Lễ hội Nghinh Ông được xem là một lễ hội truyền thống của ngư dân vùng biển huyện Trần Đề (Sóc Trăng).
Lễ hội có ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, biển lặng, gió hòa, ngư dân hành nghề trên biển đánh bắt được nhiều tôm cá.
Theo lời kể của ngư dân địa phương, lễ Nghinh Ông có từ năm 1955. Lúc bấy giờ, khi phát hiện một xác cá Ông (cá voi) trôi dạt tại bờ biển Bãi Giá, xã Trung Bình (Trần Đề, Sóc Trăng), người dân đã vớt xác cá Ông vào bờ chôn cất và lập miếu thờ cúng bằng tre lá đơn sơ. Ngư dân làng này làm ăn phát đạt nhanh chóng, họ đã di dời “lăng Ông” về thị trấn Trần Đề (Trần Đề, Sóc Trăng). Và lấy ngày 21 - 23.3 âm lịch hàng năm để tổ chức lễ Nghinh Ông. Hiện nay, Lăng Ông Nam Hải đã cất giữ hơn 8 bộ xương cá Ông lớn nhỏ.
Vào ngày hội, các ghe thuyền được trang hoàng lộng lẫy cùng các vật cúng như heo quay, trái cây, nhang, đèn, xôi, gà... tập trung ra cửa biển làm lễ rước Ông vào.
Sau khi cúng vái xong, đại diện Đoàn nghi lễ sẽ xin keo, xin thành công có nghĩa là Ông đã chứng cho tấm lòng thành của ngư dân. Thuyền chính sẽ phát tín hiệu để các thuyền khác cùng quay vào bờ.
Đến bờ, Đoàn nghi lễ sẽ diễu hành và hầu Ông về Lăng. Đoàn sẽ thực hiện các nghi thức rước Ông vào lăng với phần nghi lễ: nhạc lễ, múa lân và dâng lên Ông những sản vật mà ngư dân đã thu hoạch được.
Phần Hội cũng diễn ra rất sôi nổi và đầy hấp dẫn thu hút đông đảo mọi người tham gia với những trò chơi dân gian, thi đấu thể thao như: kéo co, bóng chuyền, bi sắt…
Vào các buổi tối ở Lăng Ông còn tổ chức hát bội, đờn ca tài tử phục vụ các nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân và du khách.
Kết thúc Lễ hội là cảnh đưa đoàn tàu thuyền ra khơi trong niềm hân hoan của ngư dân địa phương và du khách.
Năm 2019, Lễ hội Nghinh Ông tại huyện Trần Đề được công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia.
Ngoài ra, đến với Trần Đề du khách còn được tham quan Cảng cá Trần Đề, lên tàu cao tốc đi Côn Đảo hay thưởng thức những đặc sản của địa phương và mua những hải sản tươi sống, hay những loại khô đặc trưng miền biển về làm quà cho gia đình và người thân.