Trao đổi với báo Lao Động, bác sĩ Trần Hoa - Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cho biết: “Nhiều người dân đến khám bệnh trong tình trạng đau gót chân. Không những vậy, người mắc bệnh đau gót chân thường xen lẫn với những bệnh lý cơ xương khớp khác”.
Viêm cân gan bàn chân là tình trạng đau ở mặt dưới gót chân. Người bệnh cảm thấy đau liên tục hoặc đau tăng lên khi vận động, đau tại chỗ hoặc lan dọc theo gân bị tổn thương, có thể gây hạn chế vận động khớp liên quan. Quanh vùng gót chân có thể sưng, nóng, đỏ, ấn vào đau.
Theo bác sĩ Trần Hoa, nguyên nhân gây ra đau gót chân (viêm cân gan bàn chân) là do hoạt động quá mức kéo dài, lặp đi lặp lại do nghề nghiệp, luyện tập thể thao, thói quen sinh hoạt.
Một số trường hợp khác là do dị tật vòm gan chân quá cao, co rút cơ cẳng chân,... gây áp lực lớn lên gót chân, lâu dài gây đau gót và do một số bệnh lý (viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, gút, thoái hóa khớp, đái tháo đường,..).
Viêm cân gan bàn chân là một bệnh rất phổ biến. Bệnh thường thấy ở tuổi trung niên nhưng có thể gặp ở người trẻ, những người phải đi bộ nhiều, đứng lâu hoặc có thói quen đi chân đất, đi dép có đế quá cứng, mang giày và miếng lót giày không thích hợp, thường xuyên sử dụng giày cao gót, người béo phì, tập thể dục quá mức, các vận động viên.
Để điều trị bệnh viêm cân gan lòng bàn chân gồm phương pháp đông y và phương pháp tây y. Với phương pháp đông y, người bệnh có thể châm cứu, hồng ngoại, ngâm bùn khoáng,... Với phương pháp tây y, người bệnh có thể dùng thuốc uống hoặc tiêm thuốc tại chỗ.
Hiện nay, với sự tiên tiến của nền y học, người bệnh có thể chữa trị dứt điểm bệnh viêm cân gan bàn chân nhờ vào liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP).
Bác sĩ Trần Hoa khuyến cáo, khi bị viêm cân gan bàn chân, người bệnh cần khám và điều trị sớm, không để tình trạng đau nhức gót chân kéo dài, khó chữa trị sau này. Di chứng này ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại, công việc và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Để phòng tránh bệnh viêm cân gan bàn chân, điều cần thiết là phải sinh hoạt điều độ. Nên tập những bài tập thư giãn vùng gót chân. Phụ nữ nên hạn chế việc mang giày cao gót. Với đặc thù công việc phải đứng lâu, công nhân nên thay đổi tư thế làm việc và có thời gian nghỉ ngơi.
Ngoài ra, viêm cân gan bàn chân còn ở thể khác là viêm gân gót và viêm bao hoạt dịch gân gót - đau ở mặt sau gót chân. “Tỉ lệ người dân mắc bệnh viêm gân gót hoặc viêm bao hoạt dịch gân gót hiếm, ít xảy ra. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần theo dõi để điều trị kịp thời”, bác sĩ Trần Hoa cho biết thêm.