5 định hướng phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam trong tình hình mới

Tâm An |

Sáng 1.4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và Tổng cục Du lịch đã tổ chức diễn đàn du lịch với chủ đề " Phục hồi du lịch Việt Nam: Định hướng mới - Hành động mới".

Tham dự diễn đàn có các lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Na, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và các doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí...

Nội dung Diễn đàn cho biết: Từ ngày 15/3/2022, Việt Nam đã mở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Tuy nhiên, sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc phục hồi cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm, dịch vụ, nguồn nhân lực trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đòi hỏi sự nỗ lực, thời gian cũng như sự đầu tư lớn của toàn ngành.

Tại phiên có chủ đề “Định hướng mới”, các đại biểu đã trao đổi, gợi mở các định hướng mới quan trọng, xây dựng chính sách đột phá nhằm đẩy nhanh sự phục hồi của du lịch Việt Nam.

Định hướng cho phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng cần tập trung vào 5 vấn đề gồm:

Trước mắt, ngành du lịch tập trung khai thác các thị trường truyền thống, các thị trường đã phục hồi kết nối hàng không và khôi phục chính sách visa như trước đại dịch.

Ngoài các sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là những sản phẩm được ưa chuộng trong bối cảnh dịch bệnh, thì Việt Nam phát triển mới hoặc đẩy mạnh khai thác các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc, phục hồi sức khỏe.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu chỉ đạo diễn đàn (Ảnh: TITC)
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu chỉ đạo diễn đàn (Ảnh: TITC)
Định hướng xúc tiến, quảng bá du lịch, các cơ quan liên quan, doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đưa thông tin thị trường du lịch và chủ trương chính sách liên quan của chính phủ Việt Nam; các doanh nghiệp đến với du khách thế giới.

Về định hướng chuyển đổi số trong ngành du lịch, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngành du lịch cần tiếp tục thực hiện chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để phục hồi du lịch trong bối cảnh đại dịch.

Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn nhân lực, cần tăng cường tuyển dụng, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực để đảm bảo đủ số lượng và chất lượng đáp ứng được yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới; Chú trọng đào tạo và nâng cao kỹ năng nghề du lịch cho người lao động; Tăng cường ứng dụng công nghệ và tự động hóa trong việc cung cấp các dịch vụ và phục vụ khách du lịch; Có chính sách và chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho người lao động trong ngành.

Ngoài ra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính... cũng cho biết, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ đang được triển khai với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó có du lịch. Trong Chương trình đã cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch để tăng cường công tác xúc tiến quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch.

Về cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính và thuế, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam kiến nghị cần giảm tiền thuê đất đối với đất không lưu và đất cảnh quan sinh thái trong các khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch; kéo dài thời gian giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% và xem xét tiếp tục giảm mức thuế này; thực hiện hoàn thuế VAT ngay tại điểm bán hàng cho khách quốc tế để khuyến khích tăng chi tiêu mua sắm; xem xét đưa doanh nghiệp du lịch vào diện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo VCCI cho biết, kết quả điều tra chọn mẫu doanh nghiệp trên toàn quốc vào Quý 4.2021 của VCCI, bình quân 94% doanh nghiệp trong cả nước cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, nhưng đối với các doanh nghiệp du lịch (trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, lữ hành; dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống) tỷ lệ này lên tới 98,36%, cho thấy mức độ ảnh hưởng đối với doanh nghiệp du lịch là rất nặng nề. Bên cạnh đó, mức độ thụ hưởng của doanh nghiệp đối với một số chính sách hỗ trợ chưa cao, đơn cử như chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ít có tác động vì hầu hết các doanh nghiệp du lịch ngừng hoạt động, không có doanh thu trong 2 năm vừa qua.

Một đại biểu kiến nghị, Nhà nước cần xem xét tăng thời gian miễn thị thực từ 15 ngày hiện nay lên 30 ngày; mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực, thông thoáng như hướng các nước trong khu vực đang thực hiện; tăng cường áp dụng cấp thị thực điện tử để tạo sự thuận lợi, an toàn, chi phí thấp…

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho rằng, các doanh nghiệp cần có hành động mới đối với hệ thống sản phẩm, thị trường khách và chuyển đổi số. Sản phẩm cần đi theo xu hướng thị trường mới như khách đi theo nhóm nhỏ, gia đình, gần gũi thiên nhiên… Do vậy, cần đẩy mạnh các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE. Đẩy mạnh số hóa, triển khai e-marketing trên các nền tảng số.

Trong công tác xúc tiến quảng bá, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội đề nghị cần tổ chức đón ngay các đoàn famtrip của doanh nghiệp lữ hành và báo chí của nước ngoài vào khảo sát và quảng bá thông tin về Việt Nam an toàn, sẵn sàng đón khách quay trở lại. Xác định các điểm đến, sản phẩm mới phù hợp với xu hướng mới (như du lịch xanh) để xúc tiến quảng bá, thu hút khách.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lê Tuấn Anh - Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch cho biết, Quỹ tập trung vào 4 nhiệm vụ chính gồm có: hỗ trợ hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; hỗ trợ nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ truyền thông du lịch trong cộng đồng. Quỹ sẽ phối hợp với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các địa phương, doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ chi tiết cụ thể để triển khai, góp phần phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới.

(Theo Trung tâm thông tin- Tổng cục du lịch)

Tâm An
TIN LIÊN QUAN

Phát triển đường bay châu Á, cơ hội cho ngành hàng không và du lịch Đà Nẵng

THUỲ TRANG - THANH CHUNG |

Ngày 2.4, UBND TP.Đà Nẵng đã có cuộc họp bàn kế hoạch tổ chức Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á 2022 từ vấn đề an ninh đến y tế để đảm bảo việc đón hơn 500 đại biểu của các hãng hàng không, sân bay, đơn vị lữ hành quốc tế trong tháng 6 sắp tới.

Travel to Korea, Begins Again - Du lịch Hàn Quốc, bắt đầu trở lại !

Thanh Hương |

Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam (KTO) sẽ giới thiệu  nhiều hoạt động, chương trình hấp dẫn khi tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2022, bắt đầu từ ngày 31.3 - 3.4.

“Hòa bình”, “xanh hóa”, “số hóa” và “kết nối” từ khóa mới của du lịch

Thanh Hải |

Phát biểu chỉ đạo tại khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2022 Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh tại Hội An, Quảng Nam tối 26.3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra hàng loạt giải pháp để phục hồi, phát triển du lịch. Trong đó, Thủ tướng cũng đã định hướng, du lịch Việt Nam trong năm 2022 tập trung theo các từ khóa chính: “Hòa bình”, “xanh hóa”, “số hóa” và “kết nối”.

Quảng Nam: Khai trương làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú - Gò Nổi

Tường Minh |

Quảng Nam - Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú - Gò Nổi (xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn) chính thức khai trương vào chiều 24.3. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của tuần khai mạc Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022.

Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu sẽ diễn ra từ ngày 14-17.4

NGUYÊN THI |

“Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2022” sẽ có chủ đề “Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ”.