Những ngày đầu năm, hàng vạn du khách từ khắp nơi tìm về chùa Khai Nguyên ở thôn Tây Ninh (Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nội) để vãn cảnh, dâng lễ cầu bình an và chiêm ngưỡng tượng Phật cao 72m, trái tim ngọc nặng 1 tấn.
Ngôi chùa nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km. Chùa còn được gọi là Cổ Liêu Tự. Theo lịch sử bia ký, ngôi chùa này được xây dựng từ nửa đầu thế kỷ 16. Qua nhiều thế kỷ, chùa Khai Nguyên xuống cấp trầm trọng và gần như trở thành phế tích.
Năm 2003, được sự đồng thuận của người dân và các cấp chính quyền, đại đức Thích Đạo Thịnh về trông nom và từ đó tu bổ, cải tạo, xây dựng lại chùa Khai Nguyên để đáp ứng nhu cầu tu học của tăng ni, cũng như tín đồ phật tử, du khách thập phương.
Đầu năm 2015, chùa Khai Nguyên khởi công xây dựng bức Đại tượng Phật A Di Đà nguyện cầu quốc thái dân an thế giới hoà bình. Pho đại tượng cao khoảng 72m (được ghi nhận là pho tượng Phật dáng ngồi cao bậc nhất Đông Nam Á), phần đế rộng hơn 1.200m2, được xử lý bằng công nghệ ép cọc bê tông dự ứng lực nên rất vững chắc.
Bên trong pho đại tượng Phật gồm 13 tầng, trong đó 12 tầng được bố trí cho khách tham quan thờ Bồ Tát và tầng âm được xây dựng thành lục đạo luân hồi gồm nhiều cõi như a tu la, địa ngục, quỷ ngã...
Đặc biệt, tầng 12 là nơi an trí và tôn thờ trái tim của Đức Phật A Di Đà, được tạc bằng chất liệu ngọc bích Nephrite Canada nguyên khối, có trọng lượng hơn một tấn. Đây được xem là một trong những kiệt tác linh thiêng và nổi bật nhất của đại tượng. Nhiều du khách và Phật tử không ngại mệt nhọc, leo bộ 12 tầng để tận mắt chiêm ngưỡng trái tim ngọc, cầu mong bình an, may mắn.
Chùa Khai Nguyên còn thu hút du khách bởi lối kiến trúc độc đáo, giữ được nhiều nét cổ kính đặc trưng. Trong điện Tam bảo của chùa được bài trí 1975 pho tượng Phật lớn nhỏ. Tất cả tượng đều do tăng ni phật tử công đức vào chùa.
Tết Nguyên đán Quý Mão, nhà chùa tổ chức lễ hội hoa nhằm tạo ra một không gian tâm linh trang nghiêm, rực rỡ sắc màu đón chào du khách, phật tử tới chiêm bái lễ Phật, cầu nguyện năm mới an lành, hạnh phúc. Lễ hội bắt đầu diễn ra từ ngày mùng 4 Tết và được duy trì cảnh quan đến hết tháng Giêng Âm lịch.