Buôn Ma Thuột là một trong những đô thị có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị và xã hội của cả Tây Nguyên. Theo chủ trương mới nhất của Trung ương, thì trong tương lai gần, TP sẽ được quy hoạch, xây dựng, thành đô thị trung tâm của cả vùng.
Góp ý với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, với thành phố Buôn Ma Thuột, tại diễn đàn “Tạo sức bật cho du lịch Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk trong tình hình mới” - do báo Lao Động tổ chức hồi giữa năm 2022, ông Nguyễn Sự, nguyên lãnh đạo Hội An đã đưa ra một lời khuyên: "Gắn với lợi ích của dân thì làm gì cũng dễ".
Cần định vị thương hiệu
Ông Nguyễn Sự nhận xét, cà phê đã có mặt ở Đắk Lắk cả trăm năm, Buôn Ma Thuột đã nổi tiếng với thương hiệu “thủ phủ cà phê”, nhưng nhiều năm rồi vẫn loay hoay với định vị này.
Địa phương có quá nhiều cái để định vị nên không biết chọn cái nào, bỏ cái nào. Nếu cái gì cũng là “mũi nhọn” thì đó là mô hình phát triển theo kiểu “quả sầu riêng”. Ngay tên gọi Buôn Ma Thuột vẫn chưa thống nhất trong việc định danh. Nhiều thương hiệu trái cây, sản phẩm du lịch, tour tuyến tham quan và cả các hãng xe khách cũng gọi tùy tiện, lúc thì Ban Mê, nơi Buôn Mê, rồi Buôn Ma Thuột...
Ông Nguyễn Sự cho rằng, vấn đề của Đắk Lắk, của Tây Nguyên nói chung là cần phải định vị rõ nét từng sản phẩm, tổ chức quảng bá truyền thông thật tốt. Đồng thời gắn với lợi ích của người dân thì nhất định sẽ thắng lợi. Cả vùng đất cao nguyên rộng lớn, trù phú, các vùng nông nghiệp tập trung, số lượng lớn, nhưng mới chỉ khai thác thuần túy nông nghiệp. Tìm giải pháp để giúp các địa phương, các nông hộ khai thác thêm du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái sẽ góp phần quan trọng nâng cao giá trị sinh lợi của đất đai.
Chiều lòng du khách trên nền tảng sẵn có
Sáng sớm, chúng tôi vào biệt điện Bảo Đại - bây giờ là Bảo tàng Đắk Lắk – để uống cà phê. Ông Nguyễn Sự đã choáng ngợp với khu rừng nhiệt đới với nhiều cổ thụ ngay giữa lòng TP. Bầy chim rừng véo von, tràn đầy sinh khí tự nhiên. Những con sóc phi xuống cả ghế công viên, “thân thiện” với người… Ông Sự nói, thật ra rừng không phải quá khó để tái tạo, nếu có cơ chế phù hợp.
Ông Sự chợt có ý tưởng, rằng du lịch Đắk Lắk có thể bắt đầu từ những hoa viên, những khu rừng nhiệt đới giữa lòng thành phố này. Hãy nhân ra những khu rừng từ phố như thế này. Hãy thả chim chóc, muôn thú vào sống tự do như ở không gian bảo tàng này, chắc chắn sẽ là một "đặc sản" du lịch hiếm có của Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.
Chúng tôi đi tham quan thác Dray Nur. Thác đẹp, hùng vỹ, nhưng đúng mùa ít nước. Dịch vụ gần như không có gì ngoài quan cảnh tự nhiên. Mấy con thú nuôi nhốt trong vườn kiểm lâm xác xơ, ngơ ngác. Dăm quán cóc ven đường thì hoang vu, nhếch nhác... Trong khi chỉ cách đó vài cây số còn có cả thác Dray Sáp, thác Gia Long...
Đây là những thác nước hùng vỹ nhất Tây Nguyên, nằm trên thượng nguồn dòng dòng Sêrêpốk huyền thoại. Nơi hòa quyện giữa 2 dòng sông, Krông Ana (sông cái) và sông Krông Nô (sông đực). Và chỉ cần băng qua cánh đồng lúa Buôn Choáh là đến hang động núi lửa rộng nhất khu vực Đông Nam Á... Nhưng chẳng có tour tuyến nào kết nối các điểm du lịch trên, bởi các danh thắng này.... nằm trên địa bàn của 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.
Ông Nguyễn Sự lại có thêm nhận xét: "Thiếu liên kết và không định vị rõ sản phẩm du lịch là điểm yếu của nhiều địa phương".