Tại buổi lễ giới thiệu đề án khôi phục làng Cựu tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của Hiệp hội làng nghề, Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Viện nghiên cứu ứng dụng mỹ thuật sản phẩm làng nghề Việt Nam, các nghệ sĩ, họa sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cộng đồng…

Một số hoạt động đáng chú ý đã diễn ra tại buổi lễ, trong đó, triển lãm các bức ảnh nghệ thuật khắc họa nét đẹp và đời sống tại làng Cựu, sản phẩm thời trang kết hợp nét đẹp của Phương Đông – Phương Tây của nhà thiết kế La Phạm v.v...
Vốn được biết đến với các thiết kế áo dài mang đậm tinh thần giao thoa giữa văn hoá truyền thống Việt Nam và các nét đẹp tinh hoa của văn hoá phương Tây, nhà thiết kế La Phạm quyết định tham gia vào dự án khôi phục làng Cựu lần này.

Nói về lý do tham gia vào dự án, nhà thiết kế La Phạm cho biết: "Ngay từ lúc khởi nghiệp, tôi đã có định hướng rõ ràng là muốn đóng góp vào ngành thủ công Việt Nam. Chính vì thế khi được mời tham gia dự án khôi phục làng Cựu, tôi cảm thấy như điều mình luôn mong ước và ấp ủ đã tự tìm đến".
Nhà thiết kế La Phạm cũng trăn trở khi các ngành thủ công lâu đời đã dần chết đi trong khi các ngành công nghiệp phát triển và mặt hàng rẻ từ Trung Quốc được bán tràn lan ở thị trường Việt Nam. "Mặc dù chỉ mới theo ngành thời trang trong nước được 4 năm nhưng tôi cũng sẽ cố gắng đóng góp hết những kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình vào dự án này" – nhà thiết kế La Phạm nhấn mạnh.
Ngoài ra, một lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa 3 bên gồm PGS. TS. Phạm Hùng Cường- đại diện Khoa Kiến trúc và Quy hoạch ĐH Xây dựng, TS. Lê Quỳnh Chi - đại diện Nhóm nghiên cứu phát triển, và Ông Alberto Sebastinelli - đại diện Desk Italia đã cùng cam kết hợp tác phát triển làng Cựu, bảo tồn giá trị văn hóa và phát triển kinh tế địa phương.
Đây cũng là những định hướng tiếp cận phát huy giá trị nghề và không gian kiến trúc, thu hút du khách đến tìm hiểu và tham quan làng Cựu.
Làng Cựu nằm cách trung tâm Hà nội khoảng 40km, giữ trong mình nhịp sống thong thả giữa các công trình cổ kính và lịch sử may mặc đầy tự hào những năm đầu thế kỷ 20. Vốn là làng thuần nông, những năm 1920, sau trận cháy rụi từ đầu làng đến cuối làng, người làng Cựu bươn chải ra các đô thị lớn để kiếm sống.
Từ đây, với bàn tay tài hoa, người làng Cựu đã trở thành những thợ may "đệ nhất Hà thành", chuyên may mặc đồ cho ông tây bà đầm. Cũng với sự tài hoa đó, người làng Cựu đã cho xây tại làng những "biệt thự" mang âm hưởng giao hòa của nghệ thuật kiến trúc Phương Đông và Phương Tây.
Theo TS. Lê Quỳnh Chi, trong 49 ngôi nhà cổ tại làng Cựu, hơn một nửa trong số đó bị bỏ hoang hoặc chỉ có 1 người ở. Nghề may của làng cũng bị mai một, hiện nay người làng Cựu chủ yếu nhận gia công những bộ vest hoặc trang phục công sở đại trà.
Sau một thời gian dài quên lãng, những ngày đầu năm 2020, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (ĐH Xây dựng) và Nhóm nghiên cứu mô hình làng nghề - du lịch và làng di sản – du lịch (ĐH Xây dựng) đã có những hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế.
Theo TS. Lê Quỳnh Chi, trưởng nhóm nghiên cứu, đề án phát triển làng Cựu sẽ được tiến hành dựa trên hai trụ cột: khôi phục lại thương hiệu may thông qua giải pháp mới cho nghệ thuật làm Đẹp (thời trang, đồ thủ công, nội thất) và tái sử dụng thích nghi các công trình cổ tại làng Cựu.
Nhóm nghiên cứu hy vọng, làng Cựu trong tương lai sẽ trở thành trung tâm sáng tạo, đóng góp cho mục tiêu phát triển Hà Nội, lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng văn hóa cho quá trình phát triển đô thị bền vững.