Đồng Tháp: Tưởng niệm lần thứ 202 người “khai sinh” danh xưng Cao Lãnh

Lục Tùng |

Đồng Tháp – Từ ngày 5-8.7, tỉnh Đồng Tháp long trọng tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 202 người “khai sinh” danh xưng Cao Lãnh.

UBND TP. Cao Lãnh vừa ban hành Kế hoạch tổ chức lễ giỗ lần thứ 202 ông, bà Đỗ Công Tường nhằm tưởng nhớ công đức, tấm lòng nhân ái của người “khai sinh” danh xưng Cao Lãnh ngày nay. Đây cũng là dịp để nhân dân trong và ngoài tỉnh đến cúng viếng, tỏ lòng tôn kính, ghi nhớ công ơn về tấm gương đạo đức của ông, bà... Dịp này địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực góp phần quảng bá hình ảnh TP. Cao Lãnh, trung tâm tỉnh lỵ của Đất Sen hồng đến với du khách trong và ngoài tỉnh.

Di tích ông bà Đỗ Công Tường tọa lạc tại phường 2, TP. Cao Lãnh. Ảnh: LT
Di tích ông bà Đỗ Công Tường tọa lạc tại phường 2, TP. Cao Lãnh. Ảnh: LT

Cụ thể, trong 4 ngày diễn ra lễ giỗ 5- 8.7 (nhằm mùng 7 đến mùng 10 tháng 6 năm Nhâm Dần), sẽ tổ chức nhiều hoạt động chính tại Khu di tích quốc gia Mộ và Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường (phường 2 – TP. Cao Lãnh. Song song đó, địa phương kết hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao... trên các tuyến đường Lê Lợi; Công viên Hai Bà Trưng... để thu hút khách, đồng thời quảng bá các đặc sản, ngành hàng thế mạnh của Cao Lãnh nói riêng, Đồng Tháp nói chung. Cụ thể là trang trí Không gian Văn hóa “Góc quê”; Hội thi làm bánh dân gian; Biểu diễn nghệ thuật đường phố; Hội diễn lân sư rồng; Đờn ca tài tử - hò Đồng Tháp...Và điểm nhấn đặc biệt ở phần này chính là Lễ hội Xoài Cao Lãnh năm 2022...

Theo sử liệu lưu truyền, đầu niên hiệu Gia Long, vợ chồng ông, bà Đỗ Công Tường từ miền Trung vào làng Mỹ Trà (nay là TP. Cao Lãnh) lập nghiệp.

Tượng ông bà Đỗ Công Tường trong di tích quốc gia. Ảnh: LT
Tượng ông bà Đỗ Công Tường trong di tích quốc gia. Ảnh: LT

Xuất phát từ tấm lòng thương người, vợ chồng ông bà che cất lều bằng tre lá nơi vườn quýt của mình cho bà con trong thôn có chỗ mua bán. Thấy ông nhân đức lại có chữ nghĩa nên thôn dân cử ông giữ chức Câu đương, trông coi việc phân xử những vụ tranh tụng nhỏ trong thôn. Sau người ta ghép chức vào tục danh của ông thành Câu Lãnh... Khoảng năm 1820, làng Mỹ Trà xuất hiện dịch bệnh ác liệt, lây lan nhanh và kéo dài khiến nhiều người chết. Cám cảnh trước cảnh chết chóc của người dân,sau khi dốc hết tiền của mời thầy thuốc cứu chữa mà vẫn chưa dứt nạn dịch gây chết người, vợ chồng ông đã đi đến quyết định mang mạng sống của mình ra cầu nguyện cứu người.

Mộ ông, bà nằm phía sau đền thờ. Ảnh: LT
Mộ ông, bà nằm phía sau đền thờ. Ảnh: LT

Sau 3 ngày cầu nguyện, thì vợ chồng ông lần lượt qua đời. Kỳ lạ thay, sau khi vợ chồng ông quy tiên, dịch bệnh cũng dần lui và nạn chết người hết hẳn. Người dân chôn cất ông bà cẩn thận ngay phía sau khu vực ngôi chợ và dựng miếu thờ ngay bên chợ Vườn Quýt. Người dân còn tri ân bằng cách lấy tên vợ chồng ông đặt tên cho chợ Vườn Quýt là Chợ Câu Lãnh, tức ông chợ ông Câu đương tên Lãnh. Sau đọc trại dần thành Cao Lãnh. Vì thế ông bà còn được gọi là ông bà chủ chợ và miếu thờ được đặt là “Chủ thị miếu”. Năm 1920, sau khi được nhân sĩ đệ trình công trạng lên cấp thẩm quyền, năm Bảo Đại thứ 10, vua ban sắc phong cho ông bà là: Dực bửu Trung hưng Linh phò chi thần”.

Từ nhiều năm qua, di tích được đông đảo người trong và ngoài tỉnh đến chiêm bái.

Lục Tùng