Tục báo hiếu cha mẹ vợ dịp rằm tháng 7 của người Nùng, Tày

LÝ VIẾT TRƯỜNG |

Trong quan niệm của người Nùng, Tày, tết tháng 7 là cái Tết lớn thứ hai trong năm, ẩn chứa những điều thú vị liên quan đến đời sống tinh thần của người dân.

Tết tháng 7 là dịp cúng tổ tiên

Trong sách Dân tộc Nùng ở Việt Nam (Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành, năm 1992), GS.TS Hoàng Nam mô tả: Ngày tết lớn thứ hai trong năm đối với người Nùng là ngày 14.7 âm lịch. Đồng bào có câu “Bươn chiêng vằn so ất/ Bươn chất vằn slíp slí”, với ý nghĩa là tháng giêng có tết Nguyên đán là ngày quan trọng nhất, ngày 14 là quan trọng nhất trong dịp tết tháng Bảy. Đây là dịp cúng những vong hồn đã đủ thời gian quy tiên lên bàn thờ tổ tiên, đồng thời cúng những cô hồn không nơi nương tựa.

Mâm cúng tết tháng Bảy của người Nùng. Ảnh: LVT
Mâm cúng tết tháng 7 của người Nùng. Ảnh: LVT

Tết tháng 7 là dịp báo hiếu cha mẹ và sư phụ

Về tục lệ báo hiếu cha mẹ vợ, trong tập tản văn Tháng Giêng một vòng dao quắm (Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành, năm 2009), nhà thơ Y Phương cho biết: Dịp tết tháng Bảy các chàng rể phải sắm đôi vịt béo để mang đến nhà, biếu ông bà ngoại. Gọi là “pây tái”, nghĩa là đi lễ bố mẹ vợ.

Phần nói về văn hóa tín ngưỡng của người Nùng, Tày trong sách Tín ngưỡng và lễ hội cổ truyền Việt Nam (Nhà xuất bản Tri thức ấn hành, năm 2018), G.TS Ngô Đức Thịnh viết: Một số nơi, cùng với dịp 14.7, còn có tục “pay tái”, tức về ăn tết bên ngoại. Trong ngày này, vợ chồng con cái mang bánh trái, vịt sống về ăn tết bên ngoại. Phải chăng tục cúng vong hồn và tục về bên ngoại có một mối liên hệ nào đó trong quan niệm âm dương, nói cách khác đó là ngày con người hướng về bên âm, trong quan niệm âm dương hòa hợp.

Trong công trình Từ điển văn hóa Then (Nhà xuất bản Thế giới ấn hành, năm 2021), các tác giả Hoàng Việt Bình – Lý Viết Trường cho biết: Xã hội Nùng, Tày tồn tại những người hành nghề tín ngưỡng là Tào, Then, Mo, Pựt; trong dịp tết tháng Bảy, đệ tử sẽ mang theo lễ vật là vịt, bánh kẹo, hoa quả, rượu… để sêu tết sư phụ. Cùng với đó những người con nuôi (lục ký, lục cầu) cũng mang lễ vật đến sêu tết thầy cúng, lễ vật tùy tâm thường có con vịt, bánh gai và chai rượu. Ở đây “lục ký, lục cầu” là những đứa trẻ sinh ra mà vía mỏng mệnh yếu, gia đình sẽ phải đến ký gửi chỗ thầy Then, Tào để nhờ các thầy trông coi.

Tết tháng 7 là lễ nghi gắn với nông nghiệp

Sách Phong tục và lễ hội của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn (Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành, năm 2020), tác giả Lý Viết Trường cho biết: Theo lịch tiết khí thì tết này diễn ra vào khí tiết “xử thử”, đây là lúc người Tày, Nùng đã bước qua thời điểm vất vả nhất của một năm sản xuất nông nghiệp; cỏ lúa đã làm xong, cây cối, mùa màng đang phát triển mạnh mẽ. Người Tày, Nùng có câu “Bươn chiêng kin dau hì / Slíp sli kin hôn nhùng” (tháng giêng ăn tết trong nỗi lo/Tháng bảy ăn tết người nhẹ nhõm), để nói về sự thảnh thơi của ngày tết “slíp sli” so với tết Nguyên đán. Trong ngày tết này, người Tày, Nùng sắm sửa lễ vật để cúng tổ tiên cầu mong tổ tiên phù hộ cho cây lúa tốt tươi, mùa màng bội thu.

Ngoài ra trong dịp này dân bản còn thực hiện cúng thần Thổ công tại miếu, với ý cầu mong Thổ công sẽ phù hộ cho cây lúa tốt tươi, mùa màng bội thu và bảo vệ cho bản, còn tránh khỏi sự quấy nhiễu ma quỷ…

Bánh gai trong Tết tháng 7 của người Tày. Ảnh:  Xâu Xì
Bánh gai trong Tết tháng 7 của người Tày. Ảnh:  Xâu Xì
Bánh gai trong Tết tháng 7 của người Tày. Ảnh: Xâu Xì

Tết tháng 7 gắn với lịch sử

Nhà thơ Y Phương cho biết theo dân gian Tày, Nùng truyền lại, tết tháng Bảy là dịp để tưởng nhớ những chiến binh đã bỏ mình để bảo vệ sự yên bình cho nhân dân các dân tộc vùng biên ải. Sự kiện này gắn với nhân vật Nùng Trí Cao, một thủ lĩnh người Nùng sống vào thế kỷ XI. Hiện nay tại Bản Ngần, cách thành phố Cao Bằng 3km về phía Bắc vẫn còn đền thờ vị anh hùng này.

Hình ảnh bánh dậm, một lễ vật quan trọng trong tết tháng Bảy của người Tày, Nùng làm thành cặp gắn liền với cuộc chiến bảo vệ biên giới của Nùng Trí Cao. Dân gian cho rằng vì điều kiện khó khăn nên làm bánh thành cặp để tiện mang theo khi hành quân đánh giặc.

LÝ VIẾT TRƯỜNG
TIN LIÊN QUAN

Người dân Châu Á đón Rằm tháng 7 thế nào?

Nhật Hạ |

Rằm tháng 7 hay còn gọi là Vu Lan năm nay rơi vào ngày 12.8. Người dân Châu Á tổ chức nhiều lễ hội lớn nhỏ để cầu phúc, cầu bình an.

Một số việc nên làm trong ngày Vu Lan

Lý Viết Trường |

Vu Lan báo hiếu là nghi lễ xuất phát từ quan niệm của Phật giáo, với những quan niệm về báo hiếu được thực hành tại gia và nhà chùa.

Tục lệ, mâm lễ và một số lưu ý khi cúng rằm tháng 7

LÝ VIẾT TRƯỜNG |

Các chuyên gia cho rằng việc cúng cô hồn ngày rằm tháng 7 chỉ nên thực hiện đơn giản, đúng theo phong tục dân gian là được.

5 ngôi chùa ở Hà Nội nên đến trong tháng Vu Lan

Chí Long |

Hà Nội có rất nhiều đền, chùa, điểm du lịch tâm linh nổi tiếng để du khách đến tham quan, nhân dịp lễ Vu Lan.