Trong một thông báo về kế hoạch thúc đẩy nhân lực ngành du lịch sau khi đất nước mở cửa biên giới, ông Nash cho hay: "Nhắc đến kế hoạch marketing của chúng tôi, chắc chắn đó là nhắm tới khách du lịch chất lượng cao. Chúng tôi sẽ chào đón khách du lịch ba lô... nhưng không phải những người khoe trên Facebook rằng họ có thể đi khắp đất nước mà chỉ tiêu 10 USD một ngày, ăn mì gói".
Tuy nhiên, định hướng nhắm đến thị trường khách chi trả cao từng gây tranh cãi. Vào năm 2020, ông Nash cho biết đất nước sẽ thu hút khách siêu giàu, những người "bay hạng thương gia hoặc phổ thông cao cấp, thuê trực thăng ngắm cảnh quanh thị trấn Franz Josef và ăn uống nhà hàng đắt tiền".

"Khách chi trả cao thường là những người hủy hoại môi trường nhiều nhất, vì họ có xu hướng lặp lại những chuyến đi xa và ngắn ngày...", ông nói. Trong khi đó, những khách du lịch có ngân sách eo hẹp - thường là du học sinh hoặc khách ba lô - thường lưu lại lâu hơn ở một nước, từ đó đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế địa phương - vị này phân tích. Ông lấy ví dụ, khách đi du thuyền thường có túi tiền rủng rỉnh, song chỉ đóng góp 3% doanh thu từ du lịch.
Thông báo của Bộ trưởng Nash được đưa ra trong bối cảnh ngành du lịch New Zealand đang xây dựng lại nhân sự ngành du lịch và nền kinh tế sau hơn một năm đóng cửa biên giới. Trước COVID-19, thị trường quốc tế đóng góp trực tiếp và gián tiếp tới 9,3% GDP của nước này. Tuy nhiên, du lịch phát triển cũng kéo theo những hệ lụy về môi trường, áp lực lên cơ sở hạ tầng.