Vẻ đẹp của những ngôi nhà trình tường ở Lạng Sơn

LÝ VIẾT TRƯỜNG |

LẠNG SƠN- Những ngôi nhà trình tường của người Nùng, Tày ở huyện Lộc Bình được xây dựng từ những nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên.

Ngôi nhà thân thiện với môi trường

Lộc Bình là một huyện biên giới của tỉnh Lạng Sơn, có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài 15km. Tính đến nay huyện có khoảng 85.000 người, trong đó chủ yếu là các dân tộc Nùng, Tày và một số ít người Dao… Đây là mảnh đất lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa, trong đó nhà trình tường là một khía cạnh văn hóa nổi bật của vùng đất này.

Ông Nguyễn Đặng Ân – Bí thư Huyện ủy huyện Lộc Bình cho biết: Theo phong tục của người Tày – Nùng, con trai lớn khi ra ở riêng sẽ được gia đình làm cho một ngôi nhà trình tường. Quy trình làm nhà bắt đầu từ việc chuẩn bị nguyên liệu, xem ngày lành tháng tốt để động thổ, xem hướng nhà, tiếp đó là làm móng, trình tường, hệ thống cửa, cầu thang, sàn gác, làm mái và lợp ngói…

Nhà trình tường nhìn từ trên cao. Ảnh: Thuận Bùi
Nhà trình tường nhìn từ trên cao. Ảnh: Thuận Bùi
Nhà trình tường nhìn từ trên cao. Ảnh: Thuận Bùi

Nhà trình tường được làm hoàn toàn từ các nguyên liệu tự nhiên: Tường làm từ đất sét, thanh tre; ngói được làm từ đất sét, nung bằng củi. Ngôi nhà trình tường có điểm nổi bật là tường dày, nhà cao (1 tầng hoặc 2 tầng), nhà rộng nên có thể: Cản được gió mùa đông bắc, tạo sự ấm áp; cản được ánh nắng, hơi nóng lùa vào nhà, tạo sự mát mẻ.

Móng nhà sâu khoảng 50cm, xếp đá với đất sét, tro, vôi và mật mía để tạo độ liên kết. Tường được trình bằng khuôn, độ dày tường thường khoảng 30-40cm, trong mỗi khuôn đều để 2 cây gỗ song song làm xương cho tường không bị nứt. Bộ nóc mái được làm từ gỗ và tre đã qua thời gian ngâm nước, ngói âm dương được làm từ đất sét nung.

Ngôi nhà có thể chia thành 3-4 gian, trong đó gian chính (choòng cai/ chang cai) là nơi quan trọng nhất, được dùng để đặt bàn thờ gia tiên. Trước gian chính có gian ngoài, được dùng để tiếp khách; sau gian chính là gian buồng, chia thành nhiều căn, mỗi căn là nơi ngủ của các thành viên trong gia đình; phía bên trái của gian chính là gian bếp.

Một góc nhà trình tường. Ảnh: Lưu Minh Dân
Một góc nhà trình tường. Ảnh: Lưu Minh Dân


Ngôi nhà tạo sự cố kết cộng đồng

Tục lệ người Tày, Nùng ở Lộc Bình quan niệm, việc làm nhà là trách nhiệm của không chỉ gia chủ mà là việc chung của họ hàng, hàng xóm. Vậy nên khi trong họ, trong xóm có người làm nhà, mọi người đều có trách nhiệm giúp đỡ nguyên, vật liệu, ngày công. Để làm được một ngôi nhà trình tường 2 tầng, từ khâu chuẩn bị đến khi hoàn thành phải mất vài tháng đến nửa năm. Trong suốt thời gian này cộng đồng đến giúp với tinh thần vô tư, gia chủ chỉ cần làm cơm mời mà không cần trả công. Bữa cơm cũng đơn giản, chỉ có rau xanh, cá mắm và chút rượu…

Nghi lễ vào nhà mới là sự kiện đánh dấu ngôi nhà trình tường đã được hoàn thành, đồng thời theo ông Nguyễn Đặng Ân, bữa tiệc này còn mang ý nghĩa tỏ sự biết ơn những người đã bỏ công sức ra giúp chủ nhà trong thời gian dựng nhà. Buổi lễ này cũng là dịp để mọi người hát những làn điệu dân ca truyền thống như sli, lượn… với mục đích mừng nhà mới, chúc gia chủ làm ăn phát đạt.

Nhà trình tường nhìn từ phía trước. Ảnh: Lưu Minh Dân
Nhà trình tường nhìn từ phía trước. Ảnh: Lưu Minh Dân

Hiện nay cùng với xu thế phát triển của kinh tế - xã hội, đời sống của người dân Lộc Bình ngày càng phát triển. Cùng với sự biến đổi đó đời sống văn hóa người dân cũng đang thay đổi từng ngày, nhà trình tường cũng đang mai một dần, thay vào đó là những ngôi nhà bê tông kiên cố.

Đứng trước những thách thức của sự mai một của nhà trình tường, theo ông Nguyễn Đặng Ân việc bảo tồn cần phải do người dân là chính, bên cạnh đó là sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan quản lý, nhà chuyên môn… Cần phải gắn bảo tồn với phát triển, xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng để người dân được hưởng lợi từ chính di sản của mình.

 
 
Những sinh hoạt đời thường. Ảnh: Lưu Minh Dân
LÝ VIẾT TRƯỜNG
TIN LIÊN QUAN

Tục báo hiếu cha mẹ vợ dịp rằm tháng 7 của người Nùng, Tày

LÝ VIẾT TRƯỜNG |

Trong quan niệm của người Nùng, Tày, tết tháng 7 là cái Tết lớn thứ hai trong năm, ẩn chứa những điều thú vị liên quan đến đời sống tinh thần của người dân.

Lạng Sơn xây dựng hệ thống biển chỉ dẫn du lịch

Hữu Sơn |

Hệ thống biển chỉ dẫn du lịch vừa thuận tiện cho du khách, vừa thể hiện sự chuyên nghiệp trong cách làm du lịch của Lạng Sơn.

Đầu Xuân đi trẩy hội Lồng Tồng của dân tộc Tày ở Hà Giang

Kiều Toan |

Hà Giang là một trong những nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Tày. Dưới những nếp nhà sàn mái cọ, người Tày nơi đây vẫn còn giữ được những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc. Những ngày đầu năm mới, hội Lồng Tồng chính là một lễ hội cổ truyền lớn nhất được cộng đồng dân tộc Tày tổ chức với không khí nhộn nhịp và mang đậm chất núi rừng.