Yoga cải thiện sức khoẻ sinh sản
Chị Nguyễn Thị Linh Tâm (29 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) vừa bước qua thai kì tháng thứ 5 khoẻ mạnh nhờ tập yoga thường xuyên. Theo chị Tâm, khi chưa mang thai chị cũng thường xuyên tập thể dục ở các bộ môn như tennis, gym để cải thiện vóc dáng. Từ khi chị có thai, cần chăm sóc sức khoẻ kĩ hơn, để không vận động mạnh ảnh hưởng đến thai nhi, chị Tâm đã tìm đến yoga để cải thiện sức khoẻ của mình.
“Những ngày đầu tập yoga tôi vẫn mang thai và nghén, cơ thể khá uể oải, nhưng nhờ sự động viên của gia đình nên tôi cố gắng tập yoga một tuần 3-4 buổi, các bài tập có sự theo dõi của giáo viên yoga phù hợp với thể trạng và tuần thai”, chị Tâm chia sẻ. Hiện nay đã 5 tháng đều đặn tập yoga, chị Tâm cảm thấy khoẻ mạnh, những cơn đau lưng và ốm nghén cũng rất ít.
Yoga tốt nhưng không phải thai phụ nào cũng phù hợp
Bác sĩ CKII Bùi Thị Phương Loan - Khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, phụ nữ làm mẹ là một thiên chức cao quý, nhưng không phải phụ nữ nào cũng trải qua quá trình mang thai nhẹ nhàng. Hầu hết phụ nữ mang thai xảy ra những vấn đề đau bụng, đau lưng, mệt mỏi, căng thẳng, khó thở, mất ngủ…, thậm chí trường hợp phụ nữ mang thai có thể rơi vào giai đoạn trầm cảm, rối loạn cảm xúc. Việc tập thể dục giúp phụ nữ cân bằng được những dấu hiệu này.
Đối với phụ nữ mang thai, tập yoga sẽ giúp quá trình mang thai nhẹ nhàng hơn. Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng, nếu phụ nữ mang thai tập yoga sẽ làm giảm nồng độ cortisol trong máu. Bởi khi mang thai sẽ thay đổi nhiều về nội tiết tố, các hormone tăng khi nồng độ cortisol tăng và đây cũng là chất ức chế thần kinh, tăng nguy cơ sinh non, xảy thai ở nhóm phụ nữ này.
Yoga sẽ giảm căng thẳng, giảm triệu chứng khó chịu, đau lưng, giúp duy trì sự dẻo dai của cơ thể. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối của thai kì, sự thay đổi của cơ thể dẫn đến hiện tượng nặng nề hơn, khó thở hơn và ở giai đoạn chuyển dạ, sản phụ cần có một sức khoẻ tốt, thở đều đặn để có thể vượt qua được chu kì mang thai an toàn.
“Yoga giúp chúng ta có hít hơi thở tốt, kiểm soát được căng thẳng và yoga phụ thuộc vào quá trình mang thai. Ví dụ, trong tam cá nguyệt 1, 2 có những vận động khác, tam cá nguyệt 3 chuẩn bị chuyển dạ có những bài tập cho sản phụ để giúp chân vững hơn, các cơ vùng chậu săn chắc hơn, làm tăng các cơ để rặn, nhằm giảm mất sức khi phụ nữ sinh”, bác sĩ Phương Loan chia sẻ.
Những đối tượng không nên tập yoga khi mang thai là những người có bệnh lí nội khoa nặng không thể vận động mạnh hoặc những người có biến chứng trong thai kì, ra máu trong thai kì, cổ tử cung ngắn… Trước khi tham gia tập yoga, thai phụ cần trao đổi trực tiếp để biết mình có nằm trong nhóm được tập yoga không. Và nếu không nằm trong nhóm chỉ định này thì bộ môn này rất tốt.
Bên cạnh đó, thai phụ cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cần cảm nhận được giới hạn của cơ thể để tập yoga, nếu có những vấn đề gì khác sẽ có những bài tập riêng cho từng đối tượng.
Nếu sau khi tập yoga có triệu chứng khó chịu, đau cơ, đau lưng, đau khớp, mệt mỏi, không ngủ đủ giấc…, thì nên giảm cường độ tập, bắt đầu với những động tác nhẹ nhàng và chuyển qua những động tác thiền.