Từ tỉnh thuần nông đến thủ phủ công nghiệp
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trước kia là một "tỉnh miệt vườn", dân cư ít chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt và các nghề thủ công truyền thống như làm gốm, sơn mài.... Giao thông ban đầu chỉ có hai trục chính là sông Sài Gòn và Quốc lộ 13.
Từ những năm đầu thập niên 90 và đặc biệt từ dấu mốc tái lập tỉnh ngày 1.1.1997, Bình Dương bắt đầu chuyển hướng, xây dựng dựng hạ tầng khu công nghiệp, mở rộng các tuyến giao thông kết nối vùng, tạo chính sách thông thoáng... mời gọi nhà đầu tư đến xây dựng nhà máy sản xuất, kinh doanh.
Trong 2 thập niên gần đây, dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước ồ ạt chảy về Bình Dương, nhà máy mọc lên khắp nơi, nguồn nhân lực các tỉnh cũng tập trung về.
Kinh tế của Bình Dương có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp - dịch vụ. Diện mạo các đô thị xung quanh các khu công nghiệp hình thành nhanh chóng biến vùng đất thuần nông trở thành những khu, cụm công nghiệp trọng điểm của cả nước.
Đến nay, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp (27 khu công nghiệp đi vào hoạt động) với tổng diện tích 12.670,5 ha, tỷ lệ cho thuê đạt 87,4%. Tỉnh có 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 790 ha, lấp đầy 67,4%. Trong đó có những khu công nghiệp tiêu biểu cho cả nước về xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại, về tốc độ thu hút đầu tư, quản lý sản xuất và bảo vệ môi trường như VSIP 1, 2, Mỹ Phước, Đồng An, …
Bằng những chính sách phù hợp, Bình Dương có 4.011 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 37 tỉ USD.
Hình thành vùng đô thị thông minh
Những năm gần đây tốc độ đô thị hóa ở Bình Dương diễn ra nhanh, hình thành nhiều đô thị phát triển hiện đại. Tháng 1.2020, Dĩ An và Thuận An được nâng cấp lên thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương. Tân Uyên và Bến Cát đang thực hiện mục tiêu lên sẽ chuyển từ đơn vị hành chính cấp thị xã lên thành phố vào năm 2022-2023. Đây là những đô thị trẻ có nhiều lợi thế phát triển.
Với những định hướng chiến lược và bước đi phù hợp, Bình Dương đang sẵn sàng cho những bứt phá mới, ngoạn mục hơn để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Đáng chú ý, từ năm 2016, Bình Dương triển khai Đề án thành phố thông minh, từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Đề án này lấy nòng cốt là xây dựng mối tương tác giữa "ba nhà" gồm: Nhà nước - nhà khoa học (trường, viện nghiên cứu) và nhà doanh nghiệp.
Sau 5 năm phát triển, ngày 1.7.2021 vừa qua, Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã công nhận Vùng thông minh Bình Dương trong TOP 7 cộng đồng có chiến lược phát triển Thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới năm 2021.
Nhiều dự án đang triển khai
Năm 2021, dù dịch bệnh COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, tỉnh Bình Dương vẫn tiếp tục mời gọi đầu tư nước ngoài. Đến nay, nhiều dự án lĩnh vực đô thị, thương mại, công nghệ... đang triển khai ở khu vực trung tâm thành phố mới Bình Dương. Mới nhất, ngày 28.12, tại Thành phố mới Bình Dương, Công ty TNHH Becamex Tokyu đã tổ chức khánh thành Chung cư SORA Gardens II và Lễ khởi công xây dựng Trung tâm Thương mại SORA Gardens SC. Dự án này tiếp tục tạo động lực cho vùng đô thị thông minh phát triển.