Lễ hội đèn lồng kỷ niệm ngày trăng tròn đầu tiên của năm, đánh dấu sự ra đi của mùa đông và bắt đầu mùa xuân. Vào ngày này, mọi người thắp đèn lồng để xua đuổi bóng tối và mang lại hy vọng cho năm tới.
Người ta nói rằng truyền thống này đã trở nên phổ biến vào thời nhà Hán của Trung Quốc khoảng 2.000 năm trước. Theo đó, người tham gia sẽ đến hội chợ địa phương để chiêm ngưỡng pháo hoa, xem các chương trình biểu diễn, ngắm đèn lồng rực rỡ và giải các câu đố được viết trên những tờ note nhỏ xinh.
Ngày trước, Tết Nguyên tiêu là một trong những dịp hiếm hoi trong năm trai gái chưa vợ chưa chồng được gặp nhau, dưới ánh đèn lồng lung linh. Đó là lý do tại sao một số người thậm chí còn gọi nó là Ngày Valentine của Trung Quốc.
Ngày nay, Lễ hội đèn lồng được tổ chức trong nhiều lễ kỷ niệm khác nhau. Phủ Điền ở tỉnh Phúc Kiến tổ chức Lễ hội Đèn lồng dài nhất Trung Quốc, nhiều người còn cho rằng nó quan trọng hơn lễ hội Tết Nguyên đán thực sự. Theo đó, lễ hội kéo dài gần ba tuần và bao gồm một cuộc diễu hành của các vị thần, nhảy hố lửa và nhiều buổi diễn sân khấu truyền thống.
Ở Malaysia, Lễ hội đèn lồng được tổ chức như một lễ hội mai mối. Phụ nữ độc thân thường tung quýt xuống sông, hồ để cầu mong một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Họ viết thông tin liên lạc lên những quả quýt trước khi ném chúng xuống sông. Sau đó, những người đàn ông câu quýt lên, hy vọng sẽ gặp được bạn đời tương lai của họ.
Ở Hàn Quốc, trong lễ Nguyên tiêu, người ta thường uống một ly rượu gạo ướp lạnh và ăn các loại hạt, ngũ cốc. Ngoài việc thắp đèn lồng, một số người còn đi bộ đường dài và đốt lửa trại.