Mỹ
Người Mỹ đón Tết dương lịch như ngày lễ lớn nhất trong năm với không khí vui tươi, phấn khởi. Đêm giao thừa, dân chúng tập trung ở Times Square để cùng nhau đếm ngược tới khoảnh khắc giao thừa.

Khi kim đồng hồ điểm 0h00, một quả cầu thủy tinh khổng lồ sẽ được thả xuống từ từ với những mảnh giấy nhiều màu sắc. Người Mỹ hô vang "Chúc mừng năm mới" và tung những mảnh giấy màu lên trời để mong điều tốt lành sẽ đến trong năm mới.
Những ngày đầu năm, người dân dành thời gian để quây quần bên gia đình, bạn bè, tổ chức tiệc tùng ăn uống. Họ có truyền thống ăn bắp cải với hy vọng sẽ gặp nhiều điều may mắn. Đặc biệt, người độc thân sẽ mặc trang phục màu vàng với mong muốn gặp được một nửa của đời mình, còn những người mong phát tài sẽ mặc đồ màu bạc.
Anh
Giống như các nước phương Tây, người dân Anh đổ ra đường, tập trung tại các quảng trường lớn đêm giao thừa. Họ gặp gỡ, tụ tập ở quảng trường Trafalgar, Piccadilly Circus hay bất cứ nơi nào có thể nghe thấy tiếng chuông đồng hồ Big Ben để chào đón năm mới.

Những người dân cùng nắm tay nhau, hát ca khúc Auld Lang Syne và đếm ngược cho đến khi nghe thấy tiếng chuông đồng hồ Big Ben. Lúc này, mọi người cùng im lặng để cầu nguyện, sau đó bắt đầu gửi những chiếc ôm, lời chúc an lành trong năm mới.
Nhật Bản
Từ năm 1873, người dân Nhật Bản đón Tết dương lịch như các nước phương Tây. Đêm giao thừa ở Nhật được gọi là Omisoka. Đúng 0h00, tất cả các ngôi chùa tại Nhật đồng loạt gióng 108 tiếng chuông, tượng trưng cho 108 ham muốn trần tục của con người.

Đêm giao thừa, người dân cũng đổ ra đường để tham gia các hoạt động vui chơi, xem bắn pháo hoa. Tuy nhiên, nhiều người chọn ở nhà ăn uống, quây quần bên gia đình với nồi lẩu nóng hay tô mì trường thọ. Người Nhật vẫn giữ phong tục tổng vệ sinh, trang trí nhà ở, làm các món ăn truyền thống, làm thiệp để tặng nhau ngày Tết.
Singapore
Đất nước Singapore chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Phương Tây nên cũng ăn Tết dương lịch. Quốc đảo Sư tử bắt đầu trang hoàng nhà cửa, đường phố từ Giáng sinh cho đến hết Tết.

Tuy nhiên, kỳ nghỉ Tết dương ở Singapore không dài, chỉ khoảng vài ba ngày. Trong những ngày này, đường phố luôn rực sáng, các khu phố mua sắm trở nên đông đúc. Đặc biệt, đây là lúc nhiều nhà hàng, khu mua sắm thực hiện chiến dịch giảm giá mạnh, từ 50-70% thu hút rất nhiều người quan tâm.
Pháp
Cùng đón Tết dương lịch nhưng mỗi nơi ở nước Pháp có các phong tục khác nhau. Cụ thể, ở miền Đông, người dân sẽ ngậm đồng tiền vàng vào đêm giao thừa với mong muốn giàu sang, phát đạt. Còn ở miền Tây, nam giới chưa vợ sẽ vào rừng tìm cây tầm gửi từ chiều và mang về nhà. Ai tìm thấy đầu tiên sẽ được phong là "Vua tầm gửi", có quyền ôm hôn những cô gái đẹp đi ngang qua nhà mình trong suốt ngày mùng 1.

Đêm giao thừa ở Pháp được gọi là đêm Thánh Sylvestre. Người Pháp sẽ tổ chức bữa tiệc thịnh soạn và mời người thân bạn bè đến dự, cùng gia đình quây quần ăn uống, chúc tụng lẫn nhau. Họ sẽ uống rượu say sưa đến hết ngày 3 Tết với quan niệm phải uống cạn hết số rượu mà mình có mới mang lại may mắn, vạn sự như ý.
Thái Lan
Nằm ngay cạnh Việt Nam, Thái Lan ăn Tết dương lịch và chỉ coi Tết âm lịch là một ngày lễ mang tính truyền thống tôn giáo. Vào Tết dương, họ được nghỉ 5 ngày và bắt đầu lục tục về quê đón Tết.

Những người dân coi Tết dương là dịp xum họp gia đình, chúc tụng, tặng quà lẫn nhau. Vào dịp đầu năm, họ sẽ đi chùa, tặng tiền, quà cho các nhà sư với niềm tin rằng những gì họ cho sẽ sẽ trở về với mình nhiều hơn trong tương lai. Đặc biệt, hầu hết hàng quán ở Thái đều đóng cửa vào ngày Tết, trừ những nơi phục vụ khách du lịch nên hãy cân nhắc nếu muốn đến Thái trong thời điểm này.