Tuần này, chương trình trở lại tỉnh Bình Dương để được lắng nghe câu chuyện đời, chuyện nghề của anh Lê Xuân Trung (1981) và chị Phạm Thị Kim Dung (1976), ngụ ấp Suối con, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo.
Anh Trung kể, trước đó, gia đình anh gặp nhiều khó khăn, cha mẹ chủ yếu sinh sống bằng nghề làm vườn. Năm 15 tuổi anh đã nghỉ học để cùng cha gánh vác gia đình. Vào năm 18 tuổi, trong một lần đi cuốc đất thuê, không may gặp tai nạn nổ mìn, anh may mắn giữ được mạng sống nhưng mãi mãi mất đi ánh sáng và khuyết tật một bàn tay.
Từ một thanh niên làm trụ cột gia đình, anh Trung trở thành người khiếm thị, mọi sinh hoạt đều phải có sự giúp sức của người thân. Không đầu hàng số phận, không chấp nhận làm gánh nặng gia đình nên anh Trung xin cha mẹ đến Hội Người mù tỉnh Bình Dương học nghề bó chổi. Khi gặp được những người bạn cùng cảnh ngộ, anh Trung như sống lại cuộc đời mới, vui vẻ và lạc quan hơn. Và cũng chính nơi này, anh Trung gặp được chị Phạm Thị Kim Dung quê gốc Lái Thiêu, Bình Dương.
Khác với anh Trung, chị Dung bị sốt phát ban từ năm 3 tuổi để lại di chứng mù 2 mắt. Năm 16 tuổi, chị rời gia đình và đến Hội Người mù tỉnh Bình Dương sinh sống và làm việc cho đến khi gặp anh Trung. Chị Dung làm quen với bóng tối khi còn rất nhỏ nên chị cũng vui vẻ chấp nhận cuộc sống của mình. Vì sự lạc quan ấy mà chị đã giúp anh vượt qua những mặc cảm lúc mới tập làm quen với cảnh sống mù lòa.
Chị Dung được phân công dạy cho anh Trung nghề làm chổi. Với người mù làm chổi đã khó, anh Trung chỉ còn một bàn tay thì việc học nghề còn khó khăn hơn gấp bội. Nhưng với sự kiên trì cộng thêm sự chỉ dạy tận tình của chị Dung, anh Trung đã thạo nghề và bó được những cây chổi bền đẹp. Từ những đồng cảm tật nguyền, anh chị đã cảm mến nhau và nên duyên vợ chồng. Anh chị có một con trai và đặt cho con tên Lê Thiên Thạch với mong muốn con bình an, rắn rỏi và lành lặn lớn lên.
Năm nay, Thiên Thạch đã 17 tuổi vừa hoàn thành xong chương trình lớp 11 và chuẩn bị lên lớp 12. Nhìn con từng ngày lớn lên, vợ chồng anh Trung như được an ủi và rất tự hào vì Thiên Thạch luôn chăm ngoan, học giỏi.
Những ước mơ tuổi trẻ của anh gián đoạn sau tai nạn, giờ đây con trai đã thay cha mẹ viết tiếp ước mơ học hành. Dù khó nghèo nhưng vợ chồng anh Trung vẫn luôn miệt mài với nghề chổi để con trai mình có thêm điều kiện học lên cao hơn, tương lai rộng mở hơn cha mẹ.
Thế nhưng, thu nhập từ công việc bán chổi cũng bấp bênh do thiếu vốn mua nguyên liệu. Nhà anh chị lại nằm trong vùng sâu vùng xa, muốn bán chổi phải mất nhiều chi phí vận chuyển lên Bình Dương.
Chưa có mặt bằng ổn định nên anh Trung chủ yếu mang chổi đi bán dạo. Anh Trung thường xuyên bị lạc đường, việc bán dạo cũng gặp nhiều nguy hiểm. Nhưng vì tương lai của con trai, vợ chồng anh chị vẫn luôn một lòng bám trụ với nghề và hy vọng về một số vốn vực dậy nghề chổi để nối dài con đường học vấn cho con.
Thấu hiểu được những cố gắng của cả hai nên “Thần tài gõ cửa” đã quyết định mời anh chị đến với chương trình và giúp họ viết tiếp những ước mơ còn dang dở.