Bể bơi - ổ bệnh của mùa hè

Hà Lê |

Vào những ngày nắng nóng, một trong những cách giải nhiệt được nhiều người nghĩ tới là xuống bể bơi. Tuy nhiên, bể bơi công cộng nếu nguồn nước không được thay thường xuyên dẫn tới tình trạng ô nhiễm, mất vệ sinh, nguy cơ tiềm ẩn nhiều bệnh.

Bể bơi (nhất là bể ngoài trời) được coi là nơi dễ bị ô nhiễm nhất. Những bể dạng này thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài, dễ bị nhiễm khuẩn bởi bụi bẩn, các loại vi trùng, tảo bào tử trong nước mưa, phân chim... Ngoài ra, nguồn thải ô nhiễm ra bể bơi còn bao gồm các vi sinh vật, lượng dầu bài tiết trên cơ thể người đi bơi như mồ hôi, mỹ phẩm, kem chống nắng, nước tiểu, nước bọt...

Do đó, nước bể bơi bắt buộc phải được xử lý hóa học trước khi đem vào sử dụng. Thành phần không thể thiếu trong nước bể bơi thường bao gồm clo. Đây là hóa chất dùng để khử trùng, tiêu diệt các thành phần gây ô nhiễm nước bể bơi.

Những bệnh dễ lây từ bể bơi

Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết dù mới đầu hè nhưng số bệnh nhân đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng. Nhiều người nói nhìn vào mắt của những người bị đau mắt đỏ sẽ lây bệnh nhưng thực tế không phải như vậy. Đau mắt đỏ chỉ lây qua 3 hình thức: Hơi thở và nước bọt, lây trực tiếp tay - mắt, quan hệ tình dục. Chỉ cần người bị đau mắt đỏ dụi mắt, sau đó nắm các vật dụng sinh hoạt chung như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, ga đệm, bàn ghế, đồ chơi… có thể mang virus ra ngoài. Người chưa mắc bệnh khi tiếp xúc với virus từ các vật dụng sinh hoạt này, đưa tay lên mũi, mắt là có thể bị nhiễm bệnh.

Cũng theo bác sĩ Hoàng Cương, bệnh đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc): là căn bệnh gặp phổ biến nhất khi bơi lội, nhất là khi hồ bơi quá tải, tình trạng xử lý nước hồ bơi không đạt vệ sinh. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện mắt đỏ, ngứa, chảy nước mắt... Nguyên nhân gây ra bệnh một phần xuất phát từ việc nhiễm khuẩn trong nước hồ bơi, phần còn lại là lây chéo từ những người đã mắc sẵn các bệnh lý về mắt trước đó. Nhiều bể bơi lạm dụng hóa chất còn làm cho người bơi dễ mắc chứng khác về mắt như: khô mắt, đỏ mắt.

Các bệnh về da cũng dễ mắc nếu bơi ở những bể không đảm bảo vệ sinh. Tình trạng quá tải của bể bơi công cộng, nhất là trong những ngày nắng nóng, khiến cho lượng tế bào chết có trong nước nhiều. Đặc biệt thói quen xấu của một số người khi đi tiểu vào ngay trong nước bể bơi, khạc nhổ nước bọt bừa bãi càng khiến cho nước dễ bị ô nhiễm.

Trong trường hợp nguồn nước tại các bể bơi công cộng không đạt chuẩn, hệ thống khử nước không đảm bảo và nước không được thay thường xuyên… là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển gây ra một số bệnh trên da như: viêm da dị ứng, viêm nang lông, viêm lỗ chân lông, nhiễm nấm… Những biểu hiện dễ thấy là mẩn ngứa, nổi ban đỏ, mụn nhọt có mủ. Ngoài ra, một số bể bơi có sử dụng hóa chất tẩy rửa mạnh cũng có nguy cơ gây kích ứng cho da.

Nguy hiểm nhất là những trường hợp người bị nấm da khi tắm tại bể bơi công cộng có thể là nguồn lây nhiễm bệnh cho cộng đồng. Thông qua tiếp xúc với nước trong bể bơi, nấm sẽ bám vào da, quần áo… của những người tắm cùng, làm lây bệnh nấm da.

Bệnh viêm mũi, tai: Do bị nước lọt vào tai, nhất là nguồn nước ô nhiễm chứa nhiều vi khuẩn gây các bệnh viêm tai, mũi. Khi thấy tai, mũi có hiện tượng đau, ngứa, chảy nước, sốt nhẹ, phải ngừng bơi và đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được khám và điều trị.

Bệnh phụ khoa: Các tác nhân gây bệnh trong nước bể bơi dễ xâm nhập cơ thể gây nhiễm nấm, viêm nhiễm đường sinh dục, nhất là với các bé gái và phụ nữ.

Cần trang bị phương tiện bảo hộ và giữ vệ sinh chung

Các bác sĩ khuyến cáo, khi xuống bể bơi nên trang bị các phương tiện bảo hộ như kính, mũ bơi... để bảo vệ cho các vùng nhạy cảm trên cơ thể, nhất là đôi mắt.

Vệ sinh cá nhân sạch sẽ sau khi bơi: Sau khi bơi, nên tắm lại bằng nước sạch rồi lau khô và dùng bông tai thấm khô nước trong tai, rửa mắt, mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý. Vệ sinh sạch sẽ vùng kín bằng các dung dịch vệ sinh có hoạt tính dịu nhẹ. Lưu ý, phụ nữ trước và trong kỳ “đèn đỏ” hay đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa thì không nên đi bơi.

Hà Lê
TIN LIÊN QUAN

Cẩn trọng khi đắp mặt na đông y không rõ nguồn gốc

Anh Nhàn |

Nghe theo lời quảng cáo về một loại mặt nạ đông y đắp lên đẹp, trắng da, cô gái 21 tuổi mua về sử dụng khiến mặt bị sưng phù, nổi mụn mủ… phải nhập viện điều trị.

Ngày hè nắng nóng coi chừng sốc nhiệt

Hà Lê |

Cả nước đang trải qua một đợt nắng nóng cao độ với nhiệt độ ngoài trời thường xuyên ở mức cao. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy rất dễ dẫn đến các vấn đề sức khỏe do nóng như cháy nắng, chuột rút, ngất, say nắng… trong đó nguy hiểm nhất là sốc nhiệt (Heat Stroke).

Những dấu hiệu nhận biết bệnh huyết áp thấp

Hà Thanh |

Nếu huyết áp thấp nhưng không kèm theo bất kỳ triệu chứng nào thì không cần thiết phải lo lắng. Vì huyết áp thấp chỉ nguy hiểm khi kèm theo các triệu chứng như hoa mắt hoặc chóng mặt, đau đầu, nhịp thở nhanh, mệt mỏi, trầm cảm, cảm giác khát...

Bệnh lupus ban đỏ và phát ban trên da: Nguyên nhân do đâu?

Tâm An |

Lupus ban đỏ là một bệnh mạn tính, trong đó hệ thống miễn dịch cơ thể tạo ra các protein gọi là tự kháng thể tấn công các tế bào và mô của chính cơ thể. Tuy chưa có cách chữa trị khỏi nhưng người mắc bệnh lupus ban đỏ có thể kiểm soát các triệu chứng bằng phương pháp điều trị thích hợp.