Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá cao sự phát triển ngoạn mục của ngành du lịch nước ta sau 2 năm đại dịch và đặc biệt là trong năm qua.
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam có sự phục hồi mạnh mẽ, gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5-13 triệu lượt) của năm 2023. Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỉ đồng.
Theo ông Phạm Văn Thủy, hội thảo nhằm đánh giá toàn diện những điểm mạnh, từ đó phát huy những thế mạnh, đồng thời nhận diện những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong cơ chế, chính sách của Nhà nước. Từ đó, đề xuất ban hành những chính sách để phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung và ngành du lịch nói riêng.
"Bên cạnh những điểm mạnh, phải thẳng thắn thừa nhận rằng trong quá trình phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian qua, có thể thấy những khe hở trong các cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương về tạo dựng cơ chế hợp tác giữa các địa phương để hỗ trợ và phục vụ khách du lịch, tạo điều kiện và kết nối liên thông của các ngành trong phát triển du lịch... Trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở địa phương", ông Phạm Văn Thủy nói.
Theo đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chỉ ra một số hạn chế trong công tác quản lý về văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh ngành; một số quy định tại Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn về kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên... ngày nay đã không còn phù hợp; cơ chế thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch chất lượng cao chưa được quan tâm...
Bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp với phạm vi, tính chất và quy mô hoạt động nhiều thành phần. Một số quy định, chính sách, văn bản quản lý Nhà nước chưa thống nhất, đặc biệt là đối với hoạt động thu hút đầu tư phát triển sản phẩm, cơ sở vật chất phục vụ du lịch chất lượng cao. Công tác quản lý Nhà nước còn chưa theo kịp thực tiễn, nhất là đối với các loại hình, sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch nông nghiệp, nông thôn…
Ông Phạm Văn Thủy cho biết, trong thời gian tới, Cục sẽ tập trung triển khai có hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch nhanh, bền vững.
Bên cạnh đó, rà soát, tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý, văn bản quản lý Nhà nước, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động du lịch; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, quảng bá; tăng cường quản lý khu, điểm du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa cho phát triển du lịch bền vững…
Tại hội nghị, lãnh đạo các Sở Du lịch tỉnh, thành phố, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn trình bày tham luận, ý kiến trao đổi về hiện trạng, khó khăn, vướng mắc và giải pháp triển khai hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về du lịch trên địa tỉnh, thành phố.