Bước sang năm thứ 4 kể từ ngày cơn sóng thần mang tên COVID-19 ập đến và để lại những ngổn ngang của mất mát, tổn thương, đổ vỡ. Và hai chữ Hy vọng cũng trải qua các cuộc ly rời, tác thành cùng những điều bình thường khác để tìm ra nghĩa mới.
Trong bối cảnh ấy, chương trình “Hy vọng 2024” đã mang đến những giờ phút đầu năm quý giá để mỗi người được lắng lại, đối diện với những tổn thương bên trong mình thông qua sự soi rọi vào 4 câu chuyện của 4 nhân vật khách mời.
Họ trải qua những nghịch cảnh khác nhau, những nỗi đau khác nhau. Có người vừa đi qua bão giông, có người vẫn đang ở trong bão giông. Cách họ đối diện cũng khác nhau. Nhưng họ có chung một nguyên lý là hy vọng.
4 nhân vật chia chương trình làm 4 chương, mỗi chương là một thông điệp ý nghĩa và thực sự “chạm" tới người xem. Trong đó, “hot Tiktoker” An Đen (Nguyễn Thuý An) mở đầu chương trình bằng một câu chuyện quen thuộc với người trẻ. Câu chuyện về cô gái đi tìm ánh sáng phồn hoa nơi phố thị.
10 năm ở Sài Gòn là 10 năm mỏi mệt, mông lung, sợ hãi và mặc cảm với An. Thế hệ của An bị mặc cảm thất bại bởi hằng ngày phải chứng kiến quá nhiều thành công trên mạng xã hội.
Ngày rời Sài Gòn, trên con đường về nhà thênh thang lộng gió, An chưa biết mình sẽ làm gì. Về quê, An làm rẫy, nuôi bò, rảnh thì quay Tiktok cho vui, ngày nào cũng là ngày chủ nhật. An chẳng ngờ được chính cái tâm thế ấy của cô lại khiến cô trở thành “hot Tiktoker".
Trái ngược với An, Hiếu PC thành công từ sớm. 16 tuổi, Hiếu đã kiếm được cả triệu đô, có tiền lo cho bố mẹ, đi du học, mua biệt thự, siêu xe, giúp đỡ bạn bè. Nhưng đằng sau sự thành công đó là một câu chuyện đen tối...
Nếu như An Đen, Hiếu PC đã đi qua những mông lung, tăm tối cuộc đời thì vợ chồng Vũ Trung Anh Rim - ông chủ của thương hiệu đồ gỗ nội thất còn ở trong bão lốc. Ở tuổi 31, Rim nợ hơn 30 tỉ. Đó là một cú tát mạnh vào một người từng ngạo mạn vì tài năng và thành công sớm như Rim.
Còn với Nguyễn Quốc Dân lại là một câu chuyện về chàng hoạ sĩ có xuất thân “đầu đường xó chợ", lớn lên từ bãi rác và trở về bãi rác để làm nghệ thuật khiến khán giả không khỏi nghẹn ngào.
Con đường mà họa sĩ Nguyễn Quốc Dân chọn là con đường gắn kết với quá khứ. Thay vì đoạn tuyệt một phần ký ức đau thương, anh tìm cách lý giải nó bằng việc hồi sinh những chiếc chai nhựa, những cái áo cái quần người ta vứt bỏ.