Thái Bá Lợi - một nhà văn "của Đà Nẵng mình"

Thanh Thảo |

Tôi mê văn xuôi Thái Bá Lợi vì nhiều khi nó không văn xuôi lắm. Tôi không nói nó là thơ hay là gì, chỉ biết, từng câu văn anh nhà văn này viết ra hình như đã được anh “nấu chín” trong đầu từ trước.

Chỉ vậy thôi. Còn hồi ở Trại sáng tác quân khu Năm đó, mỗi khi hai chúng tôi đi với nhau thì toàn bàn chuyện làm sao kiếm tiền uống rượu với bạn bè. Có lúc, trộm vía bác Nguyễn Chí Trung Trại trưởng, hai chúng tôi cùng vài ba bạn nhậu đã khiêng cả chiếc bàn bằng sắt của Mỹ để lại, kiểu bàn làm việc “rất dài và rất to”, rất nặng, mang đi…bán.

“Đầu ra” đã có người bạn lo, thậm chí, anh bạn còn ứng trước 80 đồng để mấy anh em liên hoan rượu tây hẳn hoi. Thì cũng là “chiến lợi phẩm” Mỹ để lại thôi mà, anh em chúng tôi quen cách ở chiến trường, ngồi đâu chả viết được, cần chi bàn sắt to nặng kềnh càng.

Rượu vào lời ra, không phải chuyện văn chương, nhưng cứ nói đủ chuyện bá láp linh tinh, chúng tôi lại học được từ nhau khá nhiều. Chúng tôi là những anh chàng, hồi ấy còn trẻ, rất ham vui. Thêm một anh bạn thi sĩ từ trong thành là Vũ Hữu Định lại “siêu ham vui”, nên hay bày đủ chuyện, vui tới mức, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ Huế cũng thích quá, thường bắt xe đò vào Đà Nẵng nhậu vui với chúng tôi.

“Giàu vì bạn”, câu ấy rất chân lý. Còn “nợ vì bạn” cũng chân lý luôn. Có lần, anh Trịnh Công Sơn vào Đà Nẵng với chúng tôi lúc đã gần 9 giờ đêm. Gặp rủi, đêm đó chúng tôi hết tiền, nhưng gặp may, tôi với Lợi biết tủ lạnh của cơ quan ở 10 Lý Tự Trọng có thịt heo dự trữ, hai chúng tôi bèn tới cơ quan. Lợi gác ngoài hàng rào, còn tôi leo rào vào “khoắng” vài miếng thịt heo của cơ quan, mang về xào xào nấu nấu thành mồi nhậu đãi anh Trịnh Công Sơn. Rượu thuốc mua chịu bà bán rượu gần nhà, rất ổn.

Cứ như thế, mấy năm ở Trại sáng tác Đà Nẵng, Thái Bá Lợi viết được cả truyện vừa lẫn tiếu thuyết gây được tiếng vang. Hồi đó, nói “vang” là vang trái chiều, không êm như vang Pháp hay vang Chile bây giờ. Với Trại trưởng anh minh Nguyễn Chí Trung, chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính. Còn ba cái lẻ tẻ như nhậu nhẹt vui chơi, không tính. Tôi đặc biệt biết ơn anh Nguyễn Chí Trung vì sự hào hiệp này.

Có một tiểu thuyết ngắn viết về Đà Nẵng của Thái Bá Lợi, mà theo tôi, nó đã khiến Đà Nẵng có dáng dấp một “Thành phố đáng sống” ngay từ ngày ấy. Đó là tiểu thuyết “Bán đảo” dày chưa tới 200 trang. Những nhân vật trong tiểu thuyết của Lợi rất nghèo. Nghèo mà vui, rất ân tình, và hào hiệp. Những phẩm chất sau này đã đưa Đà Nẵng chính thức lên hàng “Thành phố đáng sống”.

Và đó là thời của “Câu chuyện Đà Nẵng”, một tiểu thuyết viết về một nhân vật có công rất lớn với Đà Nẵng, được viết sau khi nhân vật ấy qua đời. Cái chết của ông đã gây chấn động tâm hồn người Đà Nẵng. Dĩ nhiên, chấn động tâm hồn người sẽ viết một tiểu thuyết về Đà Nẵng và về nhân vật này. Nhưng đã nói tiểu thuyết, thì đó là câu chuyện của rất nhiều người, nhiều nhân vật, nhiều hoàn cảnh, và đủ những “hỉ nộ ái ố ai lạc”, những thăng trầm của những phận người, những được mất của cả một thành phố đang thay hình đổi vóc.

Trong tiểu thuyết của Thái Bá Lợi, nhân vật chính bao giờ cũng là những thường dân, là nhân dân, là bạn bè hay đồng đội của tác giả. Chính những nhân vật “phó thường thường” ấy tạo nên sự gần gũi, tạo nên cảm xúc cho tác phẩm, dù tác giả luôn giữ cho mình một giọng điệu bình tĩnh, không sướt mướt.

Cách đây ít lâu, một số vị trí thức ở ta đã khen Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer vì ông này đã có công xây cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng, cây cầu mang tên ông, về sau đổi thành cầu Long Biên.

Đúng là cầu Long Biên là cây cầu dài nhất ở Việt Nam vào thời Toàn quyền Paul Doumer, nhưng khi tôi đọc trong từ điển mở Wikipedia về vị Toàn quyền thực dân này, tôi đã chóng cả mặt vì được biết:

“Dưới thời cai trị của ông, Đông Dương lần đầu tiên trở thành thuộc địa tạo ra lợi nhuận cung ứng cho Pháp chứ không cần rót tiền sang đầu tư, nhưng cái giá phải trả chính là sự đau khổ của người Việt Nam, khi mà Doumer đã tăng cường đánh thuế, bóc lột triệt để các nguồn lực ở thuộc địa để lấy đó làm lợi nhuận cho chính quốc Pháp.”( Mục Paul Doumer-Wikipedia nguồn mở).

Nói thêm, có một thời, trước khi đi chiến trường vài năm, hàng ngày tôi đều có dịp đi bộ hoặc đi xe đạp qua cầu Long Biên. Cây cầu già nua này đã nằm trong ký ức của tôi, và ở tận chiến trường Nam Bộ, tôi vẫn luôn nhớ về nó như nhớ một người thân của mình.

Khi xây cầu Long Biên, dĩ nhiên ông Paul Doumer có mục đích cho dân thuộc địa Việt đi qua lại, nhưng rõ ràng ông ta còn thêm nhiều mục đích khác, trong đó có không ít mục đích chẳng hề mang lợi ích cho dân Việt Nam.

Ngược lại, khi ông Nguyễn Bá Thanh chủ trương xây cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn, thì chỉ có một một mục đích duy nhất là cho dân đi. Nhưng ông và những cộng sự của mình đã chịu rất nhiều thăng trầm, mệt mỏi, điều tiếng, thậm chí, nhà thầu chính bị bắt đi tù khi cầu vừa khánh thành.

So với ông Paul Doumer xây cầu Long Biên, thì ông Nguyễn Bá Thanh vất vả hơn nhiều. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì có 8 cây cầu bắc qua thủ đô Buda Pest của Hungary, nó làm nên điểm nhấn tuyệt vời cho thủ đô này.

Đà Nẵng có 9 cây cầu bắc qua sông Hàn. Khi người xây cầu ấy qua đời, Thái Bá Lợi đã viết về người xây cầu, viết về Đà Nẵng như viết một câu chuyện cổ tích mới. Anh đã gắn bó với Đà Nẵng không chỉ những lúc vui, mà có nhiều lúc rất buồn, rồi tự mình lại noi theo thành phố, gượng dậy, đứng lên, lấy năng lượng từ chính thành phố, từ chính mình, từ chính những con người Đà Nẵng mà anh đã thân thiết qua rất nhiều năm để viết tiếp những tác phẩm.

Nếu ông Nguyễn Bá Thanh hay thích ngồi đánh cờ với anh em xích lô, xe ôm Đà Nẵng, thì Thái Bá Lợi lại thích la cà nhậu nhẹt với “thưa các bác nhân dân”, đủ thành phần nhân dân Đà Nẵng.

Thế nên, chỉ trong những tác phẩm viết về Đà Nẵng của Thái Bá Lợi, người đọc mới gặp trực tiếp những người Đà Nẵng dân dã, bình dị, lam lũ và nghĩa hiệp, như chính thành phố những tháng năm nghèo cực. Anh đã là một nhà văn Đà Nẵng, theo tôi, không thể thay thế. Nói theo cách người Đà Nẵng, thì Thái Bá Lợi đã là nhà văn “của Đà Nẵng mình”.

Tôi mê văn xuôi Thái Bá Lợi vì nhiều khi nó không văn xuôi lắm. Tôi không nói nó là thơ hay là gì, chỉ biết, từng câu văn anh nhà văn này viết ra hình như đã được anh “nấu chín” trong đầu từ trước. 

Thanh Thảo
TIN LIÊN QUAN

Nữ phi công 19 tuổi Zara Rutherford đáp chuyến bay lịch sử ở Seoul

Hải Ngọc (Theo CNN) |

Nữ phi công tuổi teen Rutherford đã hạ cánh xuống Hàn Quốc, là điểm dừng chân đầu tiên của cô tại châu Á trong hành trình dài hơn 51.000km.

Khi "đại sứ du lịch" nước ngoài làm YouTube quảng bá hình ảnh Việt Nam

Hải Minh |

CeeJay, Cheri Hyeri hay Vietnam Meets Dustin đều là những YouTuber du lịch quen thuộc đối với cộng đồng mạng Việt Nam trong những năm gần đây.

Gặp Leader 9x "đa di năng" của cộng đồng phượt

Phương Thảo |

Mang trong mình một tuổi trẻ nhiệt huyết và đam mê khám phá, chàng thanh niên trẻ 25 tuổi Nguyễn Thành Luân (Sóc Sơn, Hà Nội) đã thực hiện nhiều chuyến phượt xuyên Việt để thỏa mãn niềm đam mê của mình.

Giới trẻ Việt và giấc mơ du lịch khi hết dịch COVID-19

Mai Hương |

Từ khi dịch COVID-19 quay trở lại, nhiều bạn trẻ cảm thấy bí bách vì không được đi du lịch. Cùng Vivu247 lắng nghe câu trả lời của một số bạn trẻ gì khi được hỏi: "Nếu hết dịch, bạn sẽ đi đâu?"

Nữ phi công 19 tuổi Zara Rutherford đáp chuyến bay lịch sử ở Seoul

Hải Ngọc (Theo CNN) |

Nữ phi công tuổi teen Rutherford đã hạ cánh xuống Hàn Quốc, là điểm dừng chân đầu tiên của cô tại châu Á trong hành trình dài hơn 51.000km.

Khi "đại sứ du lịch" nước ngoài làm YouTube quảng bá hình ảnh Việt Nam

Hải Minh |

CeeJay, Cheri Hyeri hay Vietnam Meets Dustin đều là những YouTuber du lịch quen thuộc đối với cộng đồng mạng Việt Nam trong những năm gần đây.

Gặp Leader 9x "đa di năng" của cộng đồng phượt

Phương Thảo |

Mang trong mình một tuổi trẻ nhiệt huyết và đam mê khám phá, chàng thanh niên trẻ 25 tuổi Nguyễn Thành Luân (Sóc Sơn, Hà Nội) đã thực hiện nhiều chuyến phượt xuyên Việt để thỏa mãn niềm đam mê của mình.

Giới trẻ Việt và giấc mơ du lịch khi hết dịch COVID-19

Mai Hương |

Từ khi dịch COVID-19 quay trở lại, nhiều bạn trẻ cảm thấy bí bách vì không được đi du lịch. Cùng Vivu247 lắng nghe câu trả lời của một số bạn trẻ gì khi được hỏi: "Nếu hết dịch, bạn sẽ đi đâu?"