Cách đây 3 năm, chị Trương Hà Ngọc ( 35 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) được bác sĩ chẩn đoán mắc rối loạn tiền đình. Suốt nhiều năm uống thuốc và đi khám chưa dứt triệu chứng, chị Ngọc luôn sống trong cảnh lo lắng về tình trạng sức khoẻ của mình. “Nhiều lúc làm việc hoặc đi chơi, cơ thể cứ thay đổi thất thường vì những cơn chóng mặt. Nay tôi vẫn đi khám bệnh đều đặn mong có ngày hết bệnh” - chị Hà Ngọc chia sẻ.
Tại Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày có hàng nghìn bệnh nhân đến khám bệnh nên không khó gặp những bệnh nhân có các triệu chứng chóng mặt. Theo bác sĩ Đào Duy Khoa - Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, bệnh lí chóng mặt có rất nhiều nguyên nhân. Trước hết, bệnh nhân cần hiểu được triệu chứng chóng mặt do rối tiền đình là như thế nào?
Hệ thống tiền đình là chức năng giúp cho cơ thể giữ được thăng bằng, phản xạ về tư thế, chuyển động phù hợp. Khi hệ thống tiền đình có vấn đề, bệnh nhân thường cảm thấy cơ thể chuyển động, lộn nhào, xoay tròn… mặc dù bệnh nhân lúc đó không làm những hành động đó.
Triệu chứng chóng mặt đơn thuần với chóng mặt do rối loạn tiền đình khác nhau. Chính vì vậy, bệnh nhân cần được chẩn đoán rõ ràng, chính xác để được điều trị đúng.
Cũng theo bác sĩ Đào Duy, đối với những bệnh nhân bị rối loạn tiền đình do các chấn thương ở vùng đầu, viêm màng nhĩ… thì rối loạn tiền đình có thể lành tính. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị các bệnh lý nặng hơn như u não, đột quỵ… việc chóng mặt rối loạn tiền đình khiến bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào.
“Chúng ta cần chú ý đối với những bệnh nhân bị rối loạn tiền đình do đột quỵ. Bởi đột quỵ có thời gian vàng để điều trị, nếu quá thời gian đó sẽ khó phục hồi. Khi nhận biết những cơn chóng mặt rối loạn tiền đình kèm đột quỵ, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được can thiệp kịp thời” - bác sĩ Đào Duy nói thêm.
Một số các nguy cơ khác mắc rối loạn tiền đình thường gặp là tuổi tác vì bất cứ ai dù ở độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh rối loạn tiền đình nhưng người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người trẻ. Ước tính cứ 100 người trên 40 tuổi trở lên thì có khoảng 35 người mắc bệnh rối loạn tiền đình.
Những người từng bị chóng mặt có nhiều khả năng bị choáng váng, hoa mắt, mất thăng bằng... trong tương lai sẽ là nhóm tăng nguy cơ bị bệnh rối loạn tiền đình.
Bác sĩ Đào Duy khuyến cáo, bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng và đủ liều theo đơn thuốc bác sĩ kê. Các loại thuốc và liều lượng sử dụng của mỗi người là khác nhau, tùy thuộc và quá trình kiểm tra, xét nghiệm lâm sàng xác định nguyên nhân và mức độ tổn thương của bệnh.
Bên cạnh đó, bệnh nhân nên tập các bài tập phục hồi chức năng tiền đình. Các bài tập này được sẽ giúp tăng cường hoạt động phối hợp các bộ phận của cơ thể, giúp não nhận biết tín hiệu và xử lý các tín hiệu từ tiền đình thông suốt, nhịp nhàng hơn. Tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe, tăng cường lưu thông khí huyết, giúp quá trình tuần hoàn máu não ổn định hơn. Đồng thời, giảm bớt áp lực, căng thẳng cho người bệnh. Người bệnh cũng cần có chế độ ăn uống hợp lý, ăn đầy đủ các nhóm chất, cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể; ăn nhiều rau, củ, quả; hạn chế các đồ ăn chiên xào, đồ ăn nhiều dầu mỡ...
Nếu các biện pháp điều trị bệnh rối loạn tiền đình trên không có hiệu quả, không cải thiện tình trạng bệnh thì bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.