Em bé 2 tuổi mắc sốt xuất huyết quấy khóc vì sốt, mệt và khó chịu liên tục 3 ngày nay, bà Hà Thị Cây – bà ngoại cháu bé cho biết, bé có biểu hiện sốt liên tục không hạ nên gia đình có đưa bé đến một số các tiệm thuốc gần nhà để mua thuốc uống. Tuy nhiên, bé vẫn sốt không hạ kèm theo các triệu chứng mệt nhiều hơn nên gia đình đã nhanh chóng đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị.
Tại bệnh viện, bé tiếp tục sốt kèm những nốt ban đỏ dưới da nổi lên. Lúc này, các bác sĩ nhanh chóng điều trị tích cực cho bệnh nhi. Sau 3 ngày nhập viện, tình trạng sức khoẻ bệnh nhi ổn định nhưng vẫn cần theo dõi tiếp tục.
BS.CKI Trần Ngọc Lưu – Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại phía Nam đã bắt đầu vào mùa mưa nên đây cũng là thời điểm lý tưởng để SXH hoạt động mạnh. Bệnh viện những ngày qua đã bắt đầu tiếp nhận những bệnh nhân có biểu hiện tăng nhẹ. So với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm này chưa đạt đỉnh điểm. Tuy nhiên, số ca bệnh rải rác ở nhiều tỉnh thành, có những ca đến khám và nhập viện khi bị nặng phải can thiệp tích cực.
Theo ghi nhận, từ đầu năm đến nay vẫn chưa có ca nào tử vong vì SXH. Đồng thời, khi không may mắc dịch SXH trẻ em từ 2-7 tuổi là đối tượng đáng lo ngại nhất vì dễ gặp biến chứng.
Cũng theo bác sĩ Ngọc Lưu, phụ huynh nên phân biệt được sốt của SXH với các bệnh lý khác. Khi thấy trẻ có những biểu hiện như ói liên tục, chảy máu răng, máu mũi, ói ra máu, đi cầu có máu, trẻ lừ đừ mệt mỏi, vã mồ hôi, chảy máu chân răng… cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để được theo dõi kịp thời.
“SXH diễn tiến bệnh trở nặng trẻ dễ gặp tình trạng cô đặc máu nặng gây tổn thương các cơ quan khác. Lúc đó vấn đề điều trị gặp khó khăn. Đồng thời, đối với SXH các đối tượng có nguy cơ đầu tiên là trẻ nhỏ hơn 1 tuổi, triệu chứng trẻ độ tuổi này thường không rõ ràng, kém hợp tác uống nước, lấy ven và mức độ cô đặc máu sẽ nhiều hơn so với những trẻ lớn. Nhóm đối tượng thứ 2 là những trẻ em béo phì, chúng sẽ có nguy cơ chuyển nặng hơn so với trẻ bình thường, tình trạng suy đa cơ quan dễ xảy ra. Đây là 2 đối tượng đặc biệt lưu ý khi phát hiện trẻ nhiễm SXH”, bác sĩ Ngọc Lưu nhấn mạnh.
Hiện nay, bệnh SXH vẫn chưa có vaccine điều trị đặc hiệu, vì thế để phòng tránh nhiễm bệnh người dân cần ngủ màn và dọn dẹp nơi ở của mình sạch sẽ tránh muỗi trú ngụ, sinh sôi.
Đối với công tác điều trị, nếu trẻ được điều trị ngoại trú, cần lưu ý những vấn đề sau: Uống hạ sốt đúng chỉ định vì đã có những trường hợp uống hạ sốt quá nhiều gây ảnh hưởng đến gan cho bé. Uống nhiều nước hạn chế tình trạng cô đặc máu. Dinh dưỡng cho trẻ ăn đồ mềm, dễ tiêu và nên kiêng những thức ăn màu đen, đỏ nếu trẻ bị ói ra sẽ khó phân được đó là thức ăn hay máu. Nếu thấy trẻ có các cảnh báo như trên, cần đưa trẻ trẻ đi khám lại ngay.