Việt Nam muốn đón 35 triệu lượt khách quốc tế năm 2030

Thanh Trà |

Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng 13 - 15%/năm; và 160 triệu lượt khách nội địa, tăng trưởng từ 4 - 5%/năm.

Đó là mục tiêu đề ra cho ngành du lịch trong Quyết định 509/QĐ-TTg ngày 13.6.2024 về Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phê duyệt.

Phấn đấu trở thành điểm đến có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Quy hoạch đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới.

Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.

Mục tiêu cụ thể, năm 2025, phấn đấu đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 - 5%/năm.

Phấn đấu năm 2025 đóng góp trực tiếp 8 - 9% trong GDP; đến năm 2030 đóng góp trực tiếp từ 13 - 14% trong GDP.

Về nhu cầu buồng lưu trú, năm 2025, khoảng 1,3 triệu buồng; đến năm 2030, khoảng 2 triệu buồng.

Theo Quy hoạch, đến năm 2025, du lịch tạo ra khoảng 6,3 triệu việc làm, trong đó khoảng 2,1 triệu việc làm trực tiếp; đến năm 2030 tạo ra khoảng 10,5 triệu việc làm, trong đó khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp.

Đến năm 2045, du lịch khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế; điểm đến nổi bật toàn cầu, trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Phấn đấu đón 70 triệu khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7.300 nghìn tỉ đồng; đóng góp 17 - 18% trong GDP.

Để phục hồi, giữ vững đà tăng trưởng của thị trường khách nội địa, Quy hoạch xác định phục hồi và giữ vững đà tăng trưởng của thị trường khách nội địa giai đoạn 2021 - 2025.

Giai đoạn 2026 - 2030: Đẩy mạnh khai thác các phân đoạn thị trường chi trả cao, lưu trú dài ngày, các thị trường mới về du lịch gôn, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm.

Với thị trường quốc tế, giai đoạn 2021 – 2025, phục hồi các thị trường truyền thống, kết hợp thu hút các thị trường mới nổi: Ấn Độ, các nước Trung Đông.

Giai đoạn 2026-2030: Duy trì và mở rộng quy mô các thị trường truyền thống: các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Châu Âu, Bắc Mỹ, Nga và Đông Âu, Châu Đại dương; đa dạng hóa các thị trường, chuyển dịch theo hướng tăng thị phần khách có khả năng chi trả cao.

Một đoàn khách nước ngoài tham quan hang Luồn ở vịnh Hạ Long, Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Hùng
Một đoàn khách nước ngoài tham quan hang Luồn ở vịnh Hạ Long, Quảng Ninh trong chuyến du lịch Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hùng

Hình thành 8 khu vực động lực phát triển du lịch

Về định hướng phát triển sản phẩm, theo Quy hoạch, sẽ khai thác tối ưu tài nguyên du lịch biển, đảo để phát triển các sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực về nghỉ dưỡng biển, sinh thái biển và du lịch tàu biển. Phát triển các trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp, có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế.

Quy hoạch đến năm 2030, phát triển 6 khu vực động lực.

Khu vực động lực phát triển du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Ninh Bình thúc đẩy phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng, rộng hơn là cả khu vực miền Bắc, gắn kết đa dạng và bổ trợ lẫn nhau về sản phẩm du lịch văn hoá lịch sử với du lịch biển, di sản thế giới.

Khu vực động lực phát triển du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh tạo sự hỗ trợ theo hướng kết hợp đa dạng sản phẩm du lịch gắn với sinh thái, di sản thế giới, văn hóa lịch sử, tín ngưỡng với du lịch biển, du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng gắn với các dân tộc thiểu số vùng núi.

Khu vực động lực phát triển du lịch Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam thúc đẩy phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; kết nối các di sản thế giới trong nước với quốc tế, gắn kết các sản phẩm du lịch văn hóa với du lịch đô thị và nghỉ dưỡng biển.

Khu vực động lực phát triển du lịch Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận phát triển du lịch trên cơ sở tăng cường liên kết giữa vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với vùng Tây Nguyên; đa dạng hoá sản phẩm trên cơ sở kết nối giữa du lịch nghỉ dưỡng núi với nghỉ dưỡng biển, văn hoá vùng đồng bằng với không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên.

Khu vực động lực phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Bà Rịa - Vũng Tàu đóng vai trò thúc đẩy phát triển du lịch toàn bộ vùng Đông Nam Bộ, gắn kết phát triển du lịch với hành lang kinh tế phía Nam.

Khu vực động lực phát triển du lịch Cần Thơ - Kiên Giang - Cà Mau tập trung thúc đẩy phát triển du lịch toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gắn kết phát triển du lịch với hành lang kinh tế ven biển thuộc hành lang kinh tế phía Nam.

Giai đoạn sau 2030, 2 khu vực động lực mới sẽ được hình thành. Khu vực động lực phát triển du lịch Lào Cai - Hà Giang sẽ thúc đẩy phát triển du lịch toàn bộ vùng Trung du và Miền núi phía Bắc kết nối với thị trường khách du lịch ở Vân Nam (Trung Quốc) và gắn kết phát triển du lịch theo hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng.

Khu vực động lực phát triển du lịch Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên phát triển du lịch cho khu vực tiểu vùng Tây Bắc thuộc vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, gắn kết phát triển du lịch theo hành lang kinh tế Đông Tây theo quốc lộ 6.

Thanh Trà
TIN LIÊN QUAN

Nơi khách vừa tắm biển, vừa ngắm máy bay hạ cánh sát đầu ở Việt Nam

NGỌC ANH |

Bà Rịa - Vũng Tàu - Không chỉ được đắm mình trong làn nước biển xanh mát, du khách còn được ngắm máy bay hạ cánh khi đến bãi Đầm Trầu (Côn Đảo).

Khách Tây giật mình vì còi xe, “toát mồ hôi” sang đường ở Việt Nam

NHÓM PV |

Nhiều khách nước ngoài tỏ ra bất ngờ trước văn hóa giao thông ở Việt Nam, vì đường phố ken đặc xe máy, người dân bấm còi theo quy tắc riêng...

Trở lại Việt Nam sau 15 năm, khách Tây choáng ngợp trước những đổi thay

Minh Anh |

Chris Wallace - nhà văn Mỹ - nhớ Hà Nội, choáng ngợp với nhịp sống ở TPHCM sau hơn một thập kỷ quay trở lại Việt Nam.

Khách Hàn tiết lộ khác biệt lớn nhất giữa phở Việt Nam và phở ở Hàn Quốc

Chi Trần |

Các du khách Hàn Quốc cho rằng phở chuẩn vị ở Việt Nam không giống phiên bản phở được bán tại xứ sở kim chi.