Nhà hát Hồ Gươm tọa lạc ngay giữa trung tâm Hà Nội, trên diện tích hơn 5.000m2 với khán phòng chính có sức chứa 900 chỗ ngồi, phòng hòa nhạc nhỏ 500 chỗ và các khu vực trưng bày, triển lãm... Kiến trúc theo phong cách Tân Cổ điển, nhà hát Hồ Gươm tái hiện nét văn hóa - lịch sử Việt Nam qua những chi tiết như hạc, trống đồng Đông Sơn...
Cột mốc quan trọng
Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy - Giám đốc nhà hát Hồ Gươm cho biết không gian này sẽ là nơi tổ chức các sự kiện, các chương trình nghệ thuật đặc biệt đòi hỏi cơ sở vật chất phục vụ rất lớn, tiêu chuẩn cao...
Hướng đến kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh và ngày truyền thống lực lượng Công an Nhân dân, nhà hát sẽ phục vụ nhiều chương trình theo nhiều thể loại khác nhau, phục vụ đối tưởng khán giả khác nhau...
"Đời sống hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày một nâng cao. Chúng tôi muốn tới đây tất cả các nhà hát ở châu Âu, ở thế giới, thấy một môi trường điều kiện như thế này họ sẽ hợp tác với chúng tôi và chúng tôi sẽ đưa những đơn vị nghệ thuật, nhà hát nổi tiếng thế giới về trình diễn ở đây", ông Phạm Văn Bẩy nói.
Nhà hát Hồ Gươm cũng ký bản ghi nhớ hợp tác với nhà hát Versailles, Pháp. Hai bên sẽ trao đổi, giao lưu văn hóa, xây dựng và đồng sản xuất những chương trình nghệ thuật và những vở diễn hàn lâm của Pháp.
Theo ông Bẩy, nhà hát Versailles chưa ký kết với nhà hát nào và bày tỏ mong muốn tất cả tinh hoa nhất của họ sẽ được trình diễn trong thời gian tới và những năm sau. Nhà hát Hồ Gươm cũng sẽ dàn dựng chương trình, biểu diễn tại Versailles.
Ông Lương Đức Thắng – Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ VHTT&DL cho rằng nhà hát Hồ Gươm có đầy đủ yếu tố để có thể đón các đoàn nghệ thuật lớn trên thế giới biểu diễn. "Các đoàn nghệ thuật của chúng ta có một sàn diễn đảm bảo về mỹ thuật, đảm bảo về chất lượng", ông nói.
Xúc động khi chiêm ngưỡng nhà hát mới của thành phố, NSND Trần Thị Mơ - nhạc công đàn cello Dàn nhạc SSO, bày tỏ: "Không bao giờ tôi có thể tưởng tượng được đây có thể trở thành một nhà hát huy hoàng và đẹp đẽ đến vậy".
"Khi chúng tôi có một nhạc cụ mới, một cây đàn mới hay một nhà hát mới thì tất cả chúng tôi đều xúc động, đều hân hoan đón chào và cảm động để chờ đợi những gì tốt đẹp nhất sẽ diễn ra", bà nói thêm.
Bà giãi bày, trước đây nếu muốn trình diễn nhạc cổ điển, gần như chỉ có mỗi Nhà hát Lớn. Các nghệ sĩ phải xếp hàng chờ tập luyện ở Nhà hát Lớn, thậm chí phải đăng ký trước hàng năm. "Giờ có Nhà hát Hồ Gươm chuẩn bị mở cửa, tôi nghĩ sự san sẻ với Nhà hát Lớn rất là quan trọng, bởi từ giờ chúng tôi không phải xếp hàng nữa", bà nói.
Điểm đến hút khách du lịch
Nghệ sĩ piano Bùi Công Duy nhận định nhà hát được xây dựng tại vị trí rất đẹp, mang cái tên rất ý nghĩa Nhà hát Hồ Gươm, cũng là biểu tượng của Thủ đô.
"Đây sẽ là nhà hát rất đa năng. Công năng của nó không chỉ dừng lại ở những chương trình hòa nhạc thuần cổ điển và có thể diễn được các vở opera, nhạc kịch…", ông nói.
Từ góc độ một nghệ sĩ nước ngoài, ông Olivier Ochanine - Giám đốc Âm nhạc kiêm Nhạc Trưởng Chính của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời SSO, bày tỏ: "Nhà Hát Hồ Gươm mang tiềm năng trở thành một khán phòng hoà nhạc với hệ thống âm thanh mộc chất lượng tốt nhất tại Việt Nam, đáp ứng tất cả các loại hình biểu diễn từ nhạc rock đến nhạc giao hưởng".
"Ngày nay trên toàn thế giới, sự xuất hiện của một phòng hoà nhạc mới là một sự kiện đặc biệt và hiếm. Đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhà Hát Hồ Gươm đánh dấu mốc lớn trong lịch sử nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam", ông nói.
NSUT Trần Ly Ly, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn đánh giá việc ra đời của nhà hát Hồ Gươm góp phần thúc đẩy văn hoá và du lịch cũng như nội hàm của nghệ thuật biểu diễn.
"Những thiết chế này sẽ thu hút khách du lịch, đặc biệt tại Hà Nội. Bên cạnh việc thăm các quần thể cổ kính, chúng ta có thể thưởng thức những giá trị văn hoá nghệ thuật khác. Và điều đó là một điều thu hút rất mạnh mẽ đối với khách du lịch", bà khẳng định.