thơ ca, sử thi, giáo lý của đức Phật răn dạy con người làm điều lành. Trong đó phần lớn được các nhà sư trong các chùa Nam tông thực hiện nên còn được gọi là kinh lá buông.

Theo các nguồn sử liệu đáng tin cậy, nhiều khả năng kinh lá vùng Bảy Núi xuất hiện từ khoảng thế kỷ XIX. Quy trình chế tác đòi hỏi nhiều công phu từ khâu chọn lá nguyên liệu cho đến chế tác, khắc chữ lên lá.

Kinh lá buông. Ảnh: Lâm Điền
Kinh lá buông. Ảnh: Lâm Điền

Kinh lá buông có độ bền cao, để lâu không mục, không bị mối mọt nên dù trải qua nhiều năm tháng vẫn còn nguyên vẹn.

Đây không chỉ là tài liệu quý để nghiên cứu về quá khứ, mà còn là hiện vật linh thiêng trong đời sống đồng bào Khmer vùng Bảy Núi luôn thành kính tam bảo. Vì thế, kinh lá chỉ được mở ra thuyết pháp vào những dịp quan trọng như lễ Phật Đản, lễ dâng bông, lễ dâng y cà sa...

Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam

Ngày 19.12.2014, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phục hiện nghi thức rước tượng Bà Chúa xứ Núi Sam. Ảnh: Lâm Điền
Phục hiện nghi thức rước tượng Bà Chúa xứ Núi Sam. Ảnh: Lâm Điền

Từ ngày 22 đến 27.4 (âm lịch) tại Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam diễn ra chuỗi sự kiện lễ theo nghi thức truyền thống, gồm: Lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh Núi Sam xuống miếu thờ; lễ Tắm bà; lễ Thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân; lễ Túc yết, Xây chầu…

Tuy nhiên với niềm tín ngưỡng dân gian, Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam đã vượt qua lễ hội thông thường, trở thành ngày hội lớn, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách trong, ngoài nước đến hành hương, chiêm bái.

Lễ hội Bà Chúa xứ Núi Sam. Ảnh: Lâm Điền
Lễ hội Bà Chúa xứ Núi Sam. Ảnh: Lâm Điền

Năm 2018, Khu du lịch núi Sam với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hấp dẫn và quần thể di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, như: Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang gắn với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ VHTTDL công nhận là khu du lịch quốc gia.

Đến năm 2001, Lễ hội được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Từ đó, ngoài phần lễ truyền thống, phần hội cũng được tổ chức sôi nổi với chương trình sân khấu hóa, Tuần lễ văn hóa - thể thao, trò chơi dân gian, trình diễn văn nghệ dân tộc… phục vụ nhân dân và du khách.

Lễ hội kỳ yên Đình thần Thoại Ngọc Hầu

Ngày 16.10.2020 Bộ VHTTDL đưa Lễ hội Kỳ Yên ở đình thần Thoại Ngọc Hầu (huyện Thoại Sơn) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đình thần Thoại Ngọc Hầu, nơi có lễ hội kỳ yên được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia. Ảnh: Lâm Điền
Đình thần Thoại Ngọc Hầu, nơi có lễ hội kỳ yên được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia. Ảnh: Lâm Điền

Diễn ra từ Mùng 10 đến 12 tháng 03 âm lịch nhằm tưởng nhớ danh thần Thoại Ngọc Hầu (1761 - 1829). Ông là vị tướng có nhiều cống hiến trong công cuộc khai mở và gìn giữ bờ cõi Tây Nam và có công truyền bá nghệ thuật hát tuồng đến vùng đất mới của Tổ quốc.

Tưởng nhớ đến công lao đó, nhân dân Thoại Sơn lập đình thờ. Nhưng không như các đình khác ở Nam Bộ, theo lệ ba năm tổ chức đại lễ kỳ yên, ở đây lễ kỳ yên được tổ chức mỗi năm. Và mỗi dịp lễ đều có hát bội về biểu diễn.

Bằng chứng nhận Lễ hội kỳ yên đình thần Thoại Ngọc Hầu được đưa vào Danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia. Ảnh: Lâm Điền
Bằng chứng nhận Lễ hội kỳ yên Đình thần Thoại Ngọc Hầu được đưa vào Danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia. Ảnh: Lâm Điền

Đặc biệt, trong Lễ kỳ yên này không có nghi thức rước sắc thần, vì sắc được thờ ngay tại đình. Bên cạnh những hoạt động mang đậm dấu ấn truyền thống của lễ hội đình làng Nam Bộ, như: Túc yết, xây chầu, đại bội…, Lễ hội còn mang trong mình nhiều giá trị và tiềm năng phục vụ cho việc phát triển du lịch bền vững ở địa phương. Vì thế thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến chiêm bái.

“Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam” ở An Giang

Ngày 02.02.2023, Bộ VHTTDL đưa “Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam” ở An Giang vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghi thức tụng niệm trong thánh đường của người Chăm ISLAM ở An Giang. Ảnh: Lâm Điền
Nghi thức tụng niệm trong thánh đường của người Chăm ISLAM ở An Giang. Ảnh: Lâm Điền

Tại An Giang, người Chăm sống tập trung tại thị xã Tân Châu và huyện An Phú. Người Chăm An Giang theo đạo Islam, mọi hoạt động, sinh hoạt trong đời sống hàng ngày chịu sự chi phối mạnh mẽ của giáo luật này. Từ đó, đã hình thành nên những giá trị văn hóa tiêu biểu trong tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng, trang phục... Đặc biệt là nghi lễ vòng đời, làm nên di sản văn hóa phi vật thể vô cùng độc đáo.

Quang cảnh lễ cưới của người Chăm ISLAM ở An Giang. Ảnh: Lâm Điền
Quang cảnh lễ cưới của người Chăm ISLAM ở An Giang. Ảnh: Lâm Điền

Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam ở An Giang có thể chia làm 3 giai đoạn: Nghi lễ trong giai đoạn sinh (bao gồm cắt rốn, cắt tóc, đặt tên...), nghi lễ trong giai đoạn trưởng thành (bao gồm việc Khotanh, Ga sâm, cưới xin...) và nghi lễ trong giai đoạn tử (tẩn liệm, an táng...).

Lâm Điền
TIN LIÊN QUAN

8 bảo vật quốc gia ở tỉnh An Giang sẽ được bảo tồn như thế nào?

PHONG LINH |

Để giữ gìn và phát huy giá trị của 8 bảo vật quốc gia của nền văn hóa Óc Eo, tỉnh An Giang sẽ đẩy mạnh công tác bảo vệ, quảng bá đến người dân, khách du lịch trong nước và quốc tế.

Thêm 10 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Thiều Anh |

Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát sắc bùa của người Mường, Lễ mừng thọ của người M'nông... vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghề trồng rau Trà Quế đón danh hiệu di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

THUỲ TRANG |

Sáng 16.7, tại làng rau Trà Quế, TP.Hội An đã diễn ra lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia “Nghề trồng rau Trà Quế”.