Huế: Nhiều du khách có tâm lý chủ quan với dịch COVID-19

PHAN BẢO PHÚ |

THỪA THIÊN HUẾ - Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thế nhưng, phần đông du khách khi đến du lịch ở Huế có tâm lý chủ quan, không mang khẩu trang.

Những ngày gần đây, lượng khách du lịch đổ về tỉnh Thừa Thiên Huế rất đông. Một số địa điểm du lịch nổi tiếng ở Huế chật kín khách du lịch.

Tuy nhiên, đa số khách du lịch không đeo khẩu trang hay có biện pháp phòng chống dịch mặc dù đã có khuyến cáo từ ngành y tế.

Chị Mai Thị Huyền Trang (người dân TP. Huế) cho biết, vì bản thân đã tiêm 3 mũi vaccine và từng mắc COVID-19 nên lơ là trong việc mang khẩu trang khi đến nơi công cộng.

Tương tự, bạn Lê Thọ (du khách đến từ Thanh Hóa) chia sẻ: "Mình đã tiêm đủ mũi vaccine, đến Đại Nội Huế thấy nhiều người không mang khẩu trang và cũng nghĩ dịch không còn nguy hiểm nên có tâm lí chủ quan".

PGS. TS Trần Đình Bình, chuyên gia về Chống nhiễm khuẩn và Vi sinh y học tại Đại học Y Dược Huế (Đại học Huế) cho biết, đến nay, thế giới, đã có hơn 650 triệu người mắc bệnh, gần 6,6 triệu ca tử vong do COVID-19. Nhiều nước đã mở cửa trở lại cuộc sống bình thường, dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội sau khi đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của nhiều biến thể mới. Mặc dù số ca mắc và số ca tử vong toàn cầu do COVID-19 hàng tuần đã xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, nhưng vẫn cao so với tỉ lệ mắc và tử vong do các nhiễm trùng do virus khác gây ra.

Nhiều du khách nước ngoài không mang khẩu trang. Ảnh: Phan Bảo Phú.
Nhiều du khách nước ngoài không mang khẩu trang. Ảnh: Phan Bảo Phú.

Bệnh COVID-19 hiện nay do biến thể Omicron và Omicron tàng hình có những đặc điểm là lây truyền nhanh, có thể tránh được miễn dịch do vaccine hay do nhiễm các biến thể trước, nhưng biểu hiện lâm sàng nhẹ, phần lớn ở hô hấp trên.

Tuy nhiên không ai có thể lường trước được sau biến thể Omicron là biến thể gì nữa, có thể những đột biến tạo ra biến chủng gây bệnh nhẹ hơn rồi biến mất như con đường của một số virus corona khác như SARS 2003, MERS 2012, hay Corona gây bệnh tiêu chảy ở lợn; và cũng có thể xuất hiện một biến chủng có độc lực mạnh hơn do đột biến.

"Sống chung với COVID-19 an toàn, thích ứng và phòng chống hiệu quả, vì thế không thể thể chủ quan, phải thực hiện tốt các biện pháp dự phòng cá nhân, cộng đồng hữu hiệu, khám chữa bệnh an toàn, theo dõi rất sát diễn biến dịch bệnh do virus này trong thời gian đến. Một trong những cách phòng tránh an toàn, đơn giản cho bản thân và mọi người là mang khẩu trang khi đến nơi công cộng", PGS Trần Đình Bình nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế thông tin, chỉ riêng trong kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, ước có khoảng 95.000 lượt khách đến tham quan tỉnh này, tăng 52% so với cùng kỳ dịp nghỉ Tết năm 2022, doanh thu từ du lịch ước đạt 150 tỉ đồng.


PHAN BẢO PHÚ
TIN LIÊN QUAN

Huế phát triển giá trị áo dài gắn với du lịch

QUẢNG AN |

THỪA THIÊN HUẾ - Bảo vệ và phát huy giá trị di sản áo dài truyền thống Huế gắn với phát triển du lịch sẽ là một lợi thế không hề nhỏ cho sự nghiệp phát triển du lịch bền vững ở Cố đô Huế.

Du khách đến Huế có thể thử sức tại Lễ hội vật làng Sình

QUẢNG AN |

THỪA THIÊN HUẾ - Du khách đến Huế muốn thử sức có thể đăng ký tham dự Lễ hội vật làng Sình. Diễn ra vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm, Lễ hội vật được tổ chức tại khu vực đình làng Lại Ân (làng Sình), thuộc xã Phú Mậu, TP. Huế.

Vì sao Huế tổ chức trọng thể Lễ hội Huyền Trân công chúa?

QUẢNG AN |

THỪA THIÊN HUẾ -  Lễ hội đền Huyền Trân ở Huế năm nay sẽ được tổ chức trong 2 ngày 8-9 tháng Giêng tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (núi Ngũ Phong, phường An Tây, TP. Huế), cách trung tâm thành phố khoảng 7km về phía Nam.