Hồi sinh Châu Hương Viên - không gian ca Huế vang bóng một thời

PHÚC ĐẠT |

Di tích Châu Hương Viên sau một thời gian dài hư hỏng, xuống cấp được phục hồi trở thành điểm văn hóa, sinh hoạt ca Huế.

Di tích Châu Hương Viên Gắn với danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị - người có công rất lớn trong việc phát triển thơ văn, tuồng và ca Huế.

Cánh chim đầu đàn của ca Huế

Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877 - 1961, tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình, Ưng Bình là tên, hiệu là Thúc Giạ Thị). Ông sinh ra trong một gia đình hoàng tộc, có truyền thống văn chương, là một người đa tài, với sở trường về nhiều thể loại: thơ chữ Hán và chữ quốc ngữ, tuồng và ca Huế. Thể loại nào cũng có thành tựu xuất sắc, các tác phẩm của ông luôn thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn yếu tố nghệ thuật bác học với dân gian.

Gia tài thơ của Ưng Bình Thúc Giạ Thị gồm hơn 2.000 bài thơ chữ Việt và chữ Hán. Tiêu biểu là tập hợp ở các công trình: tập thơ “Lộc Minh Thi Tập”, tuồng “Tào Lao” (xuất bản 1937), “Tình Thúc Giạ” (xuất bản 1942), “Bán buồn mua vui” (xuất bản 1954), “Đời Thúc Giạ” (xuất bản 1961), “Tiếng hát sông Hương” (xuất bản 1972), “Thơ ca tuyển” (xuất bản 1992). Trong số các tác phẩm đã xuất bản của ông, đáng chú ý có tuồng “Lộ Địch” xuất bản lần đầu năm 1936, tái bản năm 1959.

TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế - cho hay, với sự nghiệp văn chương đồ sộ, nhất là công lao to lớn trong việc hình thành bộ môn nghệ thuật ca Huế, Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã đi vào trái tim của nhiều thế hệ người Huế, người Việt Nam, từ buổi giao thời tân cựu cho đến ngày nay. Chính sức sống và sự phát triển của ca Huế từ đó đến nay, mà nghệ thuật ca Huế đã được các cơ quan chức năng quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị và hiện ca Huế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Năm 1933, sau khi rời chốn quan trường, Ưng Bình mua lại mảnh vườn để xây dựng Châu Hương Viên. Không gian này bao gồm tổ hợp các công trình kiến trúc độc đáo có giá trị cao về văn hóa, lịch sử, gồm một ngôi nhà rường 3 gian 2 chái, đình Lộc Minh, bình phong, sân vườn, bến nước... với tổng diện tích hàng nghìn m2. Từ khi hình thành nơi này trở thành địa điểm ghi dấu về Ưng Bình Thúc Giạ Thị, một địa chỉ văn hóa Huế, đặc biệt đối với những nghệ sĩ và người yêu ca Huế. Nhắc đến địa danh này, giới tao nhân mặc khách từ trong Nam cho đến tận ngoài Bắc không ai không nghe danh và biết tiếng.  Có thể nói, Ưng Bình là cánh chim đầu đàn, là người hồi sinh cho ca Huế được sống và phát triển cho đến ngày nay.

Nhưng trải qua hơn nửa thế kỉ hoang phế, lại bị tác động của thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của xứ Huế nên phần lớn các công trình đã ở trong tình trạng bị lấn chiếm, bị xuống cấp nặng nề, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Trước bối cảnh đó rất nhiều chuyên gia, nhà văn hóa đã lên tiếng, kêu gọi xếp hạng và đề nghị tu bổ di tích. Cuối năm 2019, Châu Hương Viên được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh và bàn giao Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế quản lí.

Trở thành địa chỉ văn hóa, sản phẩm du lịch

Năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định bảo tồn, tu bổ nhiều hạng mục di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên, với nguồn kinh phí hơn 10 tỉ đồng. Tại buổi lễ khởi công tu bổ vừa diễn ra vào cuối tháng 3.2023, ông Nguyễn Đức Lộc - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho biết, có rất nhiều hạng mục nhưng tập trung vào các hạng mục chính đó là phục dựng lại toàn bộ di tích gốc bao gồm nhà chính, nhà phụ, bình phong. Ngoài ra sẽ cải tạo, chỉnh trang sân vườn mặt trước và khu vực xung quanh khuôn viên, xây dựng hệ thống cấp thoát nước, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, chống sét, nhà vệ sinh... Thời gian tu bổ dự kiến kéo dài một năm.

Theo ông Phan Thanh Hải, việc tu bổ, tôn tạo di này là bước đi quan trọng và có tính định hướng cao trong việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị lịch sử của địa phương. Vì thế, ông Hải đề nghị Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị thi công, đơn vị giám sát triển khai đồng bộ, đảm bảo đúng tiến độ, đạt chất lượng và hiệu quả.

Sau khi hoàn thành việc tu bổ, cần phối hợp với các ban ngành, đơn vị hữu quan tiếp tục xây dựng, đề xuất các phương án quảng bá, giới thiệu về Châu Hương Viên cũng như về Ưng Bình Thúc Giạ Thị, một danh nhân có công lớn cho di sản ca Huế. Ngoài ra, phải thực sự biến Châu Hương Viên trở thành một địa chỉ văn hóa, một điểm sinh hoạt ca Huế đặc sắc, hấp dẫn.

“Đây sẽ là một sản phẩm du lịch mới, góp phần làm phong phú thêm hệ thống các điểm tham quan du lịch tại khu vực thôn Vỹ Dạ xưa nói riêng và của TP Huế nói chung, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau” - ông Hải chia sẻ.

PHÚC ĐẠT
TIN LIÊN QUAN

Suối Mơ - điểm nghỉ dưỡng trốn nắng hè ở cố đô Huế

Linh Boo |

Suối Mơ nằm giữa thành phố Huế và Đà Nẵng, trở thành một địa điểm lý tưởng cho du khách ghé tới trải nghiệm tắm mát, giải nhiệt mùa hè.

3 ngày 2 đêm khám phá xứ Huế mộng mơ

Linh Boo |

Huế sở hữu cảnh sắc thiên nhiên trù phú, sông Hương thơ mộng cùng hệ thống di sản văn hóa phong phú... Đây là điểm đến lý tưởng dịp hè này.

Thừa Thiên Huế: Chợ đêm cầu ngói Thanh Toàn đón lượng khách tăng đột biến

QUẢNG AN |

Du khách đến với chợ quê cầu ngói Thanh Toàn, Thừa Thiên Huế tăng đột biến, tổng doanh thu ước tính gần 8,5 tỉ đồng/6 đêm.

Huế sẽ xác lập Kỷ lục Việt Nam với đặc sản bún xào thập cẩm

QUẢNG AN |

HUẾ - Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2023 sẽ thực hiện xác lập Kỷ lục Việt Nam “Bún xào thập cẩm kiểu Huế 1.000 dĩa phục vụ 1.000 người ăn một lần tại chỗ”.