Trải nghiệm Tết truyền thống chờ du khách khám phá ở phố cổ Hà Nội

Lê Tuyến |

Chương trình “Tết Việt - Tết Phố” 2024 hấp dẫn đông đảo người dân và du khách trải nghiệm không khí lễ hội truyền thống trong phố cổ Hà Nội.

Lễ rước và dâng lễ cửa Đình là hoạt động mở màn cho chương trình “Tết Việt - Tết Phố” 2024 do Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với Câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức.

Các nghi lễ truyền thống được tái hiện trong chương trình phải kể đến đoàn rước dâng lễ cửa Đình, Lễ cáo yết Thành Hoàng, cúng Tổ nghề... Đặc biệt, đoàn rước lễ và các nghi lễ truyền thống năm nay có sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ so với mọi năm.

Chương trình “Tết Việt - Tết Phố” thu hút sự quan tâm lớn từ phía các bạn trẻ. Ảnh: Lê Tuyến
Chương trình “Tết Việt - Tết Phố” thu hút sự quan tâm lớn từ phía các bạn trẻ. Ảnh: Lê Tuyến

Những người tham gia đoàn rước đều mặc trang phục áo dài truyền thống ngũ thân, trong đó, người làm lễ mặc áo tấc (áo tay rộng), những người còn lại mặc áo tay chẽn. Những bộ trang phục truyền thống xưa được lựa chọn với những màu sắc rực rỡ, họa tiết tỉ mỉ để tái hiện rõ nét, ấn tượng nhất khung cảnh tết xưa trong lòng người dân đất Việt.

Lễ vật là những vật phẩm truyền thống của Hà Nội. Đó là những chiếc bánh cốm xanh ngát, dẻo bùi nhân đậu; chè sen thơm thanh tao; bánh chưng nằm gọn gàng trong lớp áo dong được buộc lạt khéo léo; mứt Tết ngọt ngào cho đầu xuân... Lễ vật trong đoàn rước đều là những vật phẩm quen thuộc, luôn xuất hiện trong mâm cúng ngày Tết của mỗi gia đình.

Lễ rước và dâng lễ cửa Đình là hoạt động mở màn cho chương trình “Tết Việt - Tết Phố” 2024. Ảnh: Lê Tuyến
Lễ rước và dâng lễ cửa Đình là hoạt động mở màn cho chương trình “Tết Việt - Tết Phố” 2024. Ảnh: Lê Tuyến

Đoàn rước dâng lễ cửa Đình xuất phát từ Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, đi qua phố Đào Duy Từ - Ô Quan Chưởng – Hàng Chiếu – Hàng Giầy – đền Bạch Mã – Hàng Buồm – Tạ Hiện – rạp Chuông Vàng – Hàng Bạc – đình Kim Ngân.

Đoàn rước lễ đi đến đâu, người dân tại Phố cổ và du khách xuống đường, hồ hởi xem và chụp ảnh. Sự vui tươi, rộn rã của tiếng nhạc cùng với những bộ trang phục rực rỡ như cánh bướm đã mang không khí xuân rộn ràng, huyên náo về giữa lòng Thủ đô.

Nhiều người dân, trong đó có cả du khách quốc tế rất vui và thích thú khi được trải nghiệm nghi lễ trong Tết xưa của người Việt.

Chị Nguyễn Thị Đào (Cầu Giấy, Hà Nội) phấn khởi chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình được xem hoạt động rước lễ tại Phố cổ Hà Nội. Đi theo đoàn rước, mình không chỉ được chiêm ngưỡng những bộ trang phục, vật phẩm truyền thống của Hà Nội mà còn biết thêm nhiều di tích văn hóa, lịch sử rất ý nghĩa của Hà Nội mà đoàn rước đi qua”.

Nhiều người, trong đó có cả du khách quốc tế thích thú đi theo đoàn rước lễ trong cái lạnh những ngày cận Tết của Hà Nội. Ảnh: Lê Tuyến
Nhiều người, trong đó có cả du khách quốc tế thích thú đi theo đoàn rước lễ trong cái lạnh những ngày cận Tết của Hà Nội. Ảnh: Lê Tuyến

Kết thúc hành trình, đoàn rước dừng chân tại đình Kim Ngân để tiếp tục thực hiện nghi lễ cáo yết Thành Hoàng và cúng Tổ nghề. Các nghi lễ này được thực hiện trang nghiêm, chỉn chu nhằm mục đích cầu mong thần linh, đặc biệt là Thành Hoàng và Tổ nghề đình Kim Ngân những điều tốt đẹp cho năm mới.

Sau khi hoàn thành các nghi lễ, tại đình Kim Ngân, người dân và du khách được trải nghiệm tục dựng cây nêu ngày Tết, xem diễn xướng dân gian như hát xoan, hát Then...

Theo anh Nguyễn Đức Bình (Chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt, Ban Tổ chức chương trình) cho biết, việc tái hiện các nghi lễ truyền thống cũng như thực hiện chương trình “Tết Việt - Tết Phố 2024” nhằm mục đích bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam.

Đoàn rước dừng lại trước Ô Quan Chưởng - di tích đậm dấu ấn kiến trúc Thăng Long xưa. Ảnh: Lê Tuyến
Đoàn rước dừng lại trước Ô Quan Chưởng - di tích đậm dấu ấn kiến trúc Thăng Long xưa. Ảnh: Lê Tuyến

Bên cạnh đó, đây còn là cơ hội giúp mọi người được trực tiếp tìm hiểu, trải nghiệm về những nét văn hóa đẹp trong dịp Tết cổ truyền của người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ và du khách quốc tế.

Từ ngày 28.1 - 28.2.2024, chương trình “Tết Việt - Tết phố” tiếp tục giới thiệu đến công chúng các trải nghiệm hấp dẫn trong ngày tết cổ truyền như không gian Tết truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ qua “Nếp nhà xưa”, biểu diễn âm nhạc truyền thống tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội - 50 Đào Duy Từ; tổ chức gói và luộc bánh chưng tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây.

Từ 25.1 đến 9.2 (tức ngày 15 tháng Chạp đến hết ngày 30 tháng Chạp năm Quý Mão), tại không gian bích họa Phùng Hưng, các nghệ nhân và thợ thủ công sẽ giới thiệu các sản phẩm dân gian truyền thống, như tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ, thư pháp, gốm sứ, mây tre đan, đồ chơi tò he…

Lê Tuyến
TIN LIÊN QUAN

Người Trung Quốc thực hiện 9 tỉ chuyến đi dịp Xuân vận Tết Âm lịch

Minh Anh (Theo Xinhua) |

Người Trung Quốc đang bước vào cuộc “đại di cư” dịp Tết Nguyên đán với khoảng 9 tỷ chuyến đi trong giai đoạn cao điểm du lịch năm 2024.

Khách du lịch hứng thú trải nghiệm không khí Tết xưa ở Hà Nội

Nhật Minh |

Hoạt động tái hiện Tết truyền thống 3 miềntại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) thu hút nhiều du khách tới đây để trải nghiệm, tìm lại không khí Tết xưa.

5 điểm du xuân sống chậm dịp Tết Nguyên đán 2024

Thanh Hải |

Ngoài những điểm du xuân nhộn nhịp, không ít người muốn tìm đến một nơi xa vắng để tận hưởng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trọn vẹn, bắt đầu một năm mới an yên.

Người Trung Quốc thực hiện 9 tỉ chuyến đi dịp Xuân vận Tết Âm lịch

Minh Anh (Theo Xinhua) |

Người Trung Quốc đang bước vào cuộc “đại di cư” dịp Tết Nguyên đán với khoảng 9 tỷ chuyến đi trong giai đoạn cao điểm du lịch năm 2024.

Khách du lịch hứng thú trải nghiệm không khí Tết xưa ở Hà Nội

Nhật Minh |

Hoạt động tái hiện Tết truyền thống 3 miềntại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) thu hút nhiều du khách tới đây để trải nghiệm, tìm lại không khí Tết xưa.

5 điểm du xuân sống chậm dịp Tết Nguyên đán 2024

Thanh Hải |

Ngoài những điểm du xuân nhộn nhịp, không ít người muốn tìm đến một nơi xa vắng để tận hưởng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trọn vẹn, bắt đầu một năm mới an yên.