Cần có sản phẩm du lịch mới cho khách Trung Quốc, tránh tour giá rẻ

Quỳnh Nga |

Nhận thức của nhiều người Trung Quốc khi đi du lịch Việt Nam là du lịch giá rẻ. Nếu vẫn là những sản phẩm cũ thì khách sẽ chỉ chấp nhận trả giá rẻ, nên cần đưa ra những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn. Đó là ý kiến của bà Ngô Lan Phương - Tổng Giám đốc Công ty CP Lữ hành quốc tế Kim Liên.

Tại Hội nghị Giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, diễn ra sáng 9.1 tại Móng Cái, bà Ngô Lan Phương chia sẻ, để xúc tiến thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam phải có một kế hoạch thật chi tiết.

Trước đây, thị trường du lịch Châu Âu được người Trung Quốc chọn rất nhiều. Tuy nhiên hiện nay, Châu Âu có chính sách kiểm soát gắt gao hơn nên lượng người Trung đi Châu Âu đang chững lại. Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam, nhưng vẫn còn những hạn chế vì hiện Việt Nam không có văn phòng đại diện ở Trung Quốc.

Bản thân Trung Quốc cũng triển khai để hút khách nội địa của họ đến các tỉnh như Cam Túc, Chiết Giang… Tuy nhiên, người Trung Quốc đi du lịch nội địa hiện nay còn đắt hơn đi nước ngoài, do nhiều nước có kế hoạch xúc tiến nhất định để thu hút khách Trung khi họ bắt đầu mở cửa.

Bà Phương nhận định, không như thị trường Châu Âu phải chờ đến 1-2 năm, làm du lịch Trung Quốc chỉ cần có hoạt động xúc tiến là có khách ngay. Phản ứng của khách hàng tại thị trường Trung Quốc nhanh hơn, mang lại doanh thu lớn hơn, vấn đề là làm sao để du lịch Việt Nam có thể chen chân vào đó.

Về việc mời KOL của thị trường Trung Quốc sang quảng bá du lịch Việt Nam, bà Phương cho biết: “Chúng tôi cũng muốn mời KOL của Trung Quốc sang Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm, nhưng chi phí rất lớn. Ví dụ, một KOL tên tuổi sẽ thu phí hàng chục tỉ, chưa kể phải phục vụ, chăm sóc họ kỹ lưỡng. Với chi phí lớn như thế, phải có sự kết nối với những doanh nghiệp lớn.

Mặt khác, việc mời KOL cũng khó vì cần có thời gian book lịch trước. Họ có nhiều lời mời ở cả  trong nước lẫn các nước Châu Âu như Pháp, Thụy Sĩ…”.

Bà Phương cho rằng hiện nay, nhận thức của nhiều người Trung Quốc mặc nhiên nghĩ du lịch Việt Nam là du lịch giá rẻ. Đó là hệ quả của rất nhiều năm quảng bá du lịch Việt Nam giá rẻ.

"Nếu du lịch Việt Nam vẫn giữ những sản phẩm cũ, thì khách sẽ chỉ chấp nhận mức tour giá trị thấp. Do đó, để khách chấp nhận giá cao thì sẽ cần phải thuyết phục, đưa ra những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn" - Bà Phương nhận định.

Trung Quốc là thị trường du lịch lớn. Năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc trên tổng số 18 triệu lượt khách du lịch, chiếm 32% tổng khách quốc tế đến Việt Nam. Với số liệu này, có thể đánh giá Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với du lịch Việt Nam.

Cũng tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho hay, hoạt động du lịch đón khách Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ tại Quảng Ninh trước giờ đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như:

Về hoạt động lữ hành, các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, bị phía Trung Quốc ép giá, doanh nghiệp phải chấp nhận và chỉ đạo Hướng dẫn viên ép khách đến mua thêm tour đến các điểm tham quan, mua sắm ở các điểm bán hàng, gây bức xúc đối với khách du lịch và làm xấu đi hình ảnh của du lịch Việt Nam.  Một số doanh nghiệp có dấu hiệu hoàn thiện và hợp pháp hóa các chứng từ kế toán, hồ sơ đoàn khách theo quy định để chống chế với cơ quan chức năng, đồng thời có dấu hiệu của việc trốn thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp có trụ sở chính đặt ngoài tỉnh Quảng Ninh.

Về hướng dẫn, xuất hiện việc hướng dẫn viên sử dụng Thẻ hướng dẫn giả và hướng dẫn viên không có Thẻ hướng dẫn, đặc biệt vào các ngày cao điểm; Một số hướng dẫn viên khi dẫn đoàn, không tập trung vào chuyên môn hướng dẫn mà tập trung vào các việc bán hàng trên xe ô tô và chèo kéo khách đến các điểm mua hàng;

Về các dịch vụ khác, có dấu hiệu một số khách sạn không thực hiện đầy đủ việc khai báo tạm trú của khách, với mục đích trốn thuế. Một số nhà hàng, đơn vị vận chuyển không thực hiện việc xuất hóa đơn dịch vụ với mục đích trốn thuế, đặc biệt là các cơ sở thực hiện việc cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp lữ hành có trụ sở chính đặt ngoài tỉnh Quảng Ninh, đồng thời có dấu hiệu vi phạm trong việc minh bạch nguồn gốc hàng hóa. Một số cửa hàng đã dùng các phương tiện và hình thức thanh toán qua (máy POS), Wechat pay, Alipay của nước ngoài (không qua cơ quan quản lý theo quy định). Mặt khác, việc bán hàng cho khách tại một số cửa hàng theo hình thức: Điểm bán hàng tại Việt Nam là nơi giới thiệu sản phẩm, còn việc giao hàng được thực hiện tại nước ngoài.

Vì thế, ông Thủy cho rằng, nếu các tồn tại từ hoạt động lữ hành và các hoạt động khác có liên quan tiếp tục diễn ra sẽ có tác động tiêu cực đến việc thu hút khách từ thị trường này. Trước thực tế này, cần có chính sách, cơ chế quản lý, cách thức phối hợp quản lý phù hợp, đồng bộ để khai thác khách. Đặc biệt là công tác phối hợp giữa các địa phương trong công tác quản lý.

 
Hội nghị “Giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến với Việt Nam" do Tổng Cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức.

Để khai thác tốt thị trường khách du lịch inbound từ thị trường Trung Quốc, liên quan đến chính sách, ông Thủy đề xuất, cần có cơ chế đồng bộ, phù hợp. Ngành du lịch xem xét nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù về đón khách Trung Quốc qua cửa khẩu.

Trước mắt, khi chưa có cơ chế, các hiệp hội du lịch, địa phương, doanh nghiệp lữ hành có cách tổ chức đón khách Trung Quốc thông qua các nhóm, câu lạc bộ hoặc hình thức phù hợp. Từ đó, hạn chế hiện tượng tour giá rẻ, tour 0 đồng. Ông Thủy nhấn mạnh, điều này cần có sự trao đổi, sự đoàn kết nhất trí cao giữa các doanh nghiệp mới làm được.


Quỳnh Nga
TIN LIÊN QUAN

Phát triển các trang web phiên bản tiếng Trung để tiếp thị du lịch

Quỳnh Nga |

Ngày 9.1, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cùng với tỉnh Quảng Ninh, các doanh nghiệp, đối tác liên quan đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam”.

Khách Trung Quốc có thực sự du lịch nước ngoài từ 8.1 không?

Thúy Ngọc (Theo Dragon Trail) |

Những du khách Trung Quốc đầu tiên xuất ngoại vào ngày 8.1 sẽ là khách đi tự túc, bởi lệnh cấm bán tour du lịch nước ngoài cho khách đoàn chưa được chính thức dỡ bỏ.

Du lịch Việt Nam cần có văn phòng xúc tiến du lịch tại nước ngoài

Quỳnh Nga |

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ với Lao Động, du lịch Việt Nam chưa có văn phòng xúc tiến du lịch tại nước ngoài, việc cấp và giải ngân kinh phí xúc tiến từ ngân sách khó khăn, dẫn đến các hoạt động xúc tiến quốc gia chậm triển khai.