Để được học nghề, Bảo Bảo đã trở thành người “nhắc tuồng” giúp Năm Chà hát trọn vẹn một đoạn cải lương ngắn trong vở “Vụ án Mã Ngưu”. Tiết mục đặc sắc của cả hai khách mời khiến Quang Huy và ông Bùi Văn Giang (Tám Giang) thích thú, ngay lập tức được nhận vào học nghề làm lu.
Trong cuộc trò chuyện, ông Giang cho biết làng nghề đã có hơn 180 năm tồn tại và ông là đời 6 của gia đình tiếp tục lưu giữ nghề này. Với gia đình ông, mọi người ở lò lu Đại Hưng đều vì yêu nghề mà tiếp tục làm, họ yêu những giá trị lịch sử trăm năm nơi đây.
Chính mong muốn bảo tồn làng nghề nên các nghệ nhân ở Đại Hưng vẫn lưu giữ cách làm thủ công truyền thống mà hiếm hoi các làng nghề nơi khác giữ được.
Hai khách mời bày tỏ sự khâm phục vì làng nghề đã lâu năm nhưng chú Tám Giang và gia đình vẫn lưu giữ được cách làm thủ công có phần vất vả.
Đặc biệt, khi biết có tới 7 công đoạn để tạo thành một cái lu hoàn chỉnh, Năm Chà và Bảo Bảo đã vô cùng bất ngờ vì sự kỳ công. Ông Tám Giang nói thêm: “Để làm lu ở đây phải nhào nặn ra 3 đoạn (3 phần) ráp lại mới hình thành hình dáng của một cái lu.
Sau đó, các nghệ nhân sẽ dùng khun đắp nổi hình rồng, phượng lên thân lu. Tráng men, phơi nắng rồi đem nung ở lò củi truyền thống là có thành phẩm”. Ngoài ra, ông Giang cũng tự hào vì lò lu Đại Hưng là làng nghề lâu đời, mỗi năm đón hàng chục nghìn học sinh, sinh viên ghé thăm, tìm hiểu và học hỏi.
Trong phần “Thử tài bách nghệ”, Năm Chà đã đối đầu với Bảo Bảo thực hiện hai công đoạn làm lu là nhào nặn đế lu và tráng men. Sau một hồi loay hoay, cả hai đều có được thành phẩm như mong muốn của mình và nhận về món quà lưu niệm đến từ ông Tám Giang.
Lò lu Đại Hưng ở đường Lò Lu, phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương là lò gốm chuyên sản xuất các loại lu, khạp nổi tiếng từ hàng trăm năm nay.
Sự tồn tại và phát triển của lò lu đặc biệt này vừa giúp lưu giữ được một nghề truyền thống của địa phương, vừa góp phần phát triển kinh tế trong vùng. Sản phẩm chủ yếu ở lò lu Đại Hưng là lu, khạp, vại, chậu. Trong đó, lu là sản phẩm chính, loại lớn nhất có thể chưa tới 200 lít nước.
Khạp cũng dùng để chứa nước nhưng nhỏ hơn lu. Các sản phẩm ở đây đều có màu đặc trưng là màu vàng da bò hoặc da lươn. Các hoa văn trang trí thường là hình rồng, phụng được đắp nổi.
Trải qua bao biến động của lịch sử, lò lu Đại Hưng vẫn giữ được những phương thức sản xuất theo lối thủ công truyền thống. Đó là cách nặn gốm bằng tay, màu sắc cổ điển, nguyên vật liệu được khai thác tại địa phương và chất đốt bằng củi, chưa sử dụng kỹ thuật, máy móc hiện đại. Ngày 3.10.2006, lò lu Đại Hưng được UBND tỉnh Bình Dương xếp hạng Di tích cấp tỉnh.