Tập 27 chương trình Bác sĩ gia đình lên sóng với chủ đề “Nguyên nhân và cách điều trị chứng ngón tay cò súng”. Chương trình có sự tham gia tư vấn của bác sĩ CKI Nguyễn Văn Minh, BV Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.
Tiểu phẩm tình huống mang đến câu chuyện khi đang tưới cây ở ngoài vườn, ông chồng bỗng la lớn khiến người vợ đang nấu cơm trong bếp phải chạy ra xem. Ông chồng nói: “Ây da, ây da. Tự nhiên đang tưới cây cái tay anh nó quéo vậy rồi nè”. Thấy vậy, cô vợ cố gắng dùng sức để bẻ lại tay cho chồng những vẫn không được và cho rằng chồng mình lười vận động nên cơ tay mới bị co lại.
Để giải đáp thắc mắc của các nhân vật trong tình huống, bác sĩ Nguyễn Văn Minh cho biết: “Đây là tình trạng ngón tay bị co quắp lại và bị cố định ở một vị trí như bóp còi súng. Khi tình trạng viêm dây chằng ngang và bo gân xảy ra thì sẽ gây ra tình trạng ngón tay cò súng. Một số yếu tố gây ra tình trạng này là những người có thói quen cầm nắm liên tục, những người mắc bệnh lý đái tháo đường, những người nữ giới sau tuổi mãn kinh…”.
“Những lưu ý giúp phòng ngừa và điều trị chứng ngón tay cò súng: Thứ nhất, người bệnh cần tuân thủ đầy đủ các chỉ định từ bác sĩ, trong đó có việc tập luyện vật lý trị liệu ngón tay cò súng. Thứ hai, thường xuyên tập thể dục, đặc biệt các bài tập nhẹ nhàng, duỗi ngón tay, giúp tay trở nên linh hoạt hơn.
Thứ ba, tránh các hoạt động làm căng gân cơ gấp ngón tay. Thứ tư, hạn chế tối đa những chấn thương liên quan tới bàn tay, gân và dây chằng ngón tay bằng việc đảm bảo an toàn khi lao động. Thứ năm, đảm bảo giờ giấc sinh hoạt, nghỉ ngơi, làm việc hợp lý, hạn chế tối đa làm việc nặng và quá sức.
Cuối cùng, với những bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp hay tiểu đường, cần theo dõi và kiểm soát tình trạng bệnh tốt để tránh nguy cơ mắc ngón tay cò súng”, vị bác sĩ cho biết thêm.