Ai cũng thích nuôi thú cưng nhưng phải phù hợp với quy định
Đó là ý kiến chung của rất nhiều người đang sinh sống trong các chung cư ở TPHCM hiện nay. Họ cho rằng, hầu hết mọi người đều rất muốn có một thú cưng để bầu bạn, nhất là chó, mèo.
Cách đây chừng vài ngày, trên một nhóm kín tập hợp gần 1000 cư dân của khu chung cư vừa mới đưa vào sử dụng ở huyện Bình Chánh, tranh cãi về việc nên hay không nuôi chó mèo trong chung cư trở thành đề tài bàn tán sôi nổi xen lẫn nhiều ý kiến khá trái chiều.
Theo đó, sau một ngày làm việc về, chủ nhân một căn hộ phát hiện có một chú chó Nhật trước một căn hộ của hàng xóm rồi chụp hình đăng lên nhóm facebook kín của cư dân với nội dung chú chó này đang nhe răng và có thể sẽ gây nguy hiểm cho mọi người.
Ngay lập tức, bức ảnh cùng dòng trạng thái của nam cư dân này nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng chú chó khá nhỏ, xinh xắn và hình như không gây nguy hiểm gì nhưng cũng có người cho rằng việc nuôi chó trong chung cư có thể gây nguy hiểm cho người khác, nguy cơ phát tán lông thú trong không khí, ảnh hưởng sức khỏe…
Chừng vài tiếng sau, chủ nhân của chú chó lên tiếng và khẳng định chú chó của mình hiền, không cắn ai. Nữ chủ nhà này cũng cho rằng mình nuôi chó rất có ý thức, đảm bảo thú cưng của mình sẽ không gây nguy hiểm gì cho ai, không gây ô nhiễm môi trường.
Đi kèm với lời giải thích, cô gái cũng lên tiếng phản ứng với chủ nhân tấm ảnh rằng chú chó của mình không nhe răng đe dọa như bị phản ánh cũng như khẳng định sẽ tiếp tục nuôi chú chó kia nếu Ban quản lý chung cư cho phép, còn không thì cô sẽ đưa thú cưng của mình đi nơi khác cho phù hợp qui định.
Có nên nuôi thú cưng ở chung cư?
Theo chia sẻ của một cư dân trong khu chưng cư này thì trước đây cô cũng có nuôi một chú chó giống nước ngoài. Tuy nhìn bề ngoài khá nhỏ bé nhưng tính tình chú chó khá hung dữ và chính bản thân cô cũng đã bị một chú chó khác do mình nuôi cắn vào mặt. Chưa kể gia đình cô phải nhiều lần lo thuốc thang cho nhiều người khác khi bị thú cưng của mình tấn công.
Cô gái kể, theo qui định của nhà nước thì khi dẫn chó ra đường phải rọ mõm nhưng do chú chó này khá dữ nên rất khó rọ mõm. Nếu tháo ra cho chú ăn uống rồi thì không thể rọ lại được. Còn tiêm ngừa, vệ sinh cũng gặp nhiều khó khăn khi “chú pet” này không chịu hợp tác.
Chính vì gặp nhiều khó khăn như vậy nên cô khuyên mọi người trong chung cư mình ở nên cân nhắc, nếu Ban quản lý cho phép thì nuôi, còn không thì đừng vì không gian chung cư đan xen của chung, của riêng; đừng vì muốn có thú cưng bên cạnh mà gây phiền phức cho mọi người cũng như mang lại rắc rối. Chia sẻ của nữ cư dân được nhiều người tán thành.
Để chấm dứt tranh cãi về đề tài này, BQL chung cư nọ đã ra văn bản quy định cấm nuôi thú cưng cũng như gia cầm trong chung cư. Đối với những hộ đang “lỡ” nuôi, BQL yêu cầu phải rọ mõm khi đưa ra khỏi nhà, thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Đến ngày 23.2, phải di dời thú cưng đến nơi khác. Quyết định này được hầu hết cư dân ủng hộ nhưng cũng nhiều người tiếc nuối khi sắp phải chia tay thú cưng của mình.
Theo tìm hiểu, Chính phủ đã có quy định cụ thể về việc nuôi nhốt, chăn thả gia súc, gia cầm ở các khu chưng cư. Theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở 2014 (có hiệu lực từ ngày 10.12.2015), cấm hành vi chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư. Theo đó, việc nuôi chó, mèo, thú cảnh ở chung cư bị cấm.
Ngoài ra, còn có nhiều quy định trong các văn bản pháp quy khác về vấn đề này. Theo đó, về cơ bản việc nuôi nhốt, chăn thả gia súc gia cầm trong chung cư đều bị cấm hoặc hạn chế để đảm bảo an toàn cho người dân, bảo vệ môi trường, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, các văn bản này còn đưa ra chế tài đối với các trường hợp vi phạm.