Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, trẻ yêu thích các video ăn uống, đặc biệt cảnh ăn kẹo bông gòn. Khi đi học mẫu giáo, gia đình có gửi kèm 1 con gấu bông nhỏ cho trẻ ôm khi ngủ trưa. Lớp học có gắn camera nhưng trẻ trùm kín chăn khi ngủ, nên không phát hiện được. Đến sau khi sự việc xảy ra, gia đình kiểm tra gấu bông có vết rách và mất đi 1/2 lượng bông nhồi.
Bác sĩ Nguyễn Đỗ Trọng - Khoa Ngoại nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, toàn bộ dị vật là bông gòn đựng đầy bát dung tích 500ml. Điều này chứng tỏ trẻ đã nuốt từ lâu, không tiêu hóa được gây tắc ruột.
Ca phẫu thuật kéo dài 1,5 giờ. Êkip bác sĩ cẩn trọng vuốt thông ruột kiểm tra để không bỏ sót dị vật. Hiện bệnh nhi đã tỉnh táo, ăn uống được. Sau khi sức khỏe phục hồi, trẻ được thăm khám, tư vấn với bác sĩ tâm lí.
Theo bác sĩ Đỗ Trọng, trẻ nhỏ bị tắc ruột do bã thức ăn không hiếm gặp. Tuy nhiên, trường hợp này rất hi hữu do trẻ tự lấy bông gòn trong búp bê yêu thích rồi ăn. Nếu không phẫu thuật kịp thời, trẻ có nguy cơ thủng ruột, viêm phúc mạc, có thể sốc nhiễm trùng, tử vong.
“Trẻ bị tắc ruột ở giai đoạn đầu thường khó xác định do dễ nhầm với việc trẻ bị táo bón hoặc bị rối loạn tiêu hóa thông thường. Phụ huynh nên lưu ý, dấu hiệu nhận biết ban đầu gồm xuất hiện cơn đau đột ngột, dữ dội, cơn đau tăng dần, trẻ đau đớn, quấy khóc. Trẻ bị tắc ruột do thức ăn thường có triệu chứng hay nôn hoặc buồn nôn đi kèm với chướng bụng” - bác sĩ Trọng khuyến cáo.
Để phòng tránh tắc ruột cho trẻ, phụ huynh cần quan tâm đến trẻ, giáo dục con những thức ăn được ăn và không thể ăn. Khi trẻ có dấu hiệu liên quan đến đường tiêu hóa như chán ăn, bỏ ăn, đau bụng, nôn, đi ngoài ra dị vật bất thường, phụ huynh cần đưa con đi khám để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.