Làm gì để giữ chân du khách hạng sang chi 4-7 triệu/ngày ở Việt Nam?

Phạm Đông |

Nhóm du khách hạng sang thường chi 200-300 USD/ngày (4-7 triệu/ngày), cao gấp 2 - 3 lần so với khách quốc tế đến Việt Nam. Thậm chí những thị trường trọng điểm, khách có thể ở đến 15 ngày, chi tiêu khoảng 1.100-2.000 USD/chuyến đi. 

Tập trung hơn cho nhóm khách du lịch hạng sang

Theo Cổng thông tin Chính phủ, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 ngày 15.3, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho biết, đơn vị đang vận hành nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, do các tập đoàn quốc tế top đầu của thế giới quản lý.

Do đó, tập khách hàng có mức chi trả cao gấp 2 - 3 lần so với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, từ 200 - 300 USD/ngày, thường lưu trú khách sạn 3 - 4 ngày.

"Chúng tôi có thế mạnh kết hợp du lịch khách sạn với golf. Chưa bao giờ chúng ta có nhiều khách du lịch đến Việt Nam để chơi golf như hiện nay và chúng ta đã được thế giới công nhận là điểm du lịch chơi golf tốt nhất", bà Nga nói, dẫn chứng năm 2022 tập đoàn có 300.000 vòng chơi, kỳ vọng năm 2023 tăng lên 380.000.

Năm 2022, về khách sạn, Tập đoàn BRG đón 652.000 lượt khách. Họ đặt ra kế hoạch 1 triệu lượt khách hạng sang trong năm 2023.

"Chúng ta cần tăng cường quảng bá du lịch và tiếp thị hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia. Trong đó, Chính phủ cần tăng ngân sách cho công tác này. Bên cạnh đó, chúng ta nên ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng bản sắc văn hóa du lịch cho từng vùng, từng miền", bà Nga nói.

Nhấn mạnh vai trò của khách quốc tế đối với du lịch Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường cho biết, năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam là 18 triệu, bằng 21% khách nội địa nhưng doanh thu của nhóm này chiếm gần 2/3 do họ có thời gian lưu trú dài, từ 8-12 ngày, thậm chí là những thị trường trọng điểm, họ có thể ở đến 15 ngày, chi tiêu từ 1.100 – 2.000 USD cho 1 chuyến đi.

Trong khi đó, tại thị trường nội địa, khách chủ yếu đi vào cuối tuần, với thời gian lưu trú từ 1 đến 2 ngày, mức chi tiêu cũng không bằng.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường. Ảnh VGP
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường. Ảnh VGP

Để khách quốc tế không "mang tiền đến rồi lại mang tiền về"

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình kiến nghị miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt của những người chơi golf là khách du lịch. Theo ông Bình, đây là một trong số biện pháp thu hút khách hạng sang, từ đó "biến" Việt Nam thành thị trường khách du lịch cao cấp.

"Năm 2019, riêng Hàn Quốc có 5 triệu khách đến Việt Nam, trong đó hơn một triệu khách du lịch đến đánh golf. Chúng tôi nghĩ rằng, với lượng khách ấy thì chi phí để trả cho Việt Nam cũng đến 2 - 3 tỉ USD", ông Bình nói.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, tổng mức chi tiêu của du khách tại Việt Nam chỉ bằng 40% so với Thái Lan và thấp hơn rất nhiều so với Singapore, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Một nguyên nhân rất lớn khiến khách quốc tế đến Việt Nam "mang tiền đến lại đem tiền về", theo ông Hạnh Nguyễn, do Việt Nam đang bỏ lỡ 2 loại hình là xu hướng mới về du lịch gồm du lịch sức khỏe và du lịch mua sắm.

Tất cả các nước có ngành du lịch phát triển như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay trên thế giới như Mỹ, các nước châu Âu... đều sử dụng mô hình factory outlet (trung tâm thương mại bán hàng giảm giá qua mùa) để thu hút du khách, tăng chi tiêu và doanh thu du lịch.

Du lịch mua sắm Thái Lan góp phần tăng mạnh doanh thu chi tiêu quốc tế với tỷ lệ tăng trưởng kép 28.2% và du lịch sức khỏe đóng góp tới 4,7 tỉ USD trong năm 2020.

"Liên kết chuỗi giá trị là "chìa khóa" giúp ngành du lịch Thái Lan phát triển mạnh và các thành phần trong chuỗi giá trị, từ giao thông đến lưu trú, dịch vụ... đều hưởng lợi. Chúng ta cần phát động một chiến dịch liên kết cùng thúc đẩy du lịch như chiến dịch "SMILE" mà Thái Lan đã làm, trong đó, nhà nước đóng vai trò điều phối, liên kết các hãng hàng không, lữ hành tới điểm đến, lưu trú, nhà hàng và dịch vụ.

Các hãng hàng không sẽ "bắt tay" với lữ hành để giảm giá vé, đưa khách tới các trung tâm mua sắm miễn thuế và nhận về bù trừ hoa hồng. Đây là nguồn lực rất lớn cho các hãng lữ hành nhanh chóng vực dậy. Khách quốc tế sẽ đổ về Việt Nam, các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng cũng sẽ lập tức hồi phục", ông Johnathan Hạnh Nguyễn hiến kế.

Phạm Đông
TIN LIÊN QUAN

Nhìn lại một năm Việt Nam mở cửa du lịch

Thúy Ngọc |

Mở cửa trong bối cảnh còn nhiều thách thức, ngành du lịch tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và đạt những kết quả quan trọng.

Thừa Thiên Huế nghiên cứu khai thác "mỏ vàng" khách du lịch Trung Quốc

PHÚC ĐẠT |

THỪA THIÊN HUẾ - Xưa nay, khách Trung Quốc thường ít chọn Thừa Thiên Huế là điểm đến chính. Sau đại dịch COVID-19, nhu cầu của du khách đến từ đất nước tỉ dân có sự thay đổi, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang nghiên cứu và kết nối để thu hút nguồn khách này.

Đà Nẵng lắp đặt 600 xe đạp công cộng cho người dân và du khách

Nguyễn Linh |

Cuối tháng 3, Đà Nẵng sẽ hoàn tất lắp đặt hơn 600 xe đạp công cộng tại 5 quận của TP Đà Nẵng. Dự kiến sẽ tổ chức khai trương dịch vụ xe đạp công cộng trước ngày 29.3.

Nhìn lại một năm Việt Nam mở cửa du lịch

Thúy Ngọc |

Mở cửa trong bối cảnh còn nhiều thách thức, ngành du lịch tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và đạt những kết quả quan trọng.

Thừa Thiên Huế nghiên cứu khai thác "mỏ vàng" khách du lịch Trung Quốc

PHÚC ĐẠT |

THỪA THIÊN HUẾ - Xưa nay, khách Trung Quốc thường ít chọn Thừa Thiên Huế là điểm đến chính. Sau đại dịch COVID-19, nhu cầu của du khách đến từ đất nước tỉ dân có sự thay đổi, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang nghiên cứu và kết nối để thu hút nguồn khách này.

Đà Nẵng lắp đặt 600 xe đạp công cộng cho người dân và du khách

Nguyễn Linh |

Cuối tháng 3, Đà Nẵng sẽ hoàn tất lắp đặt hơn 600 xe đạp công cộng tại 5 quận của TP Đà Nẵng. Dự kiến sẽ tổ chức khai trương dịch vụ xe đạp công cộng trước ngày 29.3.