Cách chọn bánh trung thu đảm bảo chất lượng
* Cứ mỗi dịp Trung thu đến, người tiêu dùng lại "lạc" trong ma trận an toàn thực phẩm của loại bánh này. Dưới góc độ chuyên gia, ông có nhận định thế nào về vấn đề an toàn thực phẩm với bánh trung thu hiện nay?
TS Lâm Văn Mân: Bánh trung thu là tên gọi chung của hai loại bánh: bánh nướng và bánh dẻo, hai loại bánh này không thể thiếu trong dịp Trung thu. Nếu quan sát trên thị trường, chúng ta có thể nhìn thấy trước Trung thu khoảng hơn 1 tháng, người ta đã bắt đầu bán bánh ở dọc hai bên đường. Khi bán bánh như thế, nhiệt độ ngoài trời thường sẽ cao hơn, có những thời điểm ánh nắng mặt trời sẽ chiếu trực tiếp vào bánh. Đây là nguy cơ làm cho vi sinh vật phát triển và chất béo trong bánh bị ôi hóa, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm.
Vấn đề thứ 2, các loại bánh không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác vẫn được bày bán trên thị trường, đây cũng là nguy cơ gây mất an toàn trên thị trường. Bởi vì, không có nhãn mác, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thì việc kiểm soát chất lượng cũng sẽ không được đảm bảo.
Vấn đề thứ 3, nếu như người tiêu dùng không để ý kỹ nhãn mác sản phẩm rất có thể mua phải những sản phẩm nhái, kém chất lượng. Chất lượng ở đây bao gồm 4 yếu tố: an toàn, dinh dưỡng, cảm quan và sự tiện lợi khi sử dụng.
An toàn là yếu tố đặt lên hàng đầu, nó không được chứa các chất có độc tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Về mặt dinh dưỡng, bánh phải cung cấp năng lượng nhất định cho người sử dụng, tốt hơn nữa là có các chất sinh học có lợi cho sức khỏe. Về mặt cảm quan, bánh phải ngon. Còn tiện lợi thì nó phải phù hợp cho người sử dụng.
Để mua được bánh chất lượng, chúng ta phải chọn mua bánh có nhãn mác ghi đầy đủ thông tin: nhà sản xuất, nơi sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, đặc biệt là thành phần định lượng trên bánh và tốt hơn là người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm. Vì khi có thể truy xuất được, chứng tỏ quá trình sản xuất bánh minh bạch và được kiểm soát từ khâu nguyên liệu, khâu sản xuất, phân phối và đến tận bàn ăn của người tiêu dùng. Đồng thời, bánh có sự kiểm soát, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước.
Sử dụng bánh trung thu đúng cách và tốt cho sức khoẻ
* Ông có thể cho biết làm thế nào để sử dụng bánh trung thu đúng cách và tốt cho sức khỏe?
TS Lâm Văn Mân: Bánh trung thu có năng lượng rất cao, một chiếc bánh trung thu truyền thống, trung bình nặng 160gram. Trong 160gram đó có thể cung cấp năng lượng từ 400 – 800 calo, tức là rất cao. Vì thế, khi sử dụng người tiêu dùng phải chú ý những điều sau để mang lại lợi ích tốt nhất:
Không nên ăn bánh vào buổi sáng khi đói bụng hoặc buổi tối sau bữa ăn. Bởi vì, ăn buổi sáng sẽ làm tăng chỉ số đường huyết trong cơ thể, nếu ăn buổi tối có thể không đủ thời gian để giải phóng hết năng lượng bánh cung cấp.
Đồng thời, không nên ăn quá nhiều, mỗi lần chỉ nên ăn ¼ chiếc bánh và 1 tuần chỉ nên ăn tối đa 3 lần. Sau khi ăn bánh trung thu, nên giảm các thực phẩm khác có chứa nhiều đường, nhiều chất béo. Nên ăn thêm các thực phẩm giàu chất xơ, đặc biệt, các chất xơ hòa tan, ví dụ rau và trái cây.
Chúng ta có thể thấy trong thành phần của bánh trung thu có những chất như trà xanh, tổ yến…được đánh giá là tốt cho sức khỏe, nhưng khi mua bánh trung thu chúng ta nên chú ý mua những sản phẩm có trà xanh, tổ yến… nhưng đồng thời phải chứa ít béo, ít đường sẽ có lợi hơn cho sức khỏe.
Đặc biệt, với những người có bệnh nền như bệnh tiểu đường nhưng vẫn thích ăn bánh trung thu thì chúng ta nên sử dụng các loại bánh được sản xuất dành riêng cho người bệnh tiểu đường. Ví dụ, các loại bánh thay thế đường mạch nha, đường kính trắng bằng các loại đường khác có chỉ số đường thấp. Đối với những người bị bệnh tiểu đường không nên sử dụng bánh trung thu giàu béo.
* Xin cảm ơn ông!