Tương tự như bệnh tiểu đường tuýp 2, tiểu đường thai kỳ phát triển khi các tế bào gan, cơ và mỡ không phản ứng tốt với insulin - một loại hormone điều chỉnh lượng glucose (đường) trong máu.
Đúng như tên gọi, bệnh tiểu đường thai kỳ chỉ phát triển ở phụ nữ mang thai. Nguyên nhân đến từ những thay đổi trong cơ thể (bao gồm thay đổi nồng độ hormone) khi mang thai và khiến lượng đường trong máu tăng cao.
Nếu không được kiểm soát, tình trạng này có thể gây hại - thậm chí gây tử vong cho cả mẹ bầu và thai nhi, đồng thời có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 sau này.
Chế độ ăn kiêng phù hợp cho người mắc bệnh tiểu đường thai kỳ
Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA), việc điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ luôn bao gồm các chế độ ăn uống lành mạnh chuyên biệt do các bác sĩ tư vấn xây dựng và tập thể dục thường xuyên.
Về cơ bản, chế độ ăn kiêng cho bệnh tiểu đường thai kỳ tập trung vào thực phẩm giàu chất xơ như các loại rau xanh, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt và các chất dinh dưỡng quan trọng khác, ít chất béo và calo.
Ăn nhiều bữa nhỏ đều đặn trong ngày cũng có thể giúp giữ mức đường huyết ổn định.
Các phương pháp thể dục trị liệu cho người mắc bệnh tiểu đường thai kỳ
Thường xuyên tập thể dục là phương pháp hữu hiệu để giúp kiểm soát lượng đường trong máu của mẹ bầu.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ nên tập thể dục ở mức độ vừa phải đến cường độ cao ít nhất 30 phút/ngày và ít nhất 5 ngày/ tuần.
Những bài tập từ đơn giản đến trung bình có thể bao gồm đi bộ nhanh, bơi lội, khiêu vũ, thể dục nhịp điệu hoặc chỉ đơn giản là tích cực chơi với trẻ em.
Nên tránh các hoạt động tiềm ẩn nguy hiểm, bao gồm bóng rổ và bóng đá hoặc các môn thể thao cần vận động mạnh.
Trong ba tháng đầu của thai kỳ, mẹ bầu cũng nên tránh các bài tập đòi hỏi phải trong tư thế nằm ngửa, điều này có thể gây áp lực lên một số mạch máu và vô tình hạn chế lưu lượng máu đến em bé.
Người mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cần thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu.
Tương tự như bất kỳ dạng bệnh tiểu đường nào, người mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cần thường xuyên kiểm tra mức đường huyết bằng máy theo dõi đường huyết. Mẹ bầu nên kiểm tra lượng đường trong máu vào mỗi buổi sáng và 1 - 2 giờ sau mỗi bữa ăn trong ngày.
Mức đường huyết bình thường theo các khoảng thời gian trong ngày (theo ADA):
95 miligam/dl (mg/dl) hoặc thấp hơn: Khi bạn thức dậy và trước bữa ăn
140 mg/dl hoặc thấp hơn: Một giờ sau bữa ăn
120 mg/dl hoặc thấp hơn: Hai giờ sau bữa ăn
Nếu mức đường huyết của bạn không đạt được theo chỉ số này chỉ thông qua chế độ ăn kiêng và tập thể dục, bạn có thể liên hệ bác sĩ và dùng thuốc để giảm mức đường trong máu.