Du lịch Tây Bắc: Độc đáo đám cưới nhà gái tự đưa dâu về nhà chồng

Xuân Xuân |

Tại lễ cưới của người Dao đỏ ở Lào Cai, nhà trai sẽ không đón dâu. Đây cũng là một trong những nét văn hóa độc đáo, thu hút du khách trên hành trình du lịch Tây Bắc.

Bản Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) cách thị trấn Sa Pa 12 km về hướng đông bắc, chủ yếu là người Dao và người H'Mông sinh sống. Đây được coi là nơi hiện còn lưu giữ được nhiều nét văn hoá cổ truyền, trong đó có phong tục cưới.

Đám cưới truyền thống là nét độc đáo của người Dao đỏ. Chứa đựng những giá trị về văn hoá, lịch sử cũng như phản ánh nhiều lĩnh vực của đời sống đồng bào dân tộc. Thông thường, đám cưới sẽ trải qua 3 nghi lễ là dạm hỏi (Gia tịnh pía sung), cưới (Hớp tiu) và lại mặt (Dịa lẩy).

Nhà trai dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đám cưới. Ảnh: Nguyễn Tuấn Khoa
Nhà trai dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đám cưới. Ảnh: Nguyễn Tuấn Khoa

Lễ dạm hỏi

Khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch, nhà trai chọn ngày lành sang nhà gái để cùng ấn định lễ vật dẫn cưới và ngày giờ tổ chức. Trong lễ dạm hỏi nhà trai trao cho nhà gái đôi vòng tay bạc để cha mẹ đeo cho con gái.

Sau lễ dạm hỏi, cô dâu phải chuẩn bị quần áo mới cho mình và chú rể, nhà trai lo chuẩn bị lễ vật dẫn cưới, rượu, thịt cho đám cưới.

Lễ cưới

Từ tháng 10 đến tháng Chạp hàng năm được coi là thời gian phù hợp để tổ chức đám cưới. Lễ cưới thường diễn ra 3 ngày 3 đêm.

Ngày thứ nhất, hai bên gia đình làm lễ trình báo tổ tiên. Nhà trai mang đồ dẫn cưới sang nhà gái gồm rượu, thịt để nhà gái tổ chức tiệc rượu liên hoan mời họ hàng, bà con làng xóm để tiễn cô dâu về nhà chồng.

Cô dâu luôn phải che mặt khi về nhà chồng. Ảnh: Nguyễn Tuấn Khoa
Cô dâu luôn phải che mặt khi về nhà chồng. Ảnh: Nguyễn Tuấn Khoa

Ngày thứ hai, nhà gái tự đưa cô dâu về nhà chồng, chú rể không cần phải sang đón. Đây là điều đặc biệt nhất trong đám cưới người Dao đỏ. Trước khi về nhà chồng, cô dâu được làm phép với mong muốn sẽ gặp may mắn, hạnh phúc.

Trên đường đi đến nhà trai, cô dâu phải che mặt. Người Dao đỏ quan niệm không để mặt trời soi mặt cô dâu vì sợ mất vía, cô dâu sẽ không gặp may trong đời sống sau này.

Trên trang phục của cô dâu, nhất thiết phải có bạc và nhiều màu sắc. Màu đỏ thể hiện ánh bình minh rực rỡ, màu xanh là của núi rừng, màu trắng thể hiện sự trong trắng, thủy chung của người con gái.

Mũ áo của cô dâu là một tác phẩm độc đáo của sắc màu, thể hiện sự tinh xảo trong từng đường thêu hoa văn thổ cẩm.

Nhạc công ở đám cưới người Dao Đỏ. Ảnh: Nguyễn Tuấn Khoa
Nhạc công ở đám cưới người Dao đỏ. Ảnh: Nguyễn Tuấn Khoa

Trong nghi lễ của người Dao đỏ, âm nhạc là điều không thể thiếu, nên những người nhạc công rất được trọng vọng. Họ có mặt ở nhà trai từ rất sớm, tham gia các công việc nghi lễ cùng thầy cúng. Đoàn đưa dâu của nhà gái dù gần hay xa đều phải nghỉ lại nhà trai một đêm trong gian buồng tạm trú.

Ngày thứ ba là ngày cưới chính, sẽ chọn những ngày tốt theo quan niệm của người Dao đỏ như ngày Dần, Mão, Ngọ, Mùi. Giờ đẹp đến, đoàn nhà trai sẽ nổi kèn, đánh trống, chiêng và ra đón nhà gái.

Sau đó, đội kèn dẫn đoàn về một bãi đất trống gần nhà trai để làm thủ tục kết tình duyên. Tại đây, đoàn nhà gái đứng cạnh nhau để đội kèn trống của nhà trai đi vòng tròn xung quanh và đi theo hình số 8 quanh nhà gái với ý nghĩa chúc đôi bạn trẻ mãi mãi hạnh phúc, tình thông gia thêm bền chặt.

Thầy cúng làm lễ trừ tà trước khi cô dâu bước vào cửa. Ảnh: Nguyễn Tuấn Khoa
Thầy cúng làm lễ trừ tà trước khi cô dâu bước vào cửa. Ảnh: Nguyễn Tuấn Khoa

Trong khi làm các thủ tục đó, nhà trai mời trà, mời rượu bên nhà gái để thể hiện tấm lòng chân thành, quý trọng. Một nghi lễ quan trọng khi cô dâu đi vào nhà chính là phép trừ tà người Dao. Họ quan niệm khi cô dâu đi đường có thể các loại ma, ngoại thần bám theo nên trước khi vào nhà thầy cúng phải làm lễ trừ tà.

Chú rể được dắt ra và che mặt bằng khăn. Ảnh: Nguyễn Tuấn Khoa.
Chú rể được dắt ra và che mặt bằng khăn. Ảnh: Nguyễn Tuấn Khoa.

Cô dâu được phù dâu che ô và dắt vào trước cửa nhà. Thầy cúng một tay cầm bát nước, một tay cầm que sắt vừa niệm chú vừa đi quanh nhà ngậm nước phép phun ra xung quanh. Hết một vòng nhà lại cầm một con gà con vung ra tứ phía, sau đó dùng kiếm phép chặt đứt đầu gà, ném ra ngoài cửa. Nghi lễ này thường diễn ra trong khoảng 45 phút.

Khi các nghi lễ đã xong xuôi, cô dâu chú rể quỳ lạy trước ban thờ tổ tiên, nhận quà bố mẹ chồng tặng. Đi đến từng mâm khách chúc rượu và nhận lời chúc phúc tốt lành.

Lễ lại mặt

Sau ngày cưới một tháng, nhà trai mang lễ vật gồm một con lợn, một đôi gà, vài lít rượu sang nhà gái làm lễ lại mặt.

Trên hành trình du lịch Tây Bắc, bạn nhớ ghé thăm các bản làng của đồng bào dân tộc ở Sa Pa. Biết đâu đấy, nếu có duyên bạn sẽ được tham dự một đám cưới độc đáo của đồng bào người Dao đỏ.

Xuân Xuân
TIN LIÊN QUAN

Du lịch Tây Bắc: Độc đáo nét văn hóa dân tộc La Ha

Xuân Xuân |

Dân tộc thiểu số La Ha sống chủ yếu ở vùng núi cao Tây Bắc, có nhiều nét văn hóa cổ truyền độc đáo cùng những quan niệm, tín ngưỡng đặc trưng riêng.

Hành trình săn mây chinh phục những đỉnh núi cao Tây Bắc

Lam Thanh |

Núi non trùng điệp tại Tây Bắc luôn là điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch. Trong đó, hành trình săn mây mang lại trải nghiệm độc đáo.

Ghé thăm Tây Bắc, trải nghiệm văn hóa vùng cao

MỸ LY |

Trên đường du lịch, du khách sẽ có cơ hội hiểu đời sống canh tác, trang phục truyền thống hay ẩm thực đặc trưng của đồng bào Tây Bắc.