Suýt tử vong do uống quá liều thuốc Paracetamol 500mg
Thông tin từ khoa Hồi sức Tích Cực - Chống Độc, Bệnh viện (BV) Nhi đồng TPHCM cho biết, việc sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol loại 500mg quá liều sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong do suy gan cấp,…Cụ thể, trường hợp bệnh nhi nữ N.T.H.V (13 tuổi, ngụ tại Tiền Giang), trước đó, khoảng 20h ngày 12.8, V đã tự uống 40 viên thuốc Paracetamol 500mg (thuốc gia đình mua để ở nhà trị nhức đầu, cảm cúm). Sau 2 giờ uống thuốc, em V cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, mệt,… Biết được sự việc, người nhà đã đưa V đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Tại bệnh viện này, V đã được rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính nhưng tình trạng diễn tiến không thuận lợi. Bệnh nhân V tiếp tục mệt, nôn ói, xét nghiệm máu cho thấy men gan tăng rất cao gần 1000 đơn vị/lít (bình thường < 40-50 đơn vị/lít) nên lập tức được chuyển đến BV Nhi đồng TPHCM điều trị.
Theo các bác sĩ khoa Hồi sức Tích Cực - Chống Độc, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, thời điểm nhập viện, V trong trạng thái lừ đừ, nôn ói, chóng mặt, mạch nhanh, tay chân lạnh,… V đã được điều trị tích cực, tăng thải và truyền thuốc giải độc tính Paracetamol. Hiện tình trạng của bệnh nhi V. cải thiện dần, men gan giảm đáng kể, tỉnh táo,… và được theo dõi tại khoa Hồi sức Tích Cực - Chống Độc, được tiếp xúc giải tỏa tâm lý với các chuyên gia tâm lý tại bệnh viện.
Tương tự, mới đây một bệnh nhi (27 tháng tuổi, quê Phú Thọ) bị hôn mê sau khi vào viện với dấu hiệu ngộ độc Paracetamol do sử dụng quá liều. Trước đó, người nhà đã cho bé uống thuốc hạ sốt Paracetamol 500mg với liều lượng 4 viên/ngày khi bé sốt cao. Chỉ 2 giờ sau khi vào viện, bệnh nhi rơi vào hôn mê, đồng tử 2 bên co nhỏ, phản xạ ánh sáng kém, tim nhịp nhanh, huyết áp tụt, triệu chứng suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, men gan tăng cao. Theo bác sĩ đánh giá, đây là trường hợp bệnh nặng, tiên lượng tử vong nếu không được ghép gan….
Cần dùng đúng liều lượng
Bác sĩ chuyên khoa 2, Nguyễn Minh Tiến - BV Nhi đồng TPHCM cho biết, Paracetamol là thuốc hạ sốt thông thường nhưng có thể gây ngộ độc nặng, tổn thương gan nặng nề nếu sử dụng không đúng chỉ định, đúng liều, đặc biệt rất nguy hiểm đối với trẻ em. Theo đó, nguyên nhân thường nhất của sốt là nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Khi bị tác nhân gây bệnh xâm nhập, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tăng thân nhiệt nhằm thúc đẩy các phản ứng bảo vệ để loại trừ mầm bệnh,… Do đó, sốt không phải là một bệnh, mà là một dấu hiệu tốt cho thấy cơ thể của bé đang tích cực chống lại tác nhân gây bệnh. “Việc quan trọng là tìm ra nguyên nhân gây sốt, chứ không phải là hạ sốt bằng mọi cách”, bác sĩ Tiến cho biết thêm.
Ngoài ra, cần biết cách chăm sóc cho trẻ khi sốt. Theo đó, cần cởi bỏ bớt chăn mền, quần áo, chỉ cho trẻ mặc một lớp quần áo mỏng bằng cotton để cơ thể tỏa nhiệt làm giảm sốt; Cho trẻ uống nhiều nước, ăn uống bình thường vì sốt làm trẻ mất nước. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi có nhiệt độ > 38 độ C. Thuốc được chọn để hạ sốt thường là paracetamol vì đây là thuốc hiệu quả nhanh, có tác dụng 30 phút và kéo dài từ 4 - 6 giờ, ít tác dụng phụ. Cần cho trẻ uống đúng liều 10 - 15 mg/kg/lần, ngày uống 4 lần nếu trẻ còn sốt. Lau mát bằng nước ấm (nuớc thường pha ấm để tắm em bé) khi trẻ sốt cao trên 40 độ C gây khó chịu trong khi chờ tác dụng của thuốc hạ sốt hoặc trẻ đang co giật.
Việc lau mát hạ sốt thường áp dụng cho trẻ từ 6 tháng - 5 tuổi, không áp dụng cho trẻ sơ sinh vì dễ gây mất nhiệt, hạ thân nhiệt. Nước ấm giúp mạch máu dưới da dãn nở tốt giúp thải nhiệt. Tránh dùng nước lạnh hay nước đá sẽ làm các mạch máu co lại không tỏa nhiệt được. Thường dùng 4 khăn nhúng nước ấm, vắt hơi ướt, đắp 2 bên nách, 2 bên bẹn, một khăn khác đắp lau khắp người trẻ. Kiểm tra nhiệt độ trẻ mỗi 15 - 30 phút, ngưng lau mát khi nhiệt độ dưới 38 độ C.
Cũng theo bác sĩ Tiến, tuyệt đối không nên quấn kín trẻ; kiêng ăn uống; nặn chanh, đổ thuốc vào miệng trẻ khi trẻ đang co giật vì gây sặc, tắc đường thở đưa đến tử vong; cạo gió, cắt lễ,… Đáng nói, việc phụ huynh biết cách xử trí khi trẻ sốt cao co giật là rất cần thiết. Theo đó, cần đặt trẻ nằm nghiêng một bên để đàm nhớt dễ chảy ra ngoài, tránh hít đàm nhớt vào phổi. Nhét hậu môn thuốc hạ nhiệt acetaminophen (Efferalgan…); Lau mát cho trẻ bằng nước ấm; Đưa trẻ tới cơ sở y tế để có hướng điều trị tiếp.
Trường hợp trẻ sốt quá 2 ngày, đối với trẻ < 2 tháng bị sốt, kèm một trong các dấu hiệu sau: ngủ li bì khó đánh thức, nôn ói, không ăn uống được, co giật, thở nhanh rút lõm ngực,… cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám. Ngoài ra, có khoảng 1/3 trẻ sốt cao co giật thường bị tái phát co giật khi sốt. Vì thế, các bà mẹ có trẻ tiền căn sốt cao co giật, phải tích cực hạ nhiệt và biết cách chăm sóc trẻ khi co giật. Riêng các trẻ tái phát co giật nhiều lần, cần đưa trẻ khám chuyên khoa thần kinh để được điều trị phòng ngừa,…