Làng nghề 'vọc bùn' đắp bếp cà ràng hơn nửa thế kỷ ở miền Tây

Huỳnh Nhi |

Hơn 50 năm qua, bên dòng sông Tiền, xóm cà ràng ở xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang ngày ngày đỏ lửa nung hàng nghìn chiếc cà ràng (bếp lò) trứ danh của miền Tây.

Đi dọc sông Hậu, sông Tiền ở đồng bằng sông Cửu Long, du khách có thể tìm hiểu nhiều làng nghề khác nhau như se nhang, làm chậu kiểng, dệt lụa rất nổi tiếng. Xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, ven bờ sông Tiền là nơi được mệnh danh là "xứ sở cà ràng".

Ngày nay trong xóm còn hàng chục gia đình đang gắn bó với nghề làm cà ràng. Theo nhiều người miền Tây, cà ràng là từ đọc chạy theo tiếng Khmer, có nghĩa là bếp lò.

Dù ngày nay có nhiều loại bếp phục vụ nấu nướng, nhưng một số tỉnh ở miền Tây, chiếc cà ràng vẫn được ưa chuộng trong căn bếp của nhiều gia đình. Ảnh: Huỳnh Nhi
Dù ngày nay có nhiều loại bếp phục vụ nấu nướng, nhưng một số tỉnh ở miền Tây, chiếc cà ràng vẫn được ưa chuộng trong căn bếp của nhiều gia đình. Ảnh: Huỳnh Nhi

Ông Lê Thanh Hùng (55 tuổi), ngụ tại xã Phú Thọ, huyện Phú Tân đã theo nghề làm cà ràng hơn 20 năm. “Trước kia, nghề này của ba tôi, nhưng hiện ông đã lớn tuổi nên tôi thay ông giữ nghề”, ông Hùng chia sẻ.

Cà ràng được làm từ đất sét mua từ huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, với giá từ 1 - 1,3 triệu đồng/m3. Để làm một chiếc cà ràng hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn, đa phần đều làm bằng tay.

Trung bình mỗi mét khối đất có thể làm được 40 - 50 chiếc cà ràng cỡ lớn.

Sau khi tạo hình và phơi khô, cà ràng được đem vào lò nung bằng trấu trong vài chục tiếng đồng hồ, chiếc bếp thành phẩm sẽ có màu đỏ cam, cứng rắn.

 Ảnh: Huỳnh Nhi
Đất sét mua từ huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang để nhào nặn làm cà ràng. Ảnh: Huỳnh Nhi

Ngoài người thân trong gia đình, ông Hùng còn thuê thêm nhân công để trộn đất, nắn lò. Mỗi người thợ lành nghề có thể làm được trên 20 chiếc cà ràng một ngày, với giá vài chục ngàn đồng một cái.

Chân lấm tay bùn từ sáng sớm đến chiều muộn, trừ đi mọi chi phí, mỗi người thợ có thể thu lợi nhuận khoảng 10.000 đồng với mỗi chiếc cà ràng. Dù thu nhập không cao, nhưng nhiều người chọn giữ nghề vì giúp họ được làm việc, sinh sống tại quê hương, không phải tha hương xứ người.

Sau khi tạo hình, cà ràng được mang phơi ngoài nắng trong nhiều ngày trước khi cho vào lò nung. Ảnh: Huỳnh Nhi
Mỗi người thợ có thể làm trên 20 chiếc cà ràng mỗi ngày. Ảnh: Huỳnh Nhi

Anh Lê Văn Bảo (29 tuổi), người dân xóm làm cà ràng Phú Thọ cho biết cứ khoảng nửa tháng sẽ có thương lái đi ghe lớn đến lấy hàng một lần, mỗi đợt từ 200 - 300 bếp, bán khắp các tỉnh như Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu… hoặc vận chuyển sang Campuchia.

“Còn thường ngày khách đem xe ba gác đến chở bếp đi bán với số lượng chỉ vài chục cái”, anh Bảo nói.

Sau khi tạo hình, cà ràng được mang phơi ngoài nắng trong nhiều ngày trước khi cho vào lò nung. Ảnh: Huỳnh Nhi

Giữa tháng 4, một đoàn khách nước ngoài đến thăm xóm làng cà ràng ở xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, rất thích thú trước sự khéo léo của những người thợ nơi đây.

Bà Anna, du khách đến từ Australia, đã dùng đất sét tạo hình ông táo trên bếp cà ràng. “Tôi nhớ lại tuổi thơ của mình khi trải nghiệm hoạt động này”, bà chia sẻ.

Ngoài làm cà ràng, một số hộ gia đình còn sản xuất thêm khuôn đổ bánh xèo, nồi đất để đa dạng sản phẩm bán ra thị trường. Ảnh: Huỳnh Nhi
Ngoài làm cà ràng, một số hộ gia đình còn sản xuất thêm khuôn đổ bánh xèo, nồi đất để đa dạng sản phẩm bán ra thị trường. Ảnh: Huỳnh Nhi

Đối với người miền Tây, chiếc cà ràng là hình ảnh thân thương không thể nào quên. Với nhúm củi, ít cọng lá dừa và chiếc bếp đơn sơ là đã có thể nấu một bữa cơm ngon cho gia đình.

Nhiều người cho rằng nấu cơm bằng cà ràng luôn ngon hơn bếp điện, bếp gas vì mùi khói, mùi củi lửa nồng ấm hòa quyện vào mùi thơm của thức ăn. Hương vị đó, bất kể ai xa quê, đang sống ở thị thành đều luôn nhớ về.

Huỳnh Nhi
TIN LIÊN QUAN

Lẩu cá thác lác khổ qua - đặc sản miền Tây nghe tưởng đắng mà ăn là ghiền

Thanh Hải |

Lẩu cá thác lác khổ qua là món ăn bình dị nhưng độc đáo, lạ miệng của người miền Tây.

Buổi sáng trên chợ nổi nhộn nhịp bậc nhất miền Tây

Lê Đạt |

CẦN THƠ - Khách du lịch thường mách nhau rằng đã tới xứ Tây Đô mà chưa tham quan chợ nổi cái Răng, dường như chuyến đi chưa thực sự trọn vẹn

Cơm trái cây độc lạ của người miền Tây

Thanh Hải |

Người miền Tây có thói quen ăn cơm với các loại hoa quả như chuối, dưa hấu... khiến không ít du khách bất ngờ.

4 ngày ăn ngon, chơi đã khắp miền Tây mùa nước nổi

Thanh Chân |

An Giang, Cần Thơ và Tiền Giang là những điểm dừng chân ở miền Tây hấp dẫn đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước mỗi mùa nước nổi.