Cụ thể, lượng khách du lịch nội địa ước đạt 15,75 triệu lượt, khách quốc tế ước đạt 1,27 triệu lượt. Tính đến hết tháng 11 năm nay, Hà Nội đã vượt xa mục tiêu đón khách du lịch từ đầu năm là 9-10 triệu lượt.
Thành quả trên có được là nhờ sự chuẩn bị, đón khách chu đáo của Hà Nội sau thời gian dài bị tạm dừng vì đại dịch. Trong năm qua, thành phố đã triển khai nhiều sản phẩm mới, nâng cấp các sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách. Tiêu biểu có thể kể đến các sản phẩm: Tour Giải mã Hoàng thành Thăng Long về đêm, Tour đạp xe khám phá làng gốm Bát Tràng, không gian đi bộ thành cổ Sơn Tây, phố đi bộ Trịnh Công Sơn…
Mặt khác, lượng khách tăng mạnh trong năm nay là do nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân trong các kỳ nghỉ lễ, dịp cuối tuần. Nhiều khu nghỉ dưỡng sinh thái mọc lên quanh khu vực Hà Nội như Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn... thu hút người dân đến tham quan, nghỉ ngơi sau những ngày làm việc vất vả. Ngoài ra, mô hình phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội cũng là điểm nhấn hấp dẫn du khách trong vài năm trở lại đây.
Với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, Hà Nội đã công nhận được hơn 1.000 sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm được đạt tiêu chuẩn 3- 5 sao. Các mô hình du lịch đặc trưng có thể kể đến mô hình tại làng nghề Bát Tràng - Vạn Phúc, du lịch trải nghiệm ở Làng cổ Đường Lâm...
Những kết quả khả quan kể trên là động lực để Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh việc phục hồi, phát triển ngành du lịch hơn nữa. Không chỉ khai thác giá trị di sản nội đô hay di sản nổi tiếng ở ngoại thành, Hà Nội cần thúc đẩy xây dựng các sản phẩm du lịch mới.
Hà Nội có thể tập trung phát triển sản phẩm theo từng vùng, thế mạnh của từng địa phương như: Sản phẩm du lịch mạo hiểm, bay khinh khí cầu ở Ba Vì, dù lượn ở Chương Mỹ, khuyến khích du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch homestay... Các doanh nghiệp, địa phương ngoài xây dựng cũng thường xuyên nâng cấp sản phẩm của mình để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách.